Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Những giá trị lịch sử to lớn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Biên phòng - Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Di sản Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thật vĩ đại, trong đó có bản Di chúc thiêng liêng với những giá trị to lớn, vượt thời gian. Thực hiện Di chúc của Người, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

kbwn_anh-1
Các đồng chí (từ trái sang): Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương;  Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Hà Phương

Hội thảo “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1969-2019) do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức vào ngày 28-8 là dịp để chúng ta nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh định hướng của bản Di chúc. Đồng thời, đánh giá về những kết quả đã làm được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Biên phòng xin giới thiệu một số ý kiến tâm huyết tại hội thảo. 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước vĩ đại. Đó là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Bản Di chúc sau khi công bố đã gây xúc động mạnh mẽ như một lời hiệu triệu, được truyền đi, lan tỏa trở thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, đem lại những kết quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển nhanh và bền vững.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử có giá trị vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Di chúc đã thể hiện toàn diện và sâu sắc nhất về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó cũng là sự thể hiện toàn diện, sâu sắc nhất tinh thần trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam luôn học tập và thực hành theo tinh thần trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Đó chính là sự tiếp nối và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam ngày nay nguyện “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Tiến sĩ Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước: Văn phòng Chủ tịch nước là cơ quan có vinh dự to lớn, được trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người đích thân rèn giũa, giáo dục, đào tạo ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Chính vì vậy, trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận lực, nỗ lực phấn đấu thực hành theo tấm gương của Người “suốt đời vì nước, vì dân”.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thể cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước nguyện không ngừng rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống “tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, đoàn kết thống nhất, khắc phục hạn chế, thiếu sót; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ được Người chú trọng đặc biệt từ bước khởi đầu cho đến khi “từ biệt thế giới này”. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chỉ dẫn của Người về cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam sớm xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trong xây dựng Đảng, lấy công tác cán bộ là then chốt. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng phải được thực hiện trên những vấn đề rất cơ bản. Cán bộ ở mọi cấp, mọi trình độ đều phải được đào tạo cơ bản, chuyên sâu và thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn... Để hướng tới các mục tiêu những năm tiếp theo, Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, cần có chiến lược cán bộ lâu dài, trong đó có khâu rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam: Thực hiện lời dạy của Người, Hội LHPN Việt Nam đã có những nỗ lực trong công cuộc chăm lo, bảo vệ phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Với vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Hội LHPN các cấp đã thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: Cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Phụ nữ nuôi dạy con tốt”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Hà Phương (thực hiện)

Bình luận

ZALO