Biên phòng - Bom đạn và sự đổ nát là những điều đầu tiên khi hình dung về cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Cuộc chiến khởi đầu với hàng loạt các cuộc biểu tình nhỏ vào đầu năm 2011, nhưng chỉ sau 1 năm, đã có hơn 5.000 người đã bị giết kể từ khi các cuộc biểu tình, phản đối chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad lần đầu tiên nổ ra hồi cuối tháng 3 năm 2011.

Đến nay, khoảng 2,6 triệu người Syria đã rời bỏ đất nước của mình và khoảng 4 triệu người đã phải rời bỏ nơi cư trú của mình. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong số những người tỵ nạn có tới 1 triệu trẻ em và còn vô số những đứa trẻ khác bị bỏ lại giữa mảnh đất chỉ có bom rơi lửa đạn.
Khi những cuộc chiến dai dẳng, kéo dài ngày càng trở nên quyết liệt, Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức phi chính phủ không ngừng đưa ra các cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại quốc gia Trung Đông này. Chưa bao giờ người ta lại nhắc nhiều tới số phận của trẻ em, những thế hệ tương lai của Syria như lúc này.
Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria mới đây công bố báo cáo mới nhất cho thấy, số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua tại Syria đã lên tới 360.000 người, trong đó có hơn 20.000 trẻ em. Trẻ em Syria không chỉ là những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất bởi bom đạn, các em còn dễ dàng bị những phần tử khủng bố bắt cóc để phục vụ nhiều mưu đồ đen tối.
Tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria liên tiếp hứng chịu các đợt không kích dữ dội. Tại tỉnh này, hiện có khoảng 1 triệu trẻ em trên tổng số 3,5 triệu người dân. Trong số này, ít nhất 350.000 trẻ em đã phải sơ tán nhiều lần và phải trải qua ít nhất là 1 một cuộc tấn công. Cuộc sống của trẻ em tại Idlib hiện rất bất bênh, thiếu các dịch vụ y tế và xã hội thiết yếu. Một cuộc điều tra mới đây về dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Idlib là rất đáng báo động, đã tăng gấp 3 thậm chí là gấp 4 lần so với trước đây. Phần lớn các em không được đến trường, bởi bố mẹ các em lo sợ nguy cơ một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào và thậm chí là ngay khi các em đang trên đường đến trường. Một nửa số ngôi trường tại Idlib cũng đã ngừng hoạt động do thiếu giáo viên.
Ngoài điểm nóng ở tỉnh Idlib, tại khu vực Đông Ghouta - nơi nằm gần thủ đô Damascus do lực lượng đối lập kiểm soát thì tình trạng không kích vẫn diễn ra liên miên. Theo tổ chức Bác sĩ Không biên giới (Médecins Sans Frontières), chỉ tính riêng cuối tháng 2-2018, đã có hơn 520 người vô tội đã thiệt mạng - trong đó có ít nhất 150 trẻ em cùng hàng nghìn người khác bị thương bởi các cuộc không kích. Hàng trăm nghìn người dân còn mắc kẹt tại khu vực Đông Ghouta phải thường xuyên lánh nạn dưới hầm. Họ chấp nhận sống trong điều kiện thiếu thốn nguồn điện, nguồn nước và nguồn thực phẩm nhằm giữ lấy mạng sống cho bản thân, và cho cả gia đình của mình. Thay vì được ăn uống đầy đủ như mọi đứa trẻ khác trên thế giới, những em bé đáng thương ở Syria lại chấp nhận nhịn đói suốt nhiều ngày liên tục vì không có đồ ăn - hoặc do mẹ không có sữa cho bú.
Nhiều tổ chức hoạt động nhân đạo cũng như y tế trên khắp thế giới đã lên tiếng đề nghị LHQ cần phải có giải pháp kịp thời nhằm chấm dứt xung đột tại khu vực Đông Ghouta nói riêng và toàn Syria nói chung, đồng thời tăng cường bảo vệ sự an toàn cho dân thường vô tội - đặc biệt là trẻ em. Dẫu vậy, các thành viên thuộc Hội đồng Bảo an LHQ vẫn khó lòng đưa ra hướng tháo gỡ cụ thể do các bên vẫn chưa xác định rõ bản chất của lệnh ngừng bắn, hay phạm vi áp dụng đối với những lực lượng đang tham chiến trên thực địa. Hơn ai hết, trẻ em Syria đang thực sự là những nạn nhân trực tiếp của thảm họa nhân đạo được LHQ đánh giá là nghiêm trọng nhất thế kỷ này.

Trẻ em Syria không chỉ là những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất bởi bom đạn, các em còn dễ dàng bị những phần tử khủng bố bắt cóc để phục vụ nhiều mưu đồ đen tối. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng do phương Tây bảo trợ cùng các phần tử khủng bố thuộc Mặt trận al-Nusra đã buộc hàng chục trẻ em ở tỉnh Aleppo và trẻ mồ côi sống tại những trại tị nạn tham gia dàn dựng các đoạn phim về tấn công bằng chất độc chứa khí clo. Sau đó, các lực lượng này tìm cách đổ lỗi cho quân đội Syria đã gây ra những vụ tấn công hóa học khi gửi các cảnh quay về những vụ tấn công hóa học ngụy tạo tới LHQ, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học và công bố trên mạng xã hội.
UNICEF nhấn mạnh, các bên tham gia xung đột đang coi thường tính mạng của gần 7 triệu trẻ em Syria. Trẻ em không chỉ là mục tiêu tấn công trực tiếp mà còn bị từ chối tiếp cận các dịch vụ cơ bản và rơi vào tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men, trong khi trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng dân sự bị bom đạn phá hủy.
Chiến tranh là điều không ai mong muốn ở trong bất kì hoàn cảnh nào, thế nhưng trên thế giới, vẫn còn những cuộc chiến kéo dài không có hồi kết. Số phận của những mảnh đời tại vùng đất chỉ có bom đạn và đổ nát luôn là những hình ảnh gây ra nỗi ám ảnh trên toàn thế giới. Đặc biệt, những đứa trẻ gần như là bị “quên lãng” ở phần còn lại của thế giới đang ngày đêm tìm mọi cách để sinh tồn giữa đống đổ nát, các em xứng đáng có một tuổi thơ được đến trường học hành, được vui chơi như những đứa trẻ khác ở trên thế giới.
Quang Long (Tổng hợp)