Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

Những đòn nghi binh “lừa” địch cấp chiến lược

Biên phòng - Trong nghệ thuật tác chiến chiến lược, Việt Nam luôn tạo yếu tố bất ngờ và nghi binh “lừa” địch, làm nên đột biến lớn ở chiến trường. Trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, chúng ta đã “căng địch” ra giữ chân ở hai mặt trận. Phía Bắc, ta giữ chân địch ở Trị - Thiên, phía Nam ở Sài Gòn. Mỹ - ngụy đã rơi vào “kế” ta sắp đặt, bất ngờ đánh Tây Nguyên, tạo nên đột biến về chiến lược, làm cho quân địch không kịp trở tay.

tkml_5a
Cầu Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Trong chiến tranh chống Mỹ, là bến phà và cầu phao của đường Hồ Chí Minh, trở thành “tọa độ lửa” mà không quân Mỹ đánh phá dữ dội.  Ảnh: Hải Luận

“Bộ Chính trị chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, mục tiêu tiến công đầu tiên là Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), hướng phát triển tiếp theo là phía Đông. Sử dụng lực lượng cũng như cách đánh phải mạnh bạo, bí mật, nghi binh tốt, hướng sự chú ý của địch vào Bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận tại Hội nghị thường trực Quân ủy Trung ương ngày 9-1-1975 (trích dẫn “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 172).

Nghi binh, tướng xuất trận

Ngày 5-2-1975, đoàn công tác Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, với mật danh A.75 do Thượng tướng Văn Tiến Dũng (sau này là Đại tướng), Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu, bí mật hành quân vào Nam vào đúng thời điểm sát Tết Ất Mão. Mọi biện pháp bảo mật, nghi binh được thực hiện để đánh lạc hướng địch. Tướng tổng chỉ huy ra trận lúc Tết cổ truyền càng tạo thêm yếu tố bất ngờ. Hàng ngày, mọi hoạt động, sinh hoạt của Thượng tướng Văn Tiến Dũng vẫn được tổ chức bình thường, như xe riêng đưa đón Thượng tướng đi lại đúng giờ, tổ chức đánh bóng chuyền... Tình báo của Mỹ - ngụy  vẫn chưa phát hiện thấy có dấu hiệu “động binh”.

Điểm “hội quân” đầu tiên của ta tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đóng ở Quảng Trị. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã báo cáo với đồng chí Tổng tham mưu trưởng về các trung tâm dự trữ hàng hóa hậu cần, súng đạn, mở các tuyến đường chiến lược, điều những trung đoàn xe đang bí mật, cơ động các sư đoàn bộ binh vào vị trí tập kết theo mệnh lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch. “Đêm hôm đó, chỉ hai anh em ngồi ở phòng khách, anh Dũng nói: “Bộ Chính trị chọn Tây Nguyên làm “đột phá khẩu” cho chủ trương chiến lược mới, bởi đây là một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Bên nào chiếm được Tây Nguyên, bên đó sẽ chiếm được ưu thế tuyệt đối, khống chế được miền Trung, miền Đông Nam bộ, Trung-Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia... Tương quan lực lượng trên chiến trường, ta trội hơn hẳn, quân chủ lực miền Bắc, những “quả đấm” chiến lược đã sẵn sàng, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đủ sức thỏa mãn yêu cầu đánh lớn” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể lại với tôi cuộc trao đổi thú vị giữa ông và đồng chí Tổng tham mưu trưởng.

Sáng hôm sau, đoàn A.75 lên đường, trên xe mang biển ký hiệu “TS-601” để vào Tây Nguyên. “Dọc đường Trường Sơn, bộ đội, dân công thấy xe “TS - 601” của thủ trưởng Nguyên đi kiểm tra đường, anh em đều dạt ra ưu tiên cho xe đi trước, không ai biết người ngồi trên xe là vị tướng thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vào chỉ huy trực tiếp ở chiến trường. Sau 3 ngày, đoàn vào đến Bộ Tư lệnh tiền phương Trường Sơn tại Sa Thầy, Kon Tum, ăn Tết với anh em và làm công tác chuẩn bị” – Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại chi tiết đắt giá.

“Cầm chân” sư đoàn thiện chiến của địch

Để đánh lừa tình báo Mỹ - ngụy là vấn đề không đơn giản. Đầu năm 1975, Bộ Tổng tư lệnh đã sử dụng lực lượng Quân đoàn II và Quân khu Trị - Thiên đánh uy hiếp để “cầm chân” địch tại Trị - Thiên, đặc biệt, để sư đoàn nhảy dù của địch không thể rút lên Tây Nguyên yểm trợ.

Trong nghệ thuật quân sự tuyệt mật của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn Tây Nguyên là “đột phá khẩu”. Khi phỏng vấn Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết “lừa” địch bằng cách nào? Điều quân ra sao? Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kể lại: “Theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, tôi đã điều động những trung đoàn công binh đến mở đường lớn, xe kéo pháo hạng nặng đến vị trí tập kết... Phải dội pháo dữ dội vào vùng Đắc Tô - Tân Cảnh, các đơn vị bộ binh đánh chiếm nhiều nơi khác. Phải “làm dữ” như vậy, địch mới tin quân ta mở chiến dịch đánh lớn vào Bắc Tây Nguyên”. Trung đoàn xe độc lập của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã bí mật cơ động di chuyển những đơn vị thiện chiến từ Bắc Tây Nguyên sang Buôn Ma Thuột, chỉ để lại bộ phận cơ yếu, thông tin, hàng ngày vẫn phát đi những mật lệnh về điều quân, chiến đấu của sư đoàn ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Cách làm này là cố tình cho tình báo địch bắt được “tin giả” quân ta đang chuẩn bị đánh mạnh Bắc Tây Nguyên.

Trước tình hình nguy khốn, tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II  ngụy họp với Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 ngụỵ và Tỉnh trưởng Đắk Lắk. Phú nhận định: “... “Cộng sản” đánh Đức Lập, uy hiếp Buôn Ma Thuột chỉ để nghi binh, tạo điều kiện cho vài ngày tới sẽ tập trung lực lượng đánh vào Kon Tum – Pleiku. Do vậy, việc chính hiện nay là tăng cường mọi khả năng đối phó với địch ở trọng điểm là Kon Tum – Pleiku”. Đến gần thời điểm quân ta nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột, nhưng Tư lệnh Phú vẫn cả quyết: “Nhất định Pleiku là hướng chủ yếu, vì Sư đoàn 320 của “Việt cộng” vẫn ở đó, còn Sư đoàn 10 “Việt cộng” vẫn ở Đắc Tô – Tân Cảnh. Ở Buôn Ma Thuột cũng sẽ có hoạt động phối hợp bằng đặc công, pháo kích, nhưng không phải hướng chính”. Ngờ đâu, Sư đoàn 320 đã bí mật cơ động về Nam Tây Nguyên trước đó.

Trong lúc Quân đoàn II ngụy ra sức chuẩn bị đối phó với quân chủ lực của ta ở Bắc Tây Nguyên, thì 1 giờ 55 phút, ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột. Sau thời gian ngắn, hầu hết các mục tiêu quan trọng trong thị xã Buôn Ma Thuột đều bị quân ta đánh chiếm. 

Mất Buôn Ma Thuột, quân địch ở Tây Nguyên bị rối loạn. Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên đã sử dụng nhiều đơn vị cơ động đánh chặn quân chi viện của địch đổ bộ bằng đường không, trên quốc lộ 26 và từ hướng Gia Lai về cứu nguy Buôn Ma Thuột. 

Ngày 18-3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: “Tình hình đang chuyển biến rất nhanh. Mở đầu tiến công mới 10 ngày, đã tiêu diệt đại bộ phận Quân đoàn II ngụỵ, giải phóng Tây Nguyên. Đã xuất hiện hành động co cụm lớn của địch. Quân ngụỵ suy yếu rõ rệt. Lực lượng so sánh đã thay đổi. Do ngụy suy yếu nhanh, Mỹ cũng không dám liều lĩnh, ít khả năng can thiệp trở lại. Ta đang sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ. Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO