Biên phòng - Trong trận cháy rừng lớn diễn ra trên dãy núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 28-6 vừa qua, đã có hàng nghìn người thuộc lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương liên tục tham gia dập lửa. Sau hơn 3 ngày, 2 đêm, với sự chiến đấu không ngừng nghỉ của quân và dân, ngọn lửa đã được khống chế, dập tắt, không gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của hàng trăm hộ gia đình sống trong khu vực. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương đã trèo đèo, theo dọc đường băng cản lửa, chứng kiến những hình ảnh ấy mới thấy tự hào về tình đoàn kết quân dân, đặc biệt là ý chí sắt đá từ trái tim người lính trong lúc làm nhiệm vụ.
Quân dân đoàn kết một lòng
Nhiều ngày sau trận hỏa hoạn kéo dài, từ trên cao nhìn xuống, dãy núi Hồng Lĩnh loang lổ những sắc màu khác nhau. Cùng với màu xanh chủ đạo của rừng thông nhiều năm tuổi, đan xen một diện tích rừng không nhỏ bị lửa thiêu đốt, tạo nên màu vàng ố, xám xịt. Dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh, cuộc sống người dân đã trở lại bình thường sau những ngày phải sơ tán, di chuyển đến nơi khác vì lửa dữ đe dọa.
Gia đình ông Trần Trường Giang, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân ở sát chân núi, trong trận cháy rừng vừa rồi, lửa đã tiến gần sau nhà ông buộc các thành viên phải sơ tán đi nơi khác. Giờ tĩnh tâm nhớ lại, ông kể: “Trưa ngày 28-6, phần lớn người dân nơi đây đang ở trong nhà vì thời tiết ngoài trời quá nắng nóng. Bất ngờ, tôi nghe tiếng tri hô thất thanh: Cháy rừng, cháy rừng... Nhân dân trong vùng chẳng ai bảo ai, lập tức mang theo những gì hữu ích, có sẵn, khẩn trương di chuyển đến nơi hỏa hoạn, tìm mọi cách dập lửa. Nhưng nắng nóng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh khiến ngọn lửa bùng cháy rất dữ dội, nhanh chóng lan rộng”.
Trước tình huống nguy hiểm, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, BĐBP với các phương tiện, thiết bị chữa cháy chuyên dụng nhanh chóng được huy động đến hiện trường làm nhiệm vụ. Thế nhưng, bất chấp sự nỗ lực của lực lượng chữa cháy lên đến cả nghìn người, chiều muộn ngày 28-6, ngọn lửa vẫn thêm phần hung dữ. Núi cao hiểm trở, gió thổi cuồn cuộn, đối diện trực tiếp với ngọn lửa là điều vô cùng nguy hiểm. Toàn lực lượng trên núi được lệnh tập trung phương tiện sẵn có phát quang đường băng, chia cắt ngọn lửa, không cho nó lan rộng thêm. Mệnh lệnh được phát ra, hàng trăm cưa máy được huy động, quân dân tập trung, người cắt cây, người chung tay dọn sạch thân gỗ lớn, cành lá nhỏ, tạo nên những đường băng rộng 5-7m, kéo dài nhiều km, thiết lập khu vực an toàn.
Sau nhiều giờ nỗ lực, chiều muộn ngày 28-6, đám cháy đã được khống chế, thế nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang vẫn được lệnh duy trì quân số trên núi, sẵn sàng làm nhiệm vụ vì nhiều khả năng ngọn lửa sẽ bùng phát trở lại. Bộ đội ở lại, người dân địa phương thì phân công nhau, những người tham gia dập lửa quá mệt thì về nghỉ ngơi, phụ nữ thì về vận chuyển cơm, nước lên hiện trường cho bộ phận ở lại túc trực cùng với bộ đội làm nhiệm vụ chung.
“Những người khỏe mạnh tại địa phương đều tham gia dập lửa nhiều ngày liền. Chị em phụ nữ chúng tôi chủ yếu thay nhau tiếp tế cơm ăn, nước uống và dọn dẹp cành lá ở những đường băng đã được phát quang. Sự vất vả càng cho thấy tình cảm quân dân được thắt chặt” - Chị Đặng Thị Thu Hà, thôn 9, xã Xuân Hồng cho biết.
Trong những bộ quần áo ướt sũng mồ hôi, chân tay, mặt mũi nhuốm màu đen của than, cán bộ, chiến sĩ và người dân ăn vội hộp cơm, uống nước đóng chai, nhiều người mệt lả thiếp đi chốc lát trong đêm. Đúng như nhận định, 3 giờ sáng ngày 29-6, ngọn lửa trên núi Hồng Lĩnh đã bùng phát trở lại và cháy dữ dội hơn, đến trưa cùng ngày, gió phơn Tây Nam thổi thốc khiến nó vượt qua đường băng cản lửa được phát trước đó. Toàn bộ quân dân được lệnh rút xuống mở một đường băng cản lửa mới rộng hơn, kéo dài khoảng 5km từ thị trấn Xuân An men theo triền núi đến xóm 7, xã Xuân Hồng, với mục đích không để cho lửa tiến sát khu dân cư. Liên tục làm việc không ngừng nghỉ, rạng sáng ngày 30-6, ngọn lửa mới cơ bản được khống chế.
Sự bền bỉ của những người lính
Sáng ngày 30-6, tuy ngọn lửa lớn cơ bản được khống chế, nhưng dọc con đường băng cản lửa kéo dài từ thị trấn Xuân An đến xã Xuân Hồng, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những đám lửa cháy bùng trở lại. Nhưng nó lại bị quân dân túc trực nhanh chóng phát hiện khống chế, dập tắt không cho lan rộng. Ngày hôm đó, gần như cả con đường xuyên núi ở đâu cũng bắt gặp bộ đội, cứ khoảng 10m lại có một tổ gồm 5-7 cán bộ, chiến sĩ đứng canh. Trên con đường băng cản lửa kéo dài có 150 cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Hà Tĩnh đang cùng lực lượng khác làm nhiệm vụ từ nhiều ngày nay. Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Bộ quân phục dã chiến đọng lại một lớp muối trắng do mồ hôi tạo nên.
Dưới tán cây rừng, bụi, khói bay mịt mù, nhiều chiến sĩ trẻ tranh ngủ chợp mắt. Thượng úy Nguyễn Văn Đông, Đồn Biên phòng Lạch Kèn, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Đơn vị đứng chân trên địa bàn nên cán bộ, chiến sĩ được điều động tham gia dập lửa cứu rừng từ ngày đầu tiên cho đến nay, chưa ai được xuống núi nghỉ ngơi. Nhiều anh em đã mệt lả, thèm nhất là một giấc ngủ, nhưng vì nhiệm vụ nên vẫn phải cố gắng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị bạn ở đây cũng vậy”.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân chia sẻ: “Những người lính, trong đó có cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã bền bỉ chiến đấu không ngừng nghỉ khống chế, dập tắt hoàn toàn ngọn lửa dữ. Họ xứng đáng là bộ đội của dân, vì dân mà phục vụ. Các anh là tấm gương sáng cho lực lượng đoàn viên thanh niên học tập, noi theo”.
Cách đó không xa, Thượng tá Lê Hữu Hưng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nghi Xuân đang tích cực chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ khẩn trương dập tắt một đám cháy đang bùng phát trở lại. Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nghi Xuân là một trong những đơn vị quân đội có mặt đầu tiên thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu rừng. Thời tiết nắng nóng cộng với khói lửa khiến bộ đội mất sức rất nhiều. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, bám hiện trường thực hiện nhiệm vụ nhiều ngày liền. Ngọn lửa đã được không chế, không có thiệt hại về tài sản, tính mạng của nhân dân là niềm hạnh phúc lớn đối với mọi người lính.
Ông Đặng Công Học, xóm 7, xã Xuân Hồng là người đã sát cánh với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang tham gia dập lửa trên dãy núi Hồng Lĩnh nhiều ngày liền. Chứng kiến quá trình thực hiện nhiệm vụ của những người lính, ông Học cảm động: “Cả mấy ngày trời, các anh ấy bám núi rừng triển khai mọi biện pháp để dập lửa, không được nghỉ ngơi. Có lẽ, chỉ có Bộ đội Cụ Hồ với tấm lòng vì nhân dân mà phục vụ mới làm được điều đó. Lửa dữ được khống chế, dập tắt, công lao lớn thuộc về những người lính”.
Viết Lam