Biên phòng - Các phong trào trên địa bàn biên giới Long An như: "Phía sau đỡ đầu, hỗ trợ tuyến trước", "Kết nghĩa nhân dân xã - xã biên giới", "Kết nghĩa lực lượng vũ trang bảo vệ hai bên biên giới" đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới tỉnh Long An vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Long An đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an tỉnh thống nhất triển khai mô hình "Tiếng kẻng vùng biên" nhằm đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và cứu hộ, cứu nạn trên khu vực biên giới.
Đại tá Nguyễn Văn Thành, Chỉ huy trưởng BĐBP Long An cho biết: "Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các xã biên giới tỉnh tương đối phức tạp. Ở một số địa phương, tình trạng cờ bạc, uống rượu, quậy phá, trộm cắp, đưa rước người qua biên giới đánh bài ăn tiền, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn xảy ra.
Đặc biệt, phía bên kia biên giới, tình trạng cướp có vũ trang vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ phức tạp. Trước tình hình đó, để bảo đảm cho nhân dân các xã biên giới được bình yên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chính quyền địa phương phát động và nhân rộng mô hình "Tiếng kẻng vùng biên", trong đó, lực lượng BĐBP làm nòng cốt. Đến nay, đã có 37/44 ấp của 19/20 xã biên giới được triển khai mô hình này. Phải khẳng định rằng, sau thời gian thực hiện, mô hình "Tiếng kẻng vùng biên" đã mang lại hiệu quả thiết thực".
![]() |
BĐBP Long An hướng dẫn nhân dân biên giới triển khai mô hình "Tiếng kẻng vùng biên". Ảnh: Xuân Hoàng |
Theo Trung úy Khuê, cả một thời gian dài, các lực lượng Biên phòng, Công an, Quân sự đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ, bàn bạc, thống nhất nội dung, phương án, kế hoạch triển khai mô hình "Tiếng kẻng vùng biên" nhằm huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ lẫn nhau khi có thiên tai, lũ lụt hoặc tai nạn xảy ra ở khu vực biên giới.
Qua công tác tuyên truyền, tất cả người dân trên địa bàn khu vực biên giới đã đồng tình ủng hộ và tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để mua trên 6.000 kẻng các loại, in ấn trên 6.000 quy chế sử dụng kẻng, làm hơn 6.000 gậy chống cướp; hàng chục đoạn hàng rào ngăn tội phạm. Không những vậy, bà con còn tự giác đăng ký 27 xuồng, 183 xe gắn máy sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết.
Dẫn chúng tôi xuống các ấp trong xã nơi đơn vị đứng chân, Trung tá Nguyễn Hoa Hùng, Chính trị viên Đồn BP Bình Hòa Tây cho biết: "Trước đây, địa phương cũng đã phát động một số mô hình khác nhằm báo động tình trạng mất an ninh nhưng chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, từ ngày thống nhất thực hiện mô hình này, lòng dân đồng thuận rất cao. Quá trình thực hiện, được các cấp tổ chức mở lớp huấn luyện cho bà con cách đánh kẻng theo đúng quy ước riêng để chủ động đối phó với các tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, đồn đã cùng với Ban Chỉ huy Quân sự xã, Công an xã tổ chức diễn tập, thực hành các tình huống để nhân dân và các lực lượng chức năng thực hiện theo đúng phương án đặt ra. Từ đó, người dân nhận biết được tiếng kẻng nào là báo động cháy nổ, tiếng kẻng nào là xảy ra vụ việc gây rối hay trộm cướp... để mang theo các dụng cụ, phương tiện cần thiết tham gia xử lý".
Gặp chúng tôi, ông Phan Văn Thơi, Bí thư Chi bộ ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, chia sẻ: "Mô hình này được triển khai, ấp chúng tôi được BĐBP, Công an, Quân sự xã phổ biến rất rõ quy định về hiệu lệnh gõ kẻng, cùng với đó là số điện thoại đường dây nóng của các lực lượng chức năng trên địa bàn. Mỗi khi phát hiện vấn đề gì nghi vấn, người dân sẽ gõ kẻng báo động và gọi điện thoại báo cho chính quyền và lực lượng chức năng nơi gần nhất để biết xử lý. Phải khẳng định là sau thời gian sử dụng mô hình này đã góp phần làm giảm tội phạm, ổn định an ninh trật tự, thời gian qua, trong ấp Bình Bắc chúng tôi không còn vụ trộm cướp nào xảy ra".
Rời Long An, chúng tôi mang theo nhiều ấn tượng tốt đẹp về việc thực hiện những phong trào, mô hình ở đây. Từ việc thực hiện mô hình "Tiếng kẻng vùng biên", tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn biên giới Long An được đảm bảo, công tác phối hợp phòng chống tội phạm đạt hiệu quả cao, không để xảy ra tình trạng cướp có vũ trang, đồng thời làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn và phối hợp xử lý tốt các vụ việc xảy ra trên khu vực biên giới.