Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 10:47 GMT+7

Những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021

Biên phòng - Trong năm 2021, dịch Covid-19 đã có những tác động mạnh tới nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong sản xuất và xuất khẩu để giúp doanh nghiệp kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.

Các doanh nghiệp tung nhiều mặt hàng mới để phục vụ thị trường dịp Tết. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

Ghi nhận của phóng viên, càng về cuối năm 2021, “sức khỏe” của các doanh nghiệp Việt Nam càng có tín hiệu phục hồi sau mùa dịch bệnh. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, từ khi dịch bệnh xuất hiện, xu hướng tiêu dùng của nhiều quốc gia bắt đầu có sự thay đổi. Người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm đông lạnh để trữ ăn dần chứ không đi chợ để mua hàng tươi như trước.

“Để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, công ty chủ động chuỗi liên kết bằng cách dùng nguồn nhân lực địa phương của mỗi vùng nguyên liệu. Trong khó khăn càng thấy rõ giá trị của việc liên kết, hợp tác với nông dân. Điều này sẽ được công ty chú trọng phát triển năm 2022 để khôi phục lại các hoạt động kinh doanh” - bà Ngô Tường Vy chia sẻ.

Tương tự, bà Lưu Vũ Ngọc Ngân, Phó Giám đốc Công ty Kim Minh International “tiết lộ” bí quyết giữ vững đơn hàng xuất khẩu trong mùa dịch là việc doanh nghiệp ứng dụng linh hoạt phương pháp “lạt mềm buộc chặt”. Công ty khuyến khích nhân viên khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận các nhà nhập khẩu trên thế giới; tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng khách hàng trong nhiều lĩnh vực.

Kết thúc năm 2021, nền kinh tế Việt Nam có những tín hiệu tích cực như: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên đến gần 160.000 doanh nghiệp.

Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế cả nước tăng trưởng trong năm 2022. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất năm 2021 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với năm trước, bao gồm kim loại tăng 22,1%; xe có động cơ tăng 10,2%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; khai thác than cứng và than non tăng 9%; dệt tăng 8,3%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 8,1%; sản xuất trang phục tăng 7,6%...

Bên cạnh những con số thống kê, là sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Linh hoạt, không khoanh tay trước những khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của Việt Nam, các doanh nghiệp đang chống chọi khó khăn, tìm cách phục hồi.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam trong những tháng qua vẫn tồn tại những khó khăn như: Giải ngân đầu tư công không đạt được như kế hoạch đã đặt ra thì sự phục hồi của doanh nghiệp cũng chưa được như mong muốn và sự phát triển “nóng” của một số thị trường (như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...) khiến nền kinh kế đứng trước những rủi ro tiềm ẩn... Một vấn đề khác là sắp tới áp lực lạm phát cao của năm 2022 đối với kinh tế Việt Nam kéo theo giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ thế giới liên tục tăng cao thời gian qua; giá dầu thô dự báo còn tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế.

Cần “cởi trói” tinh thần cho doanh nghiệp

Báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự kiến tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%. Đặc biệt, năm 2022, việc áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ sẽ đi vào cuộc sống xã hội một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, tiếp tục “cởi trói” tinh thần cho doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, với tình hình phục hồi như hiện nay, GDP quý I-2022 có thể tăng trưởng khoảng 6%, còn cả năm 2022 có thể đạt hơn 8% nhờ một số ngành năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành dịch vụ như: Du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn...

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều mong muốn có gói kích cầu kinh tế để khôi phục mạnh mẽ trong năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, trước mắt, muốn phục hồi nhanh nền kinh tế, trong thời gian tới, Việt Nam cần đưa ra gói kích thích kinh tế đủ lớn với các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao. Ngoài ra, chúng ta cũng phải chấp nhận nâng tỷ lệ bội chi, nợ công trong giai đoạn này để có nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022.

Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, mức hỗ trợ của Việt Nam vừa qua chỉ tương đồng các nước thu nhập thấp. Nhà nước đã sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4% GDP để phục hồi kinh tế, nhưng quy mô các gói thấp hơn nhiều so với bình quân 16,4% GDP của toàn cầu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo: Cần có các công cụ đủ mạnh để kiểm soát thị trường chứng khoán, bất động sản..., tránh khả năng phát triển “bong bóng”, mất kiểm soát. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng ít nhất đến cuối năm 2022 với mức giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm.

Theo ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, rút kinh nghiệm từ gói kích cầu 2008-2009, với quy mô lên tới 122.000 tỷ đồng đã giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế khi đó. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ đã tạo ra hệ lụy cho sự phát triển bền vững vì việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát, dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí không đến đúng đối tượng mà chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường giám sát chương trình kích cầu phục hồi kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm, khoa học và toàn diện, xuyên suốt để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nào cũng tiếp cận được các gói kích cầu tốt nhất.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO