Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 04:36 GMT+7

Những điểm mới trong tuyển sinh quân sự năm 2015

Biên phòng - Cơ quan Thường trực Ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng (TSQS BQP) cho biết, năm 2014, công tác tuyển sinh trong quân đội đã được thực hiện nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế của Nhà nước và các quy định của BQP. Các trường đã thực hiện nghiêm túc ở tất cả các khâu, các bước trong công tác tuyển sinh.

1szi_10b-1.JPG
Thí sinh tới đăng ký thi tại Học viện Biên phòng năm 2014.

Các cấp cũng đã phát huy tốt trách nhiệm, có nhiều biện pháp tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền hướng nghiệp, thu hút nguồn tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) năm 2014 là 40.891, tăng 2,41% so với năm 2013. Kết quả thi cơ bản đều có điểm chuẩn cao hơn những năm trước, tuyển sinh đủ số lượng, có chất lượng tốt, tỉ lệ loại ra giảm. Trong suốt kỳ tuyển sinh, không có cán bộ vi phạm quy chế thi, số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm hơn những năm trước.

Theo Thượng tướng Phạm Xuân Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban TSQS BQP, một trong những kết quả nổi bật của công tác tuyển sinh năm 2014 là chất lượng đầu vào được nâng lên.

"Nhiều trường có điểm chuẩn cao hơn so với năm 2013 từ 1-5 điểm, trong đó, các trường thuộc tốp trên đều ngang bằng với các trường tốp đầu của cả nước. Điều này có nghĩa là chất lượng đầu vào cao hơn, cũng có nghĩa là đầu ra chất lượng sẽ đảm bảo hơn" - Thượng tướng Phạm Xuân Hùng đánh giá.

Bên cạnh đó, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam, thí sinh là người dân tộc thiểu số trúng tuyển đều tăng hơn so với năm 2013. Ngoài ra, tỉ lệ học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng vào đào tạo Đại học Quân sự là 41 thí sinh, tăng 9 thí sinh so với năm 2013. Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, trong đó, các địa phương có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển so với số thi sinh dự thi cao là: Kon Tum, Tiền Giang, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng.

Đặc biệt, có một số tỉnh trước đây chưa từng có thí sinh thi hoặc trúng tuyển vào trường quân đội thì năm 2014 đã có. "Trước năm 2012, tỉnh Lai Châu gần như không có thí sinh thi vào trường quân sự. Đến năm 2013, nhờ triển khai công tác hướng nghiệp bắt đầu có thí sinh dự thi và có 7 thí sinh đỗ vào trường quân đội. Năm 2014, có 2/62 thí sinh dự thi và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 1" - Đại tá Nguyễn Ngọc Lương, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu cho biết.

Còn theo Đại tá Nguyễn Văn Chấp, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn, năm 2014, tỉnh này đã có 12/141 thí sinh trúng tuyển vào các học viện, nhà trường quân sự. Đây là tỉ lệ đăng ký dự thi và trúng tuyển cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2015, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) chủ trương tuyển sinh theo phương án mới: Tổ chức một kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT, Thường trực Ban TSQS BQP đã chủ động đề xuất chủ trương và các giải pháp nhằm đảm bảo công tác tuyển sinh năm 2015 được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế.

Theo đó, các điểm đáng lưu ý là: Mỗi thí sinh phải làm 2 bộ hồ sơ riêng biệt: Hồ sơ đăng ký sơ tuyển (do Ban TSQS BQP phát hành) và hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia (do Bộ GD-ĐT phát hành), cụ thể: Hồ sơ đăng ký sơ tuyển: Thí sinh là thanh niên ngoài quân đội mua hồ sơ và đăng ký sơ tuyển tại Ban TSQS cấp huyện; thí sinh là quân nhân tại ngũ đăng ký sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương; thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ tuyển sinh; trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển theo đúng thời gian quy định.

Ban TSQS cấp huyện và đơn vị cấp trung đoàn hướng dẫn viết kê khai, đối chiếu, thu và ký xác nhận hồ sơ theo đúng quy trình; tổ chức khám sức khỏe, xác minh chính trị, xét duyệt và lập hồ sơ sơ tuyển cho thí sinh đủ tiêu chuẩn; Ban TSQS các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc BQP tổng hợp và bàn giao hồ sơ sơ tuyển về các trường thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1.

Đăng ký dự thi THPT quốc gia: Năm 2015, thí sinh đã qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào các trường quân đội phải đăng ký và dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, việc đăng ký dự thi gồm: Thí sinh là thanh niên ngoài quân đội: Thí sinh đang học THPT mua hồ sơ, làm thủ tục và đăng ký dự thi tại trường THPT nơi thí sinh đang học; thí sinh tự do đăng ký dự thi tại địa điểm do Sở GD-ĐT nơi thí sinh cư trú quy định.

Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ: Mua hồ sơ, làm thủ tục và đăng ký dự thi tại địa điểm của thí sinh tự do (cho số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước), do Sở GD-ĐT nơi quân nhân đang đóng quân quy định.

xkcl_10a-1.JPG
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tại Học viện Biên phòng năm 2014.  Ảnh: Phùng Thành.
 
Về môn thi: Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT phải dự thi các môn thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi (tổ hợp môn thi để xét ĐH, CĐ) do các trường ĐH, CĐ quy định. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ đăng ký môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.

Về xét duyệt hồ sơ: Các trường tổ chức xét duyệt hồ sơ đăng lý sơ tuyển nghiêm túc, đủ thành phần, đúng quy trình; kịp thời phát hiện những hồ sơ có nghi vấn gian lận để tổ chức kiểm tra, xác minh, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

Đối với những thí sinh không đủ tiêu chuẩn sơ tuyển, hoặc trúng tuyển nhưng không đủ tiêu chuẩn nhập học, đơn vị xét duyệt sơ tuyển hoặc các trường phải có văn bản thông báo rõ lý do tới thí sinh, gia đình thí sinh và cơ quan tuyển sinh nơi thí sinh đăng ký sơ tuyển theo đúng quy định.

Các trường quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của BQP. Cụ thể: Xét tuyển nguyện vọng 1: Chỉ xét tuyển những thí sinh đã nộp hồ sơ sơ tuyển, phiếu đăng ký xét tuyển, giấy chứng nhận điểm thi hợp lệ và các giấy tờ liên quan về trường đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 đúng thời gian quy định. Xét tuyển các nguyện vọng bổ sung: Thí sinh đã qua sơ tuyển đủ tiêu chuẩn, không trúng tuyển nguyện vọng 1, đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo quy chế của Bộ GD-ĐT và BQP.
Xuân Hương

Bình luận

ZALO