Biên phòng - Với chức năng là cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong BĐBP, qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Chính trị BĐBP đã không ngừng đổi mới, tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản, sâu sát cơ sở, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác Đảng, công tác chính trị trong mọi hoạt động của BĐBP. Nắm vững các chủ trương lãnh đạo của trên, đồng thời bám sát thực tiễn, Cục Chính trị BĐBP đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, đưa ra nhiều chủ trương đúng đắn, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác biên phòng và phát triển kinh tế - xã hội, mang lại diện mạo mới cho những dải đất biên cương Tổ quốc.
Những người lính quân hàm xanh chung tay xây dựng nông thôn mới đã trở thành hình ảnh quen thuộc không chỉ với bà con khu cực biên giới mà còn với toàn xã hội. Ảnh: Chiến Khu |
Từ công tác tham mưu, đề xuất cũng như hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Cục Chính trị, nhiều mô hình, cách làm hay của những người lính Biên phòng đã trở nên thân quen không chỉ với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, mà còn với cả xã hội. Những tên gọi gần gũi như: Thầy thuốc quân hàm xanh, thầy giáo quân hàm xanh, chiến sỹ văn hoá quân hàm xanh, cán bộ xã quân hàm xanh... đã thực sự để lại dấu ấn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa bàn biên giới, hải đảo.
Một trong những việc làm nổi bật của BĐBP được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương hoan nghênh và đánh giá cao là Cục Chính trị đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tăng cường 339 cán bộ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Các đồng chí này giữ các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch HĐND, UBND xã, tham mưu và tham gia giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Hiện nay, có 234 đồng chí giữ các chức danh trong cấp ủy, chính quyền địa phương với 9 đồng chí là Huyện ủy viên, 14 đồng chí là Bí thư Đảng ủy xã, 196 đồng chí là Phó Bí thư Đảng ủy xã, 6 đồng chí là Chủ tịch UBND xã... Đồng thời, các đơn vị đã giới thiệu 641 đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới. Qua đó có 4.869 cơ sở Đảng, 552 UBND và HĐND xã, phường biên giới được củng cố; tham mưu địa phương kết nạp 6.559 đảng viên, xóa được 97 thôn, bản trắng không có đảng viên...
Đặc biệt, nhân dịp hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng BĐBP và 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1959-3/3/2009), Cục Chính trị đã tham mưu và trực tiếp triển khai chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", qua đó góp phần huy động được sức mạnh của các ngành, các cấp, các địa phương cùng chung sức xây dựng biên cương Tổ quốc. Và cũng từ chương trình này, thông qua quá trình khảo sát xây dựng nhà, xóa nhà tạm ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, đồng bào La Hủ, một trong 10 dân tộc đặc biệt khó khăn, có dân số dưới 10.000 người với thói quen sống du canh, du cư đã được đưa về thành các điểm nhóm, hình thành bản người La Hủ đầu tiên là bản Hà Si, Hà Lê.
Sau khi triển khai có hiệu quả, UBND tỉnh Lai Châu đã tin tưởng giao cho Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu chủ trì dự án bảo tồn, phát triển đồng bào La Hủ, từ đó mở thêm được 2 bản ở xã Ka Lăng và Thu Lũm. Đến nay, dự án đã đầu tư triển khai 66 hạng mục công trình với tổng trị giá 238,219 tỷ đồng. Các bản hiện đã được quy hoạch hợp lý, từ chỗ trước đây để đi tới bản phải mất 7 - 8 giờ đi bộ thì nay, đường xe máy đã vào tới tận bản, đường ô tô sắp vào tới nơi. Sau 3 năm triển khai, một tổ công tác BP đã cắm tại bản hướng dẫn bà con trồng lúa nước, chăn nuôi, có trường lớp, giáo viên, có quân y BĐBP.
Tiếp sau sự thành công của mô hình này, một loạt mô hình khác đã được BĐBP các tỉnh triển khai. BĐBP Quảng Bình với mô hình giúp đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hoá, Quảng Bình trồng lúa nước. 5,259 tỷ đồng đã được đầu tư với hơn 2.000 ngày công của cán bộ, chiến sĩ. Đến nay, tại khu vực này đã hình thành cánh đồng lúa nước hai vụ, rộng 10ha với hệ thống thủy lợi rất cơ bản, năng suất lúa đạt gần 4 tấn/ha, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào. BĐBP Hà Tĩnh có mô hình giúp đồng bào Chứt ở Rào Tre, giúp bản Thoong Pẹ của Lào; BĐBP Nghệ An triển khai mô hình bảo tồn tộc người Đan Lai ở Con Cuông, đầu tư hơn 40 tỷ đồng sắp xếp ổn định dân cư tại 2 bản của người Đan Lai ở xã Môn Sơn, Con Cuông; quy hoạch bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, Tương Dương làm 47 nhà Đại đoàn kết, thành lập chi bộ 7 đảng viên, trong đó, 4 đảng viên người Mông. Theo Đại tá Vũ Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng Vận động quần chúng, đây là những mô hình được Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo thực hiện quyết liệt từ giai đoạn đầu. Sau một quá trình hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc", đến nay, người dân đã được chuyển giao kỹ thuật, cơ bản làm chủ cuộc sống của mình. Hiện, đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa đã thành lập Hợp tác xã nông sản do người dân tự quản lý, cân đối và điều hành hoạt động.
Có thể nói, từ những đóng góp rất thiết thực đó, những việc làm của những người lính quân hàm xanh trên khu vực biên giới đã thực sự mang lại hiệu ứng xã hội, từ đó thu hút sự quan tâm, chung tay giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như mọi tầng lớp nhân dân hướng về biên giới, hải đảo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, biển đảo.
Trong đó, một số chương trình phối hợp tiêu biểu như: Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và báo Quân đội nhân dân tổ chức vận động toàn xã hội xây dựng "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", thu hút được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng được 6.901 nhà Đại đoàn kết, 274 công trình dân sinh trị giá gần 300 tỷ đồng, góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách về nơi ăn ở, sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc. Ban biên tập báo Sài Gòn giải phóng cùng với Ban chấp hành Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" cho những gia đình chính sách, cựu quân nhân, cựu thanh niên xung phong, gia đình liệt sĩ, đã xây dựng 416 nhà Tình nghĩa trị giá 13,5 tỷ đồng, 21 công trình dân sinh trị giá 10, 6 tỷ đồng. Dự kiến, trong thời gian tới, tiếp tục xây dựng 67 nhà Tình nghĩa và 21 công trình dân sinh. Trong năm 2014, thực hiện chương trình "Tháng 3 biên giới", báo Tuổi trẻ đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức trao tặng sổ tiết kiệm, tặng quà; khám, chữa bệnh; trao 210 suất học bổng trị giá 420 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển thường xuyên quan tâm lãnh đạo tổ chức phong trào quần chúng thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" với nhiều hoạt động thiết thực với số tiền ủng hộ hàng chục tỷ đồng (năm 2012 có 3.937 đoàn đến thăm và tặng quà các đơn vị BP với trị giá 8,75 tỷ đồng).
Năm 2013, Cục Chính trị tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy BĐBP ban hành quyết định xây dựng "Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới" cho những quân nhân trong lực lượng BĐBP gặp khó khăn về nhà ở và xây dựng "Quỹ hiếm muộn" nhằm hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP vì nhiệm vụ công tác chưa thể sinh con khắc phục khó khăn, có thêm điều kiện chữa trị. Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của mọi tầng lớp xã hội...
- Cục Chính trị BĐBP được thành lập ngày 23-4-1959, theo Nghị định số 153/NĐ-CA của Bộ Công an. - 55 năm qua, Cục Chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành tặng thưởng: 1 Huân chương Quân công hạng Nhì; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 1 Huân chương chiến công hạng Ba; 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 10 Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư lệnh BĐBP cùng nhiều hình thức khen thưởng khác. 27 lượt phòng, ban, đơn vị trực thuộc Cục được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng, hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen. Đặc biệt, Đoàn Văn công BĐBP được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới. - Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống (23/4/1959 - 23/4/2014), Cục Chính trị BĐBP được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. |