Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:07 GMT+7

Những cựu chiến binh lập bảo tàng tri ân các anh hùng, liệt sĩ

Biên phòng - Trở về từ chiến tranh, ông Lâm Văn Bảng luôn đau đáu trong lòng về những mất mát hy sinh của những người đồng chí, đồng đội, nhất là những chiến sĩ bị địch bắt, giam cầm, đánh đập trong nhà tù đế quốc…

xp1b_23a
Ông Bảng (phải) và ông Dã (trái) bên tượng tù khổ sai được các ông phục chế trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: Thanh Thuận

Được sự động viên của đồng đội, ông Bảng đã đi khắp trong Nam, ngoài Bắc sưu tầm những kỷ vật thời chiến để lập nên Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Hơn 10 năm qua, ông Bảng và 15 cựu chiến binh luôn tự nguyện phân công nhau trông nom, thuyết minh cho khách tham quan bảo tàng mà không nhận một đồng lương nào. Cái tình của những cựu chiến binh với đồng chí, đồng đội đã khiến nhiều người xúc động.

Từ chứng tích của chiến tranh

Chúng tôi đến xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) để được tận mắt nhìn thấy Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Tiếp chúng tôi là hai cựu chiến binh: Ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc bảo tàng và ông Dã, người cao tuổi nhất trong số những cựu chiến binh của bảo tàng. Ngồi trong bảo tàng (cũng chính là ngôi nhà của ông Bảng), hai cựu binh đã xúc động chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về những tháng ngày bị giam cầm trong nhà tù Phú Quốc, chứng kiến những đồng đội của mình ngã xuống, những trận đòn tra tấn dã man của Mỹ - ngụy, cũng như quãng thời gian lặn lội khắp đất nước tìm kiếm kỷ vật chiến tranh để làm bảo tàng.

Theo ông Lâm Văn Bảng, ý tưởng về việc thành lập bảo tàng có từ năm 1985, khi ông cùng công nhân sửa chữa Cầu Giẽ (Hà Tây cũ) phát hiện một quả bom nặng hàng tấn nằm dưới chân cầu. Sau khi được trục vớt và rút thuốc ra, ông Bảng cho xây một cái bệ ngay trước chân cầu rồi đặt quả bom lên. Việc trưng bày quả bom đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của người dân. Từng là người lính trải qua những tháng ngày bị giam cầm trong nhà ngục Phú Quốc, chứng kiến nhiều đồng đội của mình ngã xuống dưới đòn roi tra tấn rùng rợn như thời trung cổ của kẻ thù; tất cả như đã ăn sâu vào tiềm thức và luôn ám ảnh, thôi thúc ông phải làm một điều gì đó để tri ân đồng đội. Một ý nghĩ nhen lên trong ông:

Những chiến sĩ, những người đồng đội của mình đã không tiếc tuổi xuân, nguyện hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của đất nước, cần phải đi tìm những kỷ vật của thời chiến để gìn giữ, đồng thời nhắc nhở các thế hệ mai sau hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình. Điều đó đã thôi thúc ông Lâm Văn Bảng quyết tâm thành lập một bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của thời chiến.

Để có những hiện vật trưng bày trong bảo tàng, ông Bảng đã đi khắp trong Nam, ngoài Bắc để sưu tầm, tìm kiếm các di vật, kỷ vật chiến tranh do các đồng đội hoặc người thân các liệt sĩ còn lưu giữ lại. Mỗi khi biết được thông tin ở đâu có kỷ vật là ông khoác ba lô lên đường, vận động nhân dân tặng lại. Bước chân của ông đã có mặt ở khắp các nhà tù của chế độ cũ trên cả nước. Đó là hành trình tiêu tốn không chỉ năng lượng, sức khỏe mà cả tiền bạc. Có những lúc ông Bảng tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì kinh tế, vì sức khỏe, nhưng với bản lĩnh kiên cường của người lính Cụ Hồ, ông Bảng lại vươn lên, quyết tâm thực hiện tâm nguyện cao cả dành cho đồng đội của mình. Đến ngày 11-10-2006, Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức được thành lập theo hệ ngoài công lập với hơn 2.000 hiện vật, do ông Lâm Văn Bảng làm Giám đốc.

Truyền “lửa” cho thế hệ sau

Bằng sự gom góp, chắt chiu, tấm lòng tri ân của ông Lâm Văn Bảng và những người cựu binh, các nguồn hiến tặng từ khắp nơi, đến nay, bảo tàng đã có hơn 4.000 hiện vật. Hướng dẫn viên của bảo tàng không ai khác chính là 16 cựu chiến binh, những nhân chứng sống của một thời bom đạn.

Theo chân ông Dã, gần 80 tuổi - hướng dẫn viên cao tuổi nhất tại đây, chúng tôi được biết tường tận về bảo tàng. Bảo tàng được bố trí khoa học, logic với 10 khu trưng bày theo chuỗi các chủ đề: Khu đền thờ Bác Hồ cùng các liệt sĩ đã hy sinh ở nhà tù Phú Quốc; Khu lưu giữ vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ; Khu trưng bày hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy; Khu giới thiệu tấm gương kiên trung của chiến sĩ cách mạng và hoạt động của những đảng viên trong nhà tù Phú Quốc...

Ông Dã cho biết: “Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những kí ức, câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng”. Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Dã dừng lại lâu hơn ở hiện vật là một lá cờ Tổ quốc, có kích thước bằng bao thuốc lá. Theo lời ông, đó chính là lá cờ được dùng để kết nạp đảng viên tại nhà tù Phú Quốc. Người cuối cùng được giao trách nhiệm giữ lá cờ là một đồng đội của ông – ông Nguyễn Văn Dư. Mỗi lần địch lục soát, lá cờ này lại được ông Dư cuốn nhỏ và cho vào túi ni-lông, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng cho trôi xuống dạ dày. Lúc an toàn, lá cờ lại được kéo ra, treo trên tường để động viên, nhắc nhở và củng cố ý chí quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong ngục.

Nhiều hiện vật ẩn hiện đâu đó linh hồn của các anh hùng liệt sĩ như: Khẩu súng bị gẫy báng đào được dưới lòng đất của Thành cổ Quảng Trị cùng với hài cốt liệt sĩ; những chiếc đinh mà kẻ thù đóng vào hộp sọ, vào thân thể của liệt sĩ Đặng Hồng Sơn (Đội Cấn, Hà Nội) và liệt sĩ Lương Bình Kỳ (Phủ Lý, Hà Nam), những chiếc răng bị đục; hòn đá đè lên bụng liệt sĩ được tìm thấy dưới 5m đất bị trộn chất độc hóa học từ hố chôn tập thể 1.033 liệt sĩ tại đồi 121 Phú Quốc, sau khi bốc mộ xong, hòn đá được các cựu chiến binh mang về trưng bày tại bảo tàng...

Bảo tàng cũng là nơi tái hiện cuộc sống như “địa ngục trần gian” mà các chiến sĩ cách mạng từng phải chịu đựng. Sự độc ác, tàn bạo của quân thù và sự bất khuất của chiến sĩ ta được tái hiện rõ trong từng hiện vật tại bảo tàng. Đó là những chiếc thùng phuy chỉ vừa một chiến sĩ ngồi, rồi địch dùng búa gõ trên nóc cho đến khi người tù đinh tai nhức óc, trào máu mắt, máu miệng; những nhục hình như treo ngược người để tra tấn, đóng đinh vào cơ thể, bẻ răng, móc mắt, những “chuồng cọp”, “chảo luộc người”... đều được các cựu binh tái hiện một cách chân thực và sống động tại bảo tàng nhằm tái hiện và tố cáo tội ác dã man của kẻ địch. Sống trong ngục tù, sự đày đọa tra tấn của kẻ thù, những người chiến sĩ cách mạng vẫn kiên trung, bất khuất, giữ trọn khí tiết, trung thành với Tổ quốc, thà hy sinh chứ không chịu khuất phục.

18 năm trôi qua, bảo tàng đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các cán bộ lão thành cách mạng và thân nhân các liệt sĩ...

Giờ đây, tâm nguyện lớn nhất của ông Bảng và các cựu chiến binh là có một khu trưng bày khang trang, tập trung các hiện vật để phục vụ du khách. Để làm được điều đó đòi hỏi cần có sự quan tâm, chung tay của xã hội, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo với bảo tàng. Bởi đó là nơi lưu giữ các hiện vật, là máu xương của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay, đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO