Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Những cuộc hội ngộ đặc biệt trên biên giới

Biên phòng - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, những người lính Biên phòng thành phố biển Đà Nẵng đã tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. Và, trên mặt trận nóng bỏng ấy không chỉ có hiểm nguy, vất vả, mà còn có cả những cuộc hội ngộ thật đặc biệt. Đó là cảnh mẹ con gặp nhau trên chốt chống dịch, hay đôi vợ chồng trẻ cùng sát cánh trên một trận tuyến, cũng có đôi bạn trẻ cùng “hẹn ngày chiến thắng” để về chung một nhà…

Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh làm nhiệm vụ tại chốt trên đường Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Trúc Hà

Hai mẹ con trên chốt chống dịch

Dưới tiết trời 40 độ C, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị BĐBP thành phố Đà Nẵng vẫn kiên trì đứng kiểm tra giấy đi đường của người qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng).

Đã hơn 10 ngày nay, thực hiện Nghị quyết số 08 của Thành uỷ, Chỉ thị 05 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống đại dịch Covid-19, nhiều chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được thiết lập nhằm hạn chế mức thấp nhất người ra đường.

Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh được các đồng đội nam ưu tiên trực ca ngày hoặc ca tối kết thúc trước 22 giờ để về nhà, nhưng sáng nào cũng thế, chị đều đến sớm trước ca trực 15 phút để “đồng đội trực đêm có thể về sớm hơn nghỉ ngơi”. Nếu thông thường, chị Hạnh sẽ lựa chọn cung đường từ chốt sang đường Lê Độ rồi ra đường Nguyễn Tất Thành, từ đó rẽ về nhà.

Tuy nhiên, những ngày này, chị lại chọn đi đường vòng, từ chốt lên đường Điện Biên Phủ, qua đường Dũng Sĩ Thanh Khê, rẽ sang đường Lý Thái Tông rồi mới ra đường Nguyễn Tất Thành để về nhà. Bởi trên cung đường này chị có thể gặp được con trai của mình là Binh nhì Phan Văn Gia Huy, làm nhiệm vụ tại chốt, trước Khu cách ly tại trường Tiểu học Lê Văn Tám hoặc Tiểu đoàn 29, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không - Khôngquân.

Binh nhì Phạm Văn Gia Huy vừa hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP Quảng Bình. Vốn hát hay, đàn giỏi và là một “dancer”nhảy hiện đại, vì mong muốn một ngày nào đó sẽ được cùng mẹ đi biểu diễn phục vụ bà con nên tốt nghiệp lớp 12, Huy đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào BĐBP thành phố Đà Nẵng.

Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát, Huy cùng đồng đội được biên chế về Đồn Biên phòng Phú Lộc thì ngay ngày hôm sau tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Thường thì đơn vị bố trí cho các chiến sĩ mới một ca trực, nhưng Phạn Văn Gia Huy vẫn “xin” trực thêm một ca nữa vì “mọi người mấy tháng nay đã mệt vì trực rồi”.

Nhìn con trai qua 5 tháng huấn luyện, lớn phổng phao và nước da màu nắng trông thật khỏe mạnh, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh mừng lắm. Mấy lần chị “đi đường vòng” để được nhìn thấy con nhưng lần nào cũng thế, con trai chỉ nói: “Mẹ cứ yên tâm. Con ở đây ổn lắm, mọi người cũng rất thương và quý mến con”. Có hôm, chị nấu món con trai thích, dự định trên đường đi trực chốt sẽ ghé đưa, nhưng con trai nhất quyết không nhận, nói: “Ở đây, chế độ ăn uống rất đầy đủ và đảm bảo, mẹ không cần làm thế đâu”. Nghe con trai nói, chị mừng vì con đã trưởng thành, đã quen với môi trường quân ngũ và biết sống, biết nghĩ cho người khác.

Hai vợ chồng cùng một trận tuyến

Trung úy Phạm Trọng Kiên sinh ra trong một gia đình có bố là cán bộ công tác tại BĐBP Quảng Nam, mẹ là nhân viên thuộc Văn phòng Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng. Với Trung úy Phạm Trọng Kiên, được trở thành BĐBP là thực hiện ước mơ từ nhỏ nên anh luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 2020, Trung úy Phạm Trọng Kiên xây dựng gia đình cùng Trung úy Hồ Thị Nguyên Hằng, là nhân viên Điều dưỡng tại Bệnh viện Quân y 17, Quân khu V. Tuy nhiên, hạnh phúc của người lính thời bình chẳng hề giản đơn. Đám cưới xong, Trung úy Phạm Trọng Kiên lên đường làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Quảng Nam.

Kết thúc khóa huấn luyện, ngỡ được bắt đầu những ngày hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, thế nhưng, thời điểm đó cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Đà Nẵng. Ngày đoàn viên cứ lần lữa bị hoãn lại vì dịch Covid-19. Tuổi trẻ nhiệt huyết, lần nào dịch bùng phát, Trung úy Phạm Trọng Kiêm cũng xung phong làm nhiệm vụ tại khu cách ly phòng, chống dịch của thành phố. Trung úy Hồ Thị Nguyên Hằng cũng không hề “kém cạnh”, thường xuyên bám trụ tại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Từ tình hình thực tế, lại thấy mình vẫn còn trẻ nên hai vợ chồng Trung úy Phạm Trọng Kiên và Hồ Thị Nguyên Hằng thống nhất việc quan trọng lúc này cần dành thời gian cho nhiệm vụ chống dịch. “Ngoài là vợ chồng, chúng tôi còn là đồng đội, không chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn cùng chung lý tưởng. Khó khăn, khoảng cách chỉ càng làm chúng tôi gắn bó, trân trọng nhau hơn” - Trung úy Phạm Trọng Kiên chia sẻ.

Hẹn ngày hết dịch về chung một nhà

Đối với bạn bè và người thân, Trung úy Nguyễn Quang Chánh, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Phú Lộc và cô gái Trần Thị Phương Thảo, nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu xứng đáng là cặp trai tài gái sắc. Quen nhau khi cùng tham gia làm nhiệm vụ chống dịch, bởi vậy, cả hai luôn động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, thách thức. Trung úy Phạm Quang Chánh đã 2 lần xung phong vào làm nhiệm tại các khu cách ly tập trung.

Sau khi được “thay ca”, anh cùng các đồng đội khác tham gia trực tại các điểm chốt, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Còn Trần Thị Phương Thảo tuy vóc dáng nhỏ bé, nhưng không hổ danh là “chiến sĩ áo trắng”. Nữ điều dưỡng nhiều đêm thức trắng cùng đồng nghiệp truy vết hoặc lấy mẫu xét nghiệm ở “vùng đỏ”. Đợt vừa rồi, Trần Thị Phương Thảo cũng xung phong tình nguyện làm nhiệm vụ tại Bệnh viện phổi Đà Nẵng - một trong các cơ sở y tế quan trọng của thành phố trong điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Để động viên các con yên tâm chống dịch, hai bên gia đình của Trung úy Phạm Quang Chánh và Trần Thị Phương Thảo đã gặp gỡ, thống nhất dù chưa tổ chức đám cưới nhưng đã coi là con, cháu trong nhà.

Cùng ở trong thành phố, thậm chí, khoảng cách chỗ làm việc chỉ vài cây số, nhưng vì luân phiên làm nhiệm vụ ở khu cách ly, nên suốt 4 tháng nay, Trung úy Phạm Quang Chánh và nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Thảo chỉ gặp nhau qua... điện thoại. Trong mỗi câu chuyện, đôi bạn trẻ thường động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chàng lính trẻ hẹn bạn gái, ngày thành phố bình an sẽ là ngày cả hai về chung một mái nhà.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO