Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Những cụm loa “cây đồn - lá bản”

Biên phòng - Giữa mênh mông núi rừng biên ải, chúng tôi bất chợt vẳng nghe giọng đọc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng tiếng Việt còn chưa sõi vang vang trên những đảo mây của đỉnh Dào San. Thượng úy Phạm Tuân, cán bộ Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu nói với chúng tôi: “Tiếng từ đài truyền thanh “cây đồn, lá bản” của đồn em đấy”.

Những “nhà báo” vùng biên ở Đài truyền thanh xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Phạm Vân Anh

Từ nhiều năm nay, các chương trình truyền thanh bằng tiếng Việt và tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Hà Nhì... tại các cụm loa truyền thanh Biên phòng như ở Dào San đã luôn vang lên từ các cụm loa truyền thanh Biên phòng tại 44 tỉnh, thành biên giới. Và các chiến sĩ Biên phòng cùng cán bộ văn hóa xã chính là những “nhà báo” vùng biên, kiêm nhiệm công việc biên tập, biên dịch và cả phát thanh viên.

Từ gợi ý của Thượng úy Tuân, chúng tôi vội vàng hạ sơn, nương theo tiếng loa truyền thanh có giọng đọc mộc mạc để trôi theo dòng sắc màu tươi tắn của phiên chợ treo lơ lửng giữa mây xanh biên ải. Theo thông lệ trước đây, chợ Dào San chỉ mở vào ngày “những con có sừng” trong 12 con giáp là ngày sửu và ngày mùi nên còn được gọi là “chợ sừng”.

Với cách tính này, thì cứ 6 ngày chợ sẽ họp một lần. Về sau, để tiện cho việc quản lý cũng như thông thương hàng hóa, chợ được quy hoạch lại và định ngày họp chợ vào Chủ nhật hằng tuần. Chính vì thế, cứ sáng sớm Chủ nhật, các “nhà báo” của đồn, của xã lại công kênh thiết bị nghiệp vụ cùng xuống chợ để “làm báo” trong 60 phút. Và cũng vào giờ này, ngày này, các “nhà báo” Biên phòng ở 10 cụm loa truyền thanh các xã biên giới khác của Lai Châu cũng sẵn sàng lên sóng với các thứ tiếng: Việt, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Mảng...

Trong một căn nhà nhỏ giữa chợ, là “đại bản doanh” của Đài truyền thanh Dào San với trang thiết bị “làm báo” nhỏ gọn gồm một cặp tăng âm, đầu đĩa và 4 chiếc mic. Đây có thể coi là cụm loa truyền thanh Biên phòng có tuổi đời lâu nhất trên toàn tuyến biên giới vì đã miệt mài hoạt động hơn 10 năm có lẻ.

Giờ ai ai cũng có điện thoại để vào mạng thì chả nói làm gì, chứ 10 năm trước, bà con quấn vén công việc để đến chợ cũng một phần để nghe ca nhạc, nghe thông tin từ đài truyền thanh này. Những tin tức cập nhật về chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, những phương pháp chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... qua giọng đọc của những người lính Biên phòng và cán bộ văn hóa xã Dào San đã được tuyên tuyền tới những người dân nơi đây một cách hết sức hiệu quả.

Những người lính đến rồi đi theo quy định luân chuyển cán bộ của lực lượng, những phát thanh viên tiếng Mông, tiếng Hà Nhì trẻ trung, xinh đẹp như Giàng Hoa, A Mỷ giờ đã thành thiếu phụ, sắp lên bà..., nhưng cụm loa truyền thanh thì vẫn mãi vang lên đều đặn vào 6 giờ sáng Chủ nhật hằng tuần.

Anh Mà A Lủ, phát thanh viên của Đài truyền thanh xã Dào San cho biết: “Chúng tôi bố trí 15 phút là bài hát ca ngợi quê hương, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sau đó tuyên truyền về tác hại của di cư, giới thiệu mô hình làm ăn mới, trồng lúa năng suất, ngoài ra còn triển lãm ảnh cho bà con xem”.

Hoạt động bền bỉ và hết sức hiệu quả trong nhiều năm phải kể đến những cặp loa phát thanh xuyên biên giới của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trong số đó, cặp loa chung ở thôn Cốc Phương là nổi tiếng nhất, bởi từng được khen ngợi trên Đài Truyền hình Trung ương của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Chủ nhân của cặp loa này là nhân dân thôn Cốc Phương (Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Anh Giàng Chúng, Trưởng thôn Cốc Phương là người biết đọc thành thạo cả ba thứ tiếng Việt – Trung – Mông được tín nhiệm giao nhiệm vụ “phát thanh viên” của những bản tin vừa là nội bộ, vừa là “quốc tế” ở đây. Nội dung truyền thanh ngoài việc tiếp sóng các chương trình của đài tỉnh, đài huyện thì còn có những bản tin, bài viết do cán bộ Đồn Biên phòng Bản Lầu và cán bộ xã Bản Lầu viết. “Đài” là một căn phòng nhỏ đặt trong Nhà Văn hóa của thôn, nơi mỗi khi lễ tết, hội họp, nhân dân hai bên biên giới lại cùng tụ hội để hát múa, giao lưu.

Ông Vương Chính Phúc, Tổ trưởng tổ Tam Bình Bá bảo, đã 5 năm nay, kể từ khi hai thôn bản kết nghĩa thì đã thống nhất có chung một cặp loa treo trên cây, mỗi loa hướng về một bên biên giới, để thông báo những công việc chung. Phát thanh viên nói bằng tiếng Mông, ngôn ngữ chung của người dân hai bên biên giới Việt – Trung ở khu vực này đều hiểu để thông báo tình hình thời tiết, kế hoạch sản xuất, hoặc nhà ai có việc tang ma, hiếu hỉ...

Còn Giàng Chúng thì tự hào: “Ngoài việc phát các bản tin theo quy định của Nhà nước thì đám cưới cũng có thể gọi, đi họp cũng có thể gọi. Chỉ cần điện cho tôi rồi tôi hô qua cái loa truyền thanh là bà con lại sang bên bạn hoặc về bên mình để tập trung, rất là có lợi cho bà con tổ Tam Bình Bá cũng như thôn Cốc Phương ta”.

Đồng chí Vương Thị Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai khẳng định, hiệu quả của cụm loa phát thanh vùng biên của xã không những đáp ứng tốt nhu cầu tuyên truyền, vận động của địa phương, mà còn góp phần tuyên truyền đối ngoại cho cư dân nước bạn. Nhân dân hai bên hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội. Xã Bản Lầu trở thành địa phương đi đầu trong việc đưa cây ăn quả chủ lực như chuối, dứa về với các thôn bản của huyện Mường Khương. Tình trạng tranh chấp, cự cãi giữa người dân hai bên biên giới giảm hẳn.

Còn tại xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, cụm loa phát thanh của Đồn Biên phòng Đắk Tiên đặt tại các thôn giáp biên 3, 4, 6 cũng đã trở nên quen thuộc với đồng bào. Thông tin đơn giản nhưng lại gần sát với nhu cầu của bà con như những chủ trương, điều luật mới, kiến thức về sản xuất nông nghiệp, thời tiết, lịch gieo trồng hay gương điển hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn.

Những năm trước, cụm loa Biên phòng ở đây có lịch phát thanh ngày 2 buổi, từ 5 giờ – 6 giờ 30 phút sáng và từ 17-18 giờ, vừa tiếp phát chương trình của đài tỉnh, đài huyện, vừa thông tin chung về các vấn đề của xã, trong đó, đặc biệt là Luật Biên giới quốc gia và các quy định bảo vệ đường biên, cột mốc để bà con nắm và thực hiện. Và cũng như các cụm loa truyền thanh Biên phòng khác, biên tập kiêm phát thanh viên cũng chính là những “nhà báo không chuyên” áo lính.

Thực hiện chương trình phối hợp đến năm 2020 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tư lệnh BĐBP, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, truyền thông và tuyên truyền đối ngoại ở khu vực biên giới, biển, đảo giai đoạn 2011-2020, hiện nay, trung bình mỗi tỉnh, thành biên giới, biển đảo có từ 3 đến 5 cụm loa truyền thanh hoạt động hiệu quả tại các xã biên giới với nội dung tuyên truyền đa dạng bằng hơn 20 ngôn ngữ bản địa.

Bà con ở Thuận An bảo, các chú Biên phòng nhanh thật, vừa thấy chú đi tuần tra ngang qua ruộng nhà mình, nhoáng cái đã nghe tiếng chú trên loa truyền thanh. Cánh lính nhà ta thì cười vụng, bởi đôi khi có những nội dung cần tuyên truyền liên tục, họ phải thu âm các nội dung ấy để phát đi phát lại, cho nên, dù “phát thanh viên” bận tuần tra thì “kỹ thuật viên” vẫn ung dung ngồi nhà điều hành đài phát thanh đúng giờ.

Từ hiệu quả của cụm loa Biên phòng nơi đây, xã Thuận An đã được huyện Đắk Song đầu tư hệ thống loa phát thanh hiện đại và chuyên nghiệp hơn, có cán bộ chuyên trách của xã điều hành. Mặc dù thế, các chương trình hàng ngày vẫn vang lên giọng đọc Biên phòng tuyên truyền về những nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.

Cứ lặng lẽ với những phòng làm việc đơn sơ, với trang bị giản tiện, giá thành hợp lý, những cụm loa Biên phòng và những “nhà báo” vùng biên chưa từng được hưởng nhuận bút hay phụ cấp thường xuyên từ công việc của mình đã góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới quốc gia, cải thiện mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đoàn kết các dân tộc và tạo nội lực cho các bản làng cùng vươn lên, đoàn kết xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO