Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2018):

Những công trình biểu tượng trên vùng đất anh hùng

Biên phòng - Ngã ba Đồng Lộc – vùng đất linh thiêng đã đi vào sử sách với những chiến công vang dội của quân và dân ta để giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, du khách không chỉ tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn có dịp tham quan quần thể di tích với những công trình đầy ý nghĩa.

ltan_8a
Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc và tháp chuông trong quần thể di tích Ngã ba Đồng Lộc.  Ảnh: CTV

Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - nơi có vị trí đặc biệt quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây, có thể mở rộng các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng bị cắt đứt. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biết được vị trí chiến lược này, giặc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn điên cuồng đánh phá Ngã ba Đồng Lộc hòng cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến.

Khu vực thung lũng Ngã ba Đồng Lộc rộng chưa đầy 50ha đã bị bom đạn của kẻ thù quần nát, xới tung. Nơi đây, hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe, chiến sĩ công an, dân công, dân quân du kích... đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và làm nên huyền thoại trên “vùng đất chết”.

Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là “Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt”; trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng quật cường của dân tộc Việt Nam cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Điểm nhấn trong quần thể di tích Ngã ba Đồng Lộc là Tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc. Phía trước tượng đài là nơi giao nhau của 3 tuyến giao thông huyết mạch và dãy núi Mũi Mác. Tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích... Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng cho hòa bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Đồng Lộc.

Nằm ở lưng chừng đồi là Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong (TNXP) toàn quốc. Công trình ghi danh gần 4.000 liệt sĩ TNXP hy sinh trên toàn quốc và các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc. Nơi đây còn xây dựng Cột biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông Vận tải và Đài tưởng niệm các liệt sĩ của ngành Giao thông Vận tải để tri ân các thế hệ cha anh đi trước đã đổ biết bao xương máu giữ cho “mạch máu giao thông” không ngừng chảy trên tuyến đường huyết mạch ra tiền tuyến.

Mãi khắc ghi những “đóa hoa bất tử”

Hiện nay, nhiều du khách đến tham quan Ngã ba Đồng Lộc thường nán lại rất lâu ở khu mộ 10 nữ Anh hùng - Liệt sĩ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, nằm trên dãy đồi Trọ Voi. Ai cũng xúc động và không cầm được nước mắt trước sự hy sinh anh dũng của các chị ở tuổi đôi mươi. Hôm đó, vào lúc 16 giờ, ngày 24-7-1968, Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường, củng cố hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo cách Ngã ba Đồng Lộc về phía Nam khoảng hơn 300m.

10 cô gái TNXP hăng hái ra hiện trường, làm việc không ngơi tay. Bỗng dưng, một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm, bất ngờ quay lại thả một loạt bom trúng vào đội hình và các chị đã mãi mãi ra đi. Hố bom nơi 10 nữ TNXP hy sinh nay vẫn còn nằm nguyên vị trí cũ như một chứng tích về tội ác dã man của kẻ thù.

Tại chiến trường Đồng Lộc, từ tháng 4 đến tháng 10-1968, không quân Mỹ đã đánh phá 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, ước tính mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Không chịu khuất phục trước bom đạn của kẻ thù, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng tại đây đã bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến.

Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, người dân và du khách có dịp thăm quan Nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc - nơi lưu giữ gần 1.000 hiện vật, tái hiện lịch sử TNXP tráng liệt, rõ nét. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày 345 ảnh tư liệu thể hiện tinh thần sẵng sàng chiến đấu cũng như sinh hoạt đời thường của TNXP.

Đặc biệt, phòng trưng bày còn có những hiện vật quý như: Bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ; lọn tóc thề của chị Võ Thị Tần gửi tặng người yêu Nguyễn Đức Hồng; áo của chị Võ Thị Hợi và chị Nguyễn Thị Xuân; dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh hùng Vương Đình Nhỏ; bát ăn của các cô gái TNXP; sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Trần Thị Hường; chiếc mũ cối của chiến sĩ Trần Văn Ca bị thương nặng vẫn ngồi trên mâm pháo chiến đấu... Ở đây còn có sa bàn điện tử tái hiện lại chiến trường Đồng Lộc đầy khốc liệt cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta tại “toạ độ chết” Ngã ba Đồng Lộc.

Trong hành trình về nguồn, du khách còn có dịp ghé thăm đồi La Thị Tám, nằm ở phía trái của Ngã ba Đồng Lộc, giữa trọng điểm đánh phá khốc liệt của địch. Năm xưa, với chiếc ống nhòm nhỏ, sau mỗi lần máy bay Mỹ ném bom, La Thị Tám lại chạy như con thoi lên đồi căng mắt theo dõi bom nổ chậm để cắm cờ tiêu báo cho công binh đến xử lý. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, bàn chân bỏng rát và in thành vệt mòn qua những bãi bom nổ chậm, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả bom.

Giờ đây, quả đồi đó được mang tên người Anh hùng lực vũ trang nhân dân La Thị Tám – “người con gái Sông La” được phong tặng danh hiệu cao quý này khi mới 20 tuổi.

Ở quần thể di tích Ngã ba Đồng Lộc hiện còn nhiều công trình đầy ý nghĩa được chung tay xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, như: Tháp chuông; Cụm tượng 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc; đền thờ Ngã ba Đồng Lộc; vườn hoa và Đài tưởng niệm nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc... Tất cả đều thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay, đồng thời thể hiện khát vọng hồi sinh trên mảnh đất huyền thoại của một thời hoa lửa.

Thùy Chi

Bình luận

ZALO