Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

Những công bộc tận tụy nơi vùng cao biên giới

Biên phòng - Bằng kinh nghiệm, uy tín và sự đức độ, đảng viên cao tuổi người dân tộc thiểu số ở biên giới phía Tây Nghệ An luôn âm thầm, tận tụy góp sức cùng chính quyền địa phương đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Họ cũng là người “truyền lửa” để bồi dưỡng, phát triển đội ngũ đảng viên trẻ tại địa phương.

Bài 1: Điểm tựa của bản làng

Có những đảng viên cao tuổi được đào tạo bài bản, trải qua nhiều môi trường công tác khác nhau, có người trưởng thành từ việc làng, việc bản. Dù tuổi đã cao nhưng được sự tín nhiệm của người dân họ vẫn “vác tù và hàng tổng” đưa ra giải pháp giúp dân phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Đảng viên cao tuổi trở thành điểm tựa vững vàng của nhân dân ở các bản làng vùng cao, biên giới khó khăn của Tây Nghệ An.

Đảng viên Lô Xuân Tiến (thứ 2 từ phải sang) luôn sát cánh cùng BĐBP chăm lo sự phát triển của bản làng vùng cao biên giới (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Viết Lam

“Ngọc quý” của nhân dân biên giới

Từ một xã biên giới khó khăn, năm 2018, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã về “đích” nông thôn mới, cuộc sống của người dân không ngừng khởi sắc. Hiện nay, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc ở xã Tam Quang đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trong câu chuyện về sự đổi thay ở xã biên giới, Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang, BĐBP Nghệ An tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: “Những kết quả mà Tam Quang đạt được là nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của nhân dân địa phương. Trong đó, phải kể đến những đóng góp của đảng viên cao tuổi Lô Xuân Tiến, 75 tuổi đời, 38 năm tuổi Đảng, người dân tộc Thái, Bí thư Chi bộ bản Tùng Hương, người gần như dành cả cuộc đời gánh vác việc chung của dân, của bản”.

Theo người dân trong xã, ở tuổi 75, ông Tiến vẫn khỏe mạnh, minh mẫn hiếm thấy, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc chung của bản làng. Khi cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang đến nhà Bí thư Chi bộ bản Tùng Hương, người thân trong gia đình cho biết, ông đi thăm đồng từ sáng sớm. Tìm xuống cánh đồng lúa nước đang vào kỳ đẻ nhánh xanh mơn mởn, một cụ già dáng người thấp đậm chắc nịch, làn da nâu, tóc bạc trắng, quần xắn ống cao, ống thấp đang lội ruộng. Nhận thấy sự xuất hiện của cán bộ Biên phòng, đảng viên lão thành Lô Xuân Tiến chủ động lên tiếng: “Các con đến thăm bố hay có việc gì? Bố tranh thủ kiểm tra xem ruộng lúa của bản có xuất hiện sâu bệnh gì hay không để còn thông báo cho bà con có phương án phòng, trừ sớm”.

“Tại địa phương chúng tôi, đội ngũ đảng viên người cao tuổi luôn có uy tín rất lớn, luôn được nhân dân tin yêu, kính trọng. Đảng viên người cao tuổi luôn là trung tâm đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, bản làng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền. Họ cũng là người truyền lửa cho đội ngũ đảng viên trẻ”- ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông, tỉnh Nghệ An khẳng định.

Cũng qua câu chuyện giữa đảng viên lão thành và cán bộ Biên phòng, được biết, ông Lô Xuân Tiến sinh năm 1947, ở chính vùng đất biên giới này. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông chỉ huy dân quân du kích địa phương đánh biệt kích xâm nhập biên giới, rồi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hòa bình lập lại, ông tham gia cùng BĐBP tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Sự tận tụy với việc chung của bản làng, ông Lô Xuân Tiến được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, rồi Bí thư Chi bộ bản Tùng Hương từ năm 1983 cho đến tận bây giờ.

Trên mọi cương vị của mình, ông và các đảng viên ở Tùng Hương đã tập trung xây dựng kế hoạch phát triển riêng cho bản làng, trong đó luôn đề cao xây dựng khối đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao giữa các dân tộc Thái, Khơ Mú, Tày Pọng... định cư trong bản. Ông và gia đình luôn đi đầu trong phong trào trồng và bảo vệ rừng, tập trung vào chăn nuôi các loại giống con bản địa như lợn đen, gà đen... nâng cao đời sống. Khi thành công, ông vận động dân bản làm theo, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Quá trình xã Tam Quang xây dựng nông thôn mới, ông Lô Xuân Tiến đến từng gia đình vận động nhân dân tích cực góp cát sỏi, hiến đất, cây cối để làm đường giao thông nông thôn.

Anh Lô Văn Huy, người dân bản Tùng Hương chia sẻ: “Làm việc gì, ông Tiến cũng nghĩ đến cái chung, cái lợi cho bà con. Dân bản chúng tôi luôn lấy ông làm điểm tựa tinh thần, ông còn khỏe sẽ chưa cho nghỉ việc của bản làng”.

“Bà giáo” về hưu không nghỉ việc

Về xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An hỏi “bà giáo” Lô Thị Mười, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi bản Thái Hòa ai cũng biết. Bà Mười, 63 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, một giáo viên đã nghỉ hưu luôn nhiệt tình với công việc của dân bản. Người dân ở đây thường nói vui rằng, Nhà nước cho bà Mười nghỉ hưu nhưng dân bản “chưa cho” nghỉ việc. Năm 2010, sau 35 gắn bó với bục giảng khi vừa nghỉ hưu trở về địa phương, dân bản đã “bắt” bà Mười làm Trưởng bản, rồi Bí thư Chi bộ bản Thái Hòa. Quá trình này, bà còn mở lớp dạy xóa mù chữ cho phụ nữ trong bản, trong xã.

Những ngày đầu tháng 10-2021, bà đang cùng Ban quản lý bản Thái Hòa, cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An xuống từng hộ dân vận động bà con dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới kết hợp phòng, chống dịch Covid-19. “Ở đây, do địa hình phức tạp nên ruộng đất của các hộ dân còn phân chia manh mún, sản xuất chưa đạt hiệu quả cao. Dồn điền đổi thửa là chủ trương rất phù hợp để nâng cao khả năng cơ giới hóa trong nông nghiệp, quá trình vận động nhân dân trong bản, trong xã đều đồng thuận cao, sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo UBND xã triển khai trên thực địa” - bà Mười chia sẻ.

Đảng viên Lô Thị Mười (ngoài cùng bên phải) vận động các gia đình trong bản dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Viết Lam

Theo người dân ở Môn Sơn, họ tin yêu bà Mười bởi bà là cán bộ, đảng viên được đào tạo rất cơ bản, có kinh nghiệm thực tế, bà làm mọi việc vì niềm vui cho nhân dân không màng gì đến lợi ích cá nhân. Theo tìm hiểu được biết, bà Mười sinh năm 1959, đến năm 1976 là một trong số ít người trẻ ở huyện Con Cuông được lựa chọn đi học tại Trường Trung học sư phạm Nghệ An (đóng ở huyện Tân Kỳ). Sau khi tốt nghiệp, bà Mười tình nguyện lên các xã biên giới Tà Cạ, Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) để dạy học.

Thời điểm đó, những địa phương bà Mười nhận công tác có điều kiện vô cùng khó khăn, nhiều điểm trường ở các bản làng phải đi bộ cả ngày trời mới đến nơi. Nhưng với trách nhiệm của đảng viên trẻ, tình yêu người, yêu nghề bà và đồng nghiệp vẫn kiên định bám dân bản dạy học.

Những năm tháng công tác ở địa bàn huyện Kỳ Sơn, cùng với dạy học, bà Mười cùng đảng viên ở địa phương vận động đồng bào các dân tộc thiểu số từ bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới. Đến bây giờ, khi được nghỉ hưu đoàn tụ với gia đình, bà vẫn hằng ngày đóng góp sức mình vì việc chung của cộng đồng. Khi được hỏi, bà mười chia sẻ rằng: “Mình còn sức khỏe, được nhân dân tin tưởng thì sẽ còn cống hiến cho mục tiêu chung của xã hội, đó là điều mà mỗi đảng viên nên làm”.

Bài 2: Tiên phong thực hiện việc khó

Viết Lam

Bình luận

ZALO