Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Những công bộc tận tụy nơi vùng cao biên giới (bài 2)

Biên phòng - Do phong tục tập quán, trình độ nhận thức chưa đồng đều, quá trình triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc thiểu số ở phía Tây Nghệ An gặp phải không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, đảng viên người cao tuổi bằng kinh nghiệm, uy tín của mình phân tích để nhân dân thấu hiểu và gương mẫu cùng gia đình, dòng họ thực hiện trước để bà con làm theo, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, hỗ trợ chính quyền thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Bài 2: Tiên phong thực hiện việc khó

"Đầu tàu" của cuộc di dân lịch sử

Hơn 10 năm về trước, để xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, chính quyền tỉnh Nghệ An phải tổ chức di dời 3.020 hộ dân, thuộc 5 xã của huyện Tương Dương đang sinh sống trong khu vực lòng hồ chuyển về địa bàn biên giới huyện Thanh Chương tái định cư. Đây được xác định là nhiệm vụ nặng nề, gặp nhiều khó khăn và quyết định đến tiến độ xây dựng, khai thác công trình. Trong thách thức, chính quyền địa phương, nhân dân xã Kim Đa, huyện Tương Dương - nơi có 1.300 hộ dân với 5.000 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu... đã xung phong thực hiện việc di dân trước. Nhờ sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận cao trong nhân dân mà xã Kim Đa đã hoàn thành việc di chuyển về khu tái định cư sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Từ đó, đặt nền móng vững chắc, khích lệ nhân dân các xã còn lại chấp hành chủ trương tái định cư để xây dựng Thủy điện Bản Vẽ đúng tiến độ.

Đảng viên Vừ Chả Chống (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn thanh niên trong bản kỹ thuật ươm cây giống trồng rừng (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Viết Lam

Sau hơn 10 năm về tái định cư thành lập xã mới Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, BĐBP Nghệ An, đời sống của đồng bào các dân tộc (xã Kim Đa cũ) được nâng lên về mọi mặt. Khi được hỏi về quyết định nhường đất cho việc xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, người dân trong xã đều nhắc đến vai trò tiên phong của đội ngũ đảng viên.

Tiêu biểu nhất phải kể đến đảng viên Lương Thái Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn, người được ví như "đầu tàu" của cuộc di dời dân lịch sử. Theo người dân trong xã, thời điểm đó, bằng uy tín, trách nhiệm, ông Tâm đến tận từng bản nói để người dân hiểu ý nghĩa của việc chuyển chỗ định cư. Ông cũng lắng nghe ý kiến, giải đáp những lo lắng của đồng bào khi chuyển về nơi ở mới.

Ông Tâm chia sẻ rằng: "Tôi luôn quan niệm, mọi việc muốn thành công cần phải nói cho dân hiểu, đảm bảo quyền lợi chính đáng thì nhân dân mới tin, chấp hành chủ trương của chính quyền. Bao thế hệ đồng bào chúng tôi đã định cư ở khu vực lòng hồ, ban đầu khi có chủ trương chuyển đến nơi ở mới không ít người phản đối. Nhưng vì lợi ích chung của địa phương, với tư cách là đảng viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã - Trưởng ban vận động công tác di dân xã Kim Đa thời điểm đó, tôi nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ".

Sau khi có chủ trương di dời dân của chính quyền địa phương, ông đã tìm gặp tất cả già làng, người có uy tín của các dòng họ, bản làng trong toàn xã để nói rõ mục đích, quyền lợi khi di dân. Ông tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức đưa các già làng, người có uy tín về vùng tái định cư ở Thanh Chương kiểm tra thực tế nơi ở mới của bà con. Sau khi nhân dân đồng thuận chủ trương, ông Tâm tiếp tục đề xuất thành lập tổ "công tác" do nhân dân bầu lên để giám sát việc xây dựng nhà cửa, công trình dân sinh cho phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Rồi ông Tâm vận động các gia đình trong dòng họ của mình thực hiện việc di chuyển nhà cửa, tài sản về khu tái định cư trước để nhân dân làm theo. Tại vùng đất mới, ông cũng kiên trì thuyết phục nhân dân chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no.

Bí thư chi bộ đẩy lùi nạn tảo hôn

Hiện nay, trên địa bàn biên giới huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vấn nạn tảo hôn đang diễn biến phức tạp, gây ra hệ lụy nặng nề cho chính nạn nhân, gia đình và xã hội. Thời gian qua, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, tuy nhiên, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thực trạng chung đáng buồn là vậy nhưng vẫn có những bản làng đã xóa bỏ được hoàn toàn nạn tảo hôn khỏi cộng đồng nhờ sự vào cuộc quyết liệt tổ chức Đảng, đặc biệt tinh thần gương mẫu, tiên phong của đảng viên cao tuổi.

Từng là điểm “nóng” về vấn nạn tảo hôn nhưng trong gần 5 năm gần đây, bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn - nơi có 127 hộ dân với 520 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã không còn tình trạng lấy vợ, gả chồng khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định. Người dân địa phương cho biết, ông Vừ Chả Chống, Bí thư Chi bộ bản Trung Tâm là người có công lớn đẩy lùi được nạn tảo hôn ra khỏi bản làng.

Đảng viên Vừ Chả Chống năm nay 53 tuổi, từng tham gia quân ngũ trở về địa phương. Gia đình ông tập trung phát triển chăn nuôi và trồng rừng sa mu, pơ mu trên đất trống, đồi trọc. Sau hơn 20 năm miệt mài lao động, ông đang sở hữu 7ha rừng trồng với trên 7.200 cây sa mu, pơ mu, trong đó, có những cây một người ôm không xuể. Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh, đảng viên người đồng bào dân tộc Mông này còn chăm lo việc chung của bản. Ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, rồi Bí thư Chi bộ bản gần 20 năm qua.

Được nhân dân tin tưởng, ông cùng các đảng viên trong chi bộ, Ban quản lí bản tìm cách đuổi cái xấu, lạc hậu ra khỏi đời sống nhân dân. Ông vận động người dân xây dựng các khu chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường sống, giảm dần việc uống rượu quá nhiều trong lễ hội, xóa bỏ được vấn nạn tảo hôn vốn tồn tại suốt thời gian dài trên địa bàn của bản.

Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu tái định cư xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương đang có nhiều khởi sắc. Ảnh: Viết Lam

Khi được hỏi về biện pháp đẩy lùi nạn tảo hôn ở bản, ông Chống khẳng định: "Kết quả đó nhờ vào sự đồng sức, đồng lòng của bà con dân bản, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Trong quá trình sinh hoạt chi bộ, chúng tôi đều giải thích để đảng viên nhận thức rõ những hệ lụy mà nạn tảo hôn gây ra. Từ đó, đảng viên vận động gia đình, người thân kiên quyết không để con em cưới vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định. Khi cán bộ, đảng viên đồng lòng, tiên phong thực hiện thì đưa ra thực hiện trước toàn dân của bản. Ý thức của các gia đình vì thế dần được nâng lên, tảo hôn bị đẩy lùi”.

Không chỉ tạo được sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, các hộ gia đình, ông Chống luôn quan tâm đến công tác giáo dục thanh thiếu niên trong bản. Ông đã giúp nhiều thanh niên phát triển kinh tế, tìm cách khuyên răn họ mạnh dạn xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới.

"Trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đảng viên người cao tuổi luôn vận động gia đình, dòng họ đi tiên phong, rồi vận động nhân dân làm theo. Đảng viên cao tuổi cũng là người lắng nghe, phản ánh ý kiến, quyền lợi của nhân dân giúp các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp với thực tiễn" - ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khẳng định.

Bài 3: Chăm lo phát triển đảng viên trẻ

Viết Lam

Bình luận

ZALO