Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 08:22 GMT+7

Những chuyến tàu đặc biệt

Biên phòng - Hai chuyến tàu mang số hiệu SE16 và SE18 khởi hành từ ga Sài Gòn, chở hàng nghìn hành khách ngược ra Bắc. Nhiều người dân Quảng Bình gọi đây là “chuyến tàu quê hương” bởi lẽ tỉnh Quảng Bình là điểm đến cuối cùng của tất cả hành khách. Trong niềm mong chờ và hạnh phúc, những người con xa quê không quên gửi lời tri ân sự quan tâm, sẻ chia của quê nhà.

Những hình ảnh bà con Quảng Bình tại sân ga Sài Gòn. Ảnh: Đức Trí

Hành trình về quê

Những ngày giữa tháng 10, thực hiện kế hoạch đón công dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại thành phố (TP) Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê, tỉnh Quảng Bình đã điều động tổ công tác đặc biệt của tỉnh gồm 27 thành viên được chia thành 3 nhóm, trực tại các ga: Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), Dĩ An (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai). 4 giờ sáng ngày 8-10, các thành viên phụ trách ga Sài Gòn đã có mặt để chuẩn bị cho chuyến tàu thứ nhất khởi hành vào lúc 8 giờ.

Trong niềm mong chờ được trở về quê, nhiều hành khách đã có mặt tại ga từ rất sớm. Những bà con ở xa được bố trí phương tiện trung chuyển đến các ga đúng thời gian quy định. Đối với một số trường hợp chưa có giấy xét nghiệm test nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR theo quy định, bộ phận y tế của Tổ công tác đã kịp thời hỗ trợ bà con. Việc đón tiếp, hướng dẫn người dân được triển khai chu đáo. Số đông hành khách là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người già… nên các y, bác sĩ được bố trí đầy đủ, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con suốt hành trình.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, 75 tuổi, quê ở thị xã Ba Đồn không giấu được niềm vui, cho biết, ông vào Bình Phước thăm con và “mắc kẹt” từ tháng 6 do dịch bệnh Covid-19. “Qua theo dõi báo đài, tôi biết tỉnh mình rất quan tâm đến bà con Quảng Bình ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tôi rất đồng tình với những việc làm kịp thời này, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện cho tôi và nhiều người được về quê an toàn trên chuyến tàu đặc biệt!” - ông Linh chia sẻ.

Vừa có mặt trên chuyến tàu đầu tiên, cô bé Đinh Hồng Ngọc, sinh năm 2006 đã gọi điện thoại cho bà ngoại ở xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) thông báo giờ tàu đến. Ngọc kể, em sống với bà ngoại từ nhỏ, nghỉ hè tranh thủ vào thăm mẹ nhưng rồi phải ở lại lâu hơn dự định. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc sống của mẹ em ở thành phố cũng rất khó khăn. Thương mẹ, thương bà ngoại, Ngọc mong chờ từng ngày để được về quê. “Cuối cùng thì cháu cũng được về quê, cháu mừng lắm!” - Ngọc vui mừng chia sẻ qua điện thoại.

Chị Phạm Thị Liên (huyện Lệ Thủy) gửi cho tôi bức ảnh chụp con gái đang ăn bữa trưa trên tàu. Suốt hành trình về nhà, cô bé háo hức như đang trải nghiệm chuyến du lịch. Sau khi đưa con về nhờ ông bà chăm sóc, chị Liên sẽ trở lại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục đến nhà máy với công việc quen thuộc của mình.

Mỗi hành khách mang những tâm trạng khác nhau. Có người vui mừng vì được trở về nhà sau thời gian “mắc kẹt”. Có người bịn rịn chia xa vùng đất đã nhiều năm gắn bó bởi dịch bệnh đã khiến họ mất việc làm, cuộc sống trở nên quá khó khăn. Song có một điều rất chung là trên chuyến tàu đặc biệt, tất cả đều cảm thấy yên tâm, ấm lòng bởi sự quan tâm chu đáo của quê nhà.

Với gần 3.000 công dân, tỉnh Quảng Bình bố trí 4 chuyến tàu, xuất phát trong 2 ngày 8 và 9-10-2021. Song song với các hoạt động hỗ trợ bà con tại điểm xuất phát, tại tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai phương án đón công dân an toàn và tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Cùng với việc khảo sát, kiểm tra điểm đón công dân tại các ga bảo đảm thuận tiện, đề phòng diễn biến bất thường của thiên tai, Sở Giao thông vận tải đã bố trí gần 100 phương tiện có mặt tại 5 ga để trung chuyển bà con về các khu cách ly và địa phương. Ngành Y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng để phối hợp kiểm tra, sàng lọc, phân loại, bảo đảm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh Covid-19. Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông được tăng cường, bảo đảm để hành trình về nhà của bà con được thông suốt, an toàn.

Tổ công tác hướng dẫn bà con tận tình chu đáo. Ảnh: Đức Trí

Tại xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch), nơi có gần 60 công dân về quê dịp này, công tác chuẩn bị tiếp đón đã được hoàn tất. “Ngoài việc kích hoạt khu cách ly tập trung tại xã, sáng 9-10, chúng tôi có mặt tại ga Hoàn Lão để đón bà con. Đặc biệt, việc kiểm tra y tế được chuẩn bị kỹ lưỡng để ngăn ngừa các nguy cơ dịch bệnh. Theo đó, chúng tôi tiến hành phân loại theo các nhóm như: về từ vùng xanh, đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine, đã mắc Covid-19 và điều trị khỏi; những người về từ các vùng nguy cơ, tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm vaccine… sẽ được rà soát, cách ly theo nhóm, bảo đảm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh trong thời gian cách ly. Công tác hậu cần cũng chuẩn bị sẵn sàng để bà con yên tâm thực hiện quy định”- đồng chí Cao Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết.

Được biết, tỉnh Quảng Bình sẽ đưa, đón bà con về các trung tâm cách ly tập trung của các huyện, một số sẽ trực tiếp về tận xã và bàn giao cho địa phương tiếp nhận, cách ly an toàn theo các phương án cụ thể.

Hết lòng vì nhân dân

Cùng với sự quan tâm của quê nhà, thời gian qua, đặc biệt là trong 4 tháng giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công dân Quảng Bình tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã nhận được sự quan tâm của chính quyền sở tại, Hội đồng hương Quảng Bình và các tổ chức, cá nhân thiện nguyện. Trong hành trình về quê lần này, Câu lạc bộ nhà báo người Quảng Bình tại TP Hồ Chí Minh cùng Công ty TNHH Việt Up đã có mặt giúp bà con lên tàu và trao tặng hơn 3.000 chai nước, 1.500 phần quà gồm sữa và trái cây.

“Hoạt động này nằm trong chuỗi các chương trình hỗ trợ bà con đồng hương tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cùng với hai chuyến bay cuối tháng 8-2021, việc tỉnh Quảng Bình đón gần 3.000 bà con về quê bằng tàu hỏa khiến mọi người rất vui mừng và xúc động. Nhiều người dân đã không khỏi xúc động, tự hào vì những việc quê hương mình đã làm cho bà controng thời điểm khó khăn!” - nhà báo Phong Điền, thành viên Câu lạc bộ nhà báo người Quảng Bình, hiện công tác tại báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Chia tay bà con trên chuyến tàu trở về quê hương. Ảnh: Đức Trí

Bên cạnh những người trở về trên “chuyến tàu quê hương”, có những người đủ tiêu chuẩn để về quê nhưng đã lựa chọn ở lại. Chị Lê Hoài Thanh, 30 tuổi, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch là một ví dụ. Chị Thanh hiện là công nhân khu công nghiệp Đông Xuyên, Vũng Tàu. Chồng chị là anh Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1988), làm nghề tự do. Sau khi kết hôn ở quê, năm 2019, họ cùng nhau vào Vũng Tàu sinh sống. Hai vợ chồng với 2 con gồm 4 tuổi và 2 tháng tuổi hiện sống trong căn phòng trọ chật hẹp. Thời gian giãn cách, họ đều phải nghỉ việc và gặp rất nhiều khó khăn.

Sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức thiện nguyện, Hội đồng hương, Câu lạc bộ nhà báo người Quảng Bình, tấm lòng sẻ chia, đồng hành của quê hương, lựa chọn trở về hay tiếp tục gắn bó với những miền đất lạ… đều là minh chứng cho sự tận tụy, hết lòng vì nhân dân trong gian khó của các cấp chính quyền và người dân của tỉnh Quảng Bình.

Đức Trí

Bình luận

ZALO