Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:47 GMT+7

Những chuyện nhỏ của trái tim lớn

Biên phòng - Quá trình làm công tác tại Báo Quân đội nhân dân, tôi may mắn được làm việc với Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh khi ông đảm nhiệm các chức vụ là Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1; Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu; Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh góp ý về kích cỡ, kiểu dáng nồi inox đựng cơm tại bếp ăn công nhân của Tổng công ty 28.

Qua những lần công tác ấy, tôi luôn nhận thấy ở ông một người chỉ huy nghiêm cách, tài năng, gần gũi, luôn quan tâm những vấn đề rất cụ thể của bộ đội và có tầm nhìn xa, bao quát của người lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến lược. Không thể nhớ hết những chuyện diễn ra hơn 30 năm qua trong các chuyến công tác song có những chi tiết nhỏ thôi để lại ấn tượng khắc sâu trong tâm trí, tôi vẫn không quên.

Phủ xanh bãi tập

Khi Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh đến thăm và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn Bộ binh 5, Quân khu 7 và Sư đoàn Bộ binh 9, Quân đoàn 4 ông đã phát hiện, chỉ đạo rất kịp thời, giúp các đơn vị khắc phục, triển khai ngay. Ra bãi tập, phát hiện thấy bãi tập rộng, thoáng nhưng bộ đội tập giữa trời nắng chang chang rất vất vả, vòng ngụy trang đeo trên lưng chỉ là hình thức, ít lá cây xanh ông đã trao đổi và chỉ đạo các sư đoàn, đại ý: Cả nước có phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, chúng ta nên vận dụng thực hiện ngay trong doanh trại đơn vị. Bãi tập của các đồng chí nếu có cây che phủ thì bộ đội tập đỡ nắng mưa vất vả, khắc phục được tình trạng bẻ cây làm vòng ngụy trang. Hơn nữa khi có rừng cây xanh thì môi trường sống được cải thiện, trong lành hơn và hạn chế tình trạng đất bị rửa trôi, công sự bãi tập bị xói mòn, sạt lở. Về mặt chiến thuật thì rừng cây là nơi giấu quân rất tốt - “rừng che bộ đội”. Các đồng chí có ý kiến gì không?

Có ý kiến của một đồng chí chỉ huy sư đoàn: Thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, đơn vị đã tổ chức trồng cây nhiều lần nhưng đất ở đây khô cằn, 6 tháng nắng liên tục nên số cây trụ được rất ít.

Đồng chí Phùng Quang Thanh nói: Các đồng chí nên chịu khó khắc phục, lấy đất màu từ nơi xa về làm thành từng hố để trồng. Nên trồng cây từ đầu mùa mưa, đến mùa khô thì cây cứng rồi, không chết được. Các đồng chí nên tham khảo ngành lâm nghiệp xem trồng cây gì dễ sống, hiệu quả cao. Tôi biết các đồng chí còn khó khăn về nguồn nước ngọt. Bộ sẽ đầu tư cho các đồng chí hệ thống giếng khoan và bể chứa nước.

Ngay lúc đó, đồng chí Phùng Quang Thanh giao nhiệm vụ cho các cán bộ đi cùng thuộc Cục Kế hoạch-Đầu tư và Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần khảo sát, lập đề án hỗ trợ chương trình cấp nguồn nước cho các đơn vị.

Khoảng gần 5 năm sau, khi là Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh về thăm hai sư đoàn này. Bộ trưởng rất hài lòng nhìn các bãi tập rợp mát bóng cây; khu vực doanh trại làm tốt mô hình Vườn - ao - chuồng - rừng; môi trường trong lành, mát mẻ.

Đổi màu quân phục mới

Ngày nay quân đội ta mặc quân phục đẹp, nhìn khỏe, nghiêm trang mà giản dị, được quân và dân ta khen ngợi. Song ít người biết tác giả của việc đổi màu quân phục mới này là đồng chí Phùng Quang Thanh. Từ khi là Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí đã ấp ủ ý định đổi màu quân phục mới thay cho mẫu K82 màu đất nâu không đẹp, không bền màu.

Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần được giao nghiên cứu mẫu và tổ chức thi chọn mẫu. Có 1.000 mẫu đưa ra để chọn lựa nhưng chưa đạt yêu cầu. Tổng Công ty 20 cho người sang Nga lấy mẫu và chọn màu nhưng lãnh đạo Bộ chưa ưng ý. Lúc đó, đồng chí Phùng Quang Thanh trực tiếp gặp cán bộ Tổng Công ty 28 (Tổng cục Hậu cần) tại TP Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất thử.

Đại tá Đậu Quang Lành, Tổng giám đốc Tổng Công ty 28 còn nhớ mãi tiêu chí của Tổng Tham mưu trưởng nêu ra năm 2002: “Quân phục của lục quân phải sáng tạo sao cho gần gũi với quân phục thời chống Mỹ, nhìn khỏe, đẹp. Quân phục của chiến sĩ màu hơi nhạt như lá non. Quân phục sĩ quan màu đậm như lá già và màu hai quân phục này hài hòa với nhau. Hiểu ý cấp trên, chúng tôi sang Trung Quốc tìm hiểu kỹ thuật dệt vải ở nhà máy Tô Châu, trước đây ủng hộ vải cho Quân đội ta. Nhưng đến nơi thì họ đã bỏ công nghệ này, không sản xuất nữa. Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ rồi mày mò nghiên cứu suốt một năm.

Đồng chí Phùng Quang Thanh thường xuyên quan tâm đến việc nghiên cứu này. Đồng chí cho phép quá trình nghiên cứu báo cáo trực tiếp đồng chí, không phải qua Tổng cục Hậu cần. Bởi vậy mẫu K03 thành công là nhờ công lớn của đồng chí góp ý rất nhiều lần về màu sắc, kiểu dáng. Năm 2004 thì chúng tôi sản xuất hàng loạt, khép kín từ khâu dệt vải đến may quân phục. Từ thành công này, chúng tôi nghiên cứu thành công mẫu K08 - quân phục sĩ quan. Từ tháng 12-2009 thì toàn quân thống nhất quân phục mới”.

Tại Xí nghiệp dệt, tôi được nghe đồng chí Phùng Quang Thanh yêu cầu Tổng Công ty 28 may Quân phục cho bộ đội Trường Sa và bộ đội vùng chua phèn Nam bộ mặc thử, kiểm tra độ bền màu trong mưa nắng và độ bền cơ học. Bởi vậy quân phục của bộ đội hiện nay bền màu, chịu được nước biển, nước chua phèn và cho phép chà xát trên đất đá khi luyện tập.

Tạo điều kiện xây trụ sở thường trú Báo Quân đội nhân dân

Năm 2005, tôi cùng đồng chí Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân lên Học viện Lục quân Đà Lạt để mượn tiền xây tòa nhà thường trú của Báo tại 27 Hùng Vương, TP Đà Lạt nhưng còn khó khăn về kinh phí xây dựng. Khi biết Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Tổng Tham mưu trưởng đang công tác ở Học viện, tôi bàn với Tổng biên tập: Tối nay anh nên đến thăm anh Phùng Quang Thanh và xem có thể đề nghị hỗ trợ xây dựng trụ sở ở đây.

Tổng biên tập ngần ngại: Khó lắm, không được đâu!

Có thể được anh ạ. Mình xây công trình của Báo là tài sản của Quân đội cũng như Bộ vẫn cho các đơn vị xây dựng doanh trại thôi. Ta cứ đến thăm, nếu thuận tiện, em sẽ gợi ý...

Khoảng hơn 7 giờ tối khi đồng chí Phùng Quang Thanh đang xem ti vi thì chúng tôi đến và được đón tiếp rất cởi mở, thân tình. Trong cuộc trò chuyện, tôi xin phép Tổng biên tập báo cáo: Báo cáo anh, trước đây các anh Phạm Đình Trọng và Trần Thế Tuyển chỉ huy Ban Đại diện quan hệ rất tốt với tỉnh Lâm Đồng nên được tỉnh cấp cho mảnh đất 700m2 tại đường Hùng Vương. Nếu để lâu không xây thì tỉnh thu lại cấp cho cơ quan khác…

Tiếp đó Tổng Biên tập nói về sự cần thiết phải mở rộng các điểm thường trú, cần xây dựng trụ sở tại Nam Tây Nguyên… Điều bất ngờ là chúng tôi không nói hỗ trợ kinh phí mà đồng chí hiểu ý nên nói luôn:

-Tốt quá, các ông xin được đất du lịch ở đây là quý lắm. Bộ Tổng Tham mưu sẽ cấp kinh phí xây nhà. Các ông về làm thủ tục trình Tổng cục Chính trị rồi chuyển qua Bộ Tổng Tham mưu…

Do nắm bắt được sự cần thiết của Báo và nhu cầu kinh phí nên Tổng Tham mưu trưởng đã giúp cho Báo xây được trụ sở. Năm 2006, trụ sở cơ quan thường trú tại Lâm Đồng đã xây dựng xong, đi vào hoạt động. Sự quyết đoán của đồng chí Phùng Quang Thanh đã tạo điều kiện cho cấp dưới phấn khởi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Thương tiếc Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đi xa, xin nhắc lại những chuyện nhỏ này để ghi nhớ công lao, cái tâm, cái tầm của đồng chí với Đảng, Quân đội, với Báo Quân đội nhân dân và thêm nhớ mãi tấm lòng của đồng chí luôn quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ ta.

Theo QĐND

Bình luận

ZALO