Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 02/12/2023 03:01 GMT+7

Những chuyển động tích cực sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều

Biên phòng - Một loạt chuyển động tích cực đã diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4, làm dấy lên hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và thống nhất trong tương lai không xa.

b41echztpy-75450_5908988131668628292_anh_bai_chinh
Làng đình chiến Panmunjom được Tổng thống Donald Trump đề nghị là nơi diễn ra cuộc gặp Mỹ-Triều. Ảnh: AFP

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc họp thượng đỉnh lịch sử tại làng đình chiến Panmunjom thuộc khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới hai nước với kết quả tích cực, Hàn Quốc đã nỗ lực hiện thực hóa Tuyên bố chung Panmunjom.

Theo Tuyên bố chung này, hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho những nỗ lực quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời xúc tiến các cuộc đàm phán nhiều bên, có sự tham gia của Mỹ, nhằm bảo đảm nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. 

Ngày 30-4, Hàn Quốc cho biết đang cân nhắc tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên để thảo luận chi tiết việc thành lập một văn phòng liên lạc chung tại thành phố Kaesong ở biên giới hai miền. Việc thành lập văn phòng liên lạc thường trực chung đã được lãnh đạo hai miền nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4 vừa qua, và nêu rõ trong Tuyên bố chung liên Triều, theo đó, tại văn phòng này sẽ có các quan chức hai bên cùng làm việc nhằm thúc đẩy đối thoại và các hoạt động giao lưu nhân dân. 

Hiện hai miền Triều Tiên đang có các văn phòng liên lạc riêng, sử dụng điện thoại và máy fax để trao đổi thông tin liên lạc. Nếu được thành lập, văn phòng mới được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng tới các quan hệ liên Triều, và giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại liên Triều định kỳ. 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết từ ngày 1-5 bắt đầu công tác tháo dỡ các loa phóng thanh tại khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới hai miền. Bước đi này nhằm hiện thực hóa nội dung "ngừng hoàn toàn mọi hành động thù địch chống lại nhau trong mọi lĩnh vực", được ghi trong Tuyên bố chung Panmunjom. Việc dỡ bỏ các loa phóng thanh ở biên giới là một bước đi "ban đầu" có thể dễ dàng thực hiện để xây dựng lòng tin quân sự giữa hai bên.

Cũng trong ngày 30-4, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi nỗ lực để quốc hội phê chuẩn tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Động thái này dường như nhằm đảm bảo thỏa thuận liên Triều được thực thi cho dù chính phủ thay đổi. Trong những năm qua, lập trường của Seoul đối với Bình Nhưỡng luôn thay đổi mỗi khi phe cầm quyền thay đổi. Các hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất năm 2000 và lần thứ hai năm 2007 đều đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh hợp tác, trao đổi và giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Nhưng các thỏa thuận này đều bị "xếp xó" sau khi chính phủ mới lên nắm quyền.

Quan hệ liên Triều tan băng cũng góp phần cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên với Nhật Bản và Mỹ. Ngày 30-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay tại làng đình chiến Panmunjom.

Trong khi đó, theo các nguồn tin ngoại giao, Nhật Bản cũng đã đề xuất tiến hành một hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên thông qua Thụy Điển và Mông Cổ, trong bối cảnh có những thông tin về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan tâm đối thoại với Tokyo. Giới phân tích nhận định, nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nhật Bản có khả năng được bình thường hóa trước cuối năm nay và cuộc đàm phán 6 bên về việc thực hiện lộ trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên có thể được nối lại.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO