Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 05/12/2023 12:31 GMT+7

Những chuyển biến tích cực trong đổi mới công tác giáo dục và đào tạo của BĐBP

Biên phòng - Những năm qua, chất lượng công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của các Học viện, nhà trường trong BĐBP không ngừng được nâng cao. Đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tốt nghiệp ra trường đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy sáng tạo, kiến thức toàn diện, năng lực thực hành và trình độ chuyên sâu về lĩnh vực được đào tạo; đáp ứng yêu cầu xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.

Giờ học tiếng Anh của giảng viên và học viên Học viện Biên phòng. Ảnh: CTV

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các văn bản hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam về công tác GD-ĐT và xây dựng nhà trường Quân đội, Đảng ủy BĐBP ban hành Nghị quyết số 14-NQ/ĐU ngày 3/3/2008 về công tác GD-ĐT trong tình hình mới, triển khai thực hiện thống nhất trong toàn lực lượng.

Cấp ủy, chỉ huy các Học viện, nhà trường đã quán triệt nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT và xây dựng nhà trường chính quy vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Biên phòng trong tình hình mới.

Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ, nhân viên, nâng cao hiệu lực chỉ đạo, quản lý đào tạo và xây dựng nhà trường, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng kế hoạch đảm bảo đội ngũ cán bộ, nhân viên làm cơ sở để các trường xây dựng kế hoạch đào tạo sát với nhu cầu của lực lượng. Xây dựng các Học viện, nhà trường trong BĐBP từng bước trở thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ của lực lượng; áp dụng chương trình tiên tiến vào giảng dạy, tổ chức đào tạo tài năng quân sự đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP còn thường xuyên quan tâm kiện toàn đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn 2007-2021, Bộ Tư lệnh BĐBP đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng được 1.710 đồng chí, đề nghị công nhận 1 Giáo sư, 28 Phó Giáo sư, 1 Nhà giáo Nhân dân, 4 Nhà giáo Ưu tú. Hiện nay, các Học viện, nhà trường trong BĐBP có 629 giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng mục tiêu đề ra.

Với tinh thần “Lấy người học là trung tâm”, các Học viện, nhà trường trong BĐBP đã vận dụng phương pháp dạy học tích cực, theo hướng từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học đi đôi với ứng dụng công nghệ thông tin, lý luận gắn liền với thực tiễn, tăng thời gian tự học, làm tập bài, tổ chức diễn tập tổng hợp; phát triển khả năng tư duy, tự giác, năng động, sáng tạo. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ giao ban quản lý học viên; công tác quản lý, rèn luyện học viên được triển khai đồng bộ, chặt chẽ và đi vào nền nếp. Tổ chức đánh giá kết quả rèn luyện của học viên công khai dân chủ; góp phần tích cực nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo”, công tác đào tạo ngoại ngữ trong BĐBP có những chuyển biến tích cực. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo điều chỉnh chương trình dạy ngoại ngữ, học tiếng dân tộc thiểu số cho các đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong dạy học ngoại ngữ, ưu tiên đầu tư trang thiết bị, xây dựng, củng cố các phòng học đa năng; triển khai các mô hình học tập ngoại ngữ; tham gia Hội thi Olympic tiếng Anh, triển khai thi tốt nghiệp môn tiếng Anh cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội, viết luận văn bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Giờ học tiếng Vân Kiều của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị. Ảnh: Trúc Hà

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 791-NQ/QUTW ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành các chủ trương, biện pháp chỉ đạo các Học viện, nhà trường thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; thường xuyên nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung, biên soạn mới giáo trình, tài liệu đảm bảo công tác nghiên cứu khoa học phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của BĐBP.

Kết quả, các Học viện, nhà trường trong BĐBP đã thực hiện nghiên cứu thành công 353 đề tài, 328 sáng kiến khoa học các cấp; biên soạn 218 giáo trình, tài liệu; một số giáo trình, tài liệu biên soạn bằng tiếng Anh; đã tham gia và tổ chức 23 hội thi, hội thảo khoa học các cấp. Hiện nay, nguồn tài liệu tại thư viện cơ sở của các Học viện, nhà trường trong BĐBP đã có dữ liệu với 35.000 biểu ghi, 302.585 trang dữ liệu điện tử và trên 6.030 đầu tài liệu đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, các Học viện, nhà trường đã gửi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ; tăng cường mở rộng liên kết đào tạo; tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm với các trường trong và ngoài Quân đội.

Những kết quả trên đã cho thấy công tác GD-ĐT của BĐBP đã có nhiều đổi mới, căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn như biên chế, tổ chức của BĐBP tiếp tục tinh gọn, song các Học viện, nhà trường trong BĐBP luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, sự hướng dẫn kịp thời của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng về công tác GD-ĐT.

Từ đó, các Học viện, nhà trường trong BĐBP không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT trong tình hình mới; từng bước hòa nhập với hệ thống giáo dục trong toàn quân; công tác kiện toàn tổ chức biên chế nhà trường từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước.

Thu Minh

Bình luận

ZALO