Biên phòng - Người Dao vốn gắn bó với rừng già và là dân tộc đi rừng giỏi, nấu rượu ngon nhất bằng cách lên men lá cây rừng và đặc biệt, họ sở hữu những phương thuốc nam gia truyền nhiều đời chỉ toàn lá rễ cây rừng nhưng có thể chữa được những chứng bệnh mà y học hiện đại “bó tay”. Ở thôn Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, BĐBP đã giúp đồng bào người Dao ở đây làm giàu từ chính những phương thuốc cổ truyền từ rừng.
Mang bài thuốc quý hạ sơn
Thôn Hạ Sơn nằm dọc hai bên Quốc lộ 217, cách trung tâm huyện Mường Lát chưa đầy 10km, thuận giao thông, giao thương. Vị trí này khác hẳn nơi cư trú cũ của họ cách đây 20 năm trên bản Pù Quăn, cách Mường Lát cả ngày đường đi bộ. Bản cũ trước đây có 46 hộ với 235 khẩu đồng bào Dao sống trong thời tiết khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, thiếu đất canh tác. Qua hàng thập kỷ, Pù Quăn cũng “phồng” lên tới 72 hộ dân với 378 khẩu, nhưng diện tích đất canh tác cằn cỗi chưa đầy 10ha trên chóp núi. Cùng với chủ trương của huyện Mường Lát, Đồn BĐBP Pù Nhi sát cánh bên bà con, vận động từng hộ di dời xuống núi, lập bản Hạ Sơn với hy vọng tương lai được mở mang hơn.
Điều đáng nói là bà con người Dao ở đây có đặc tính cư trú rất rõ rệt. Bà con dù có khát khao cuộc sống đổi thay với hy vọng có của ăn của để thì vẫn không muốn mất đi sự gắn bó với rừng. Rừng là nguồn sống của họ, đôi khi còn là chỗ dựa tinh thần, một phần tâm linh với ý nghĩa thần rừng che chở, ban phát lương thực, thực phẩm theo quan niệm của người Dao. Năm 1997, những hộ dân đầu tiên ở Pù Quăn đồng ý hạ sơn, trong đó đi đầu là gia đình ông Triệu Văn Lĩu, nay là Trưởng bản Hạ Sơn và ông Phan Văn Cấu, Bí thư Chi bộ bản Hạ Sơn bây giờ. Sau đó, được chứng thực những gia đình chuyển sớm có điều kiện sinh sống tốt hơn, hưởng hạ tầng cơ sở tốt hơn từ điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, mọi dịch vụ phục vụ đời sống... nên 17 gia đình tiếp theo theo xuống định cư vào năm 2007.
Phải nói rằng, có hạ sơn thì làng thuốc nam người Dao ở Pù Quăn trước đây mới được nhiều người biết đến. Tinh túy của cụm dân cư này là các bài thuốc nam cổ truyền từ rễ, lá cây rừng. Những thực vật tự nhiên của rừng già nhưng kết hợp với nhau rồi sơ chế, sao tẩm, sắc uống đã có tác dụng kỳ diệu, thậm chí biến chuyển rõ rệt những bệnh hiểm nghèo. Tiếng lành đã vượt ra khỏi núi Pù Quăn, lan xuống và lan nhanh ra khắp cả nước. Người ta tìm tới Hạ Sơn ngày càng nhiều để mua thuốc nam. Nhiều nhất là những người mắc chứng hiếm muộn con, suy giảm chức năng tạng, bệnh xương khớp, trĩ... Gần như cả bản người Dao hiện ở Hạ Sơn, gia đình nào cũng sở hữu những bài thuốc quý gia truyền. Xuống núi với nơi ở mới là lúc những bài thuốc này có cơ hội được phát huy tác dụng, trở thành bài thuốc cứu mạng rất nhiều người.
Có lẽ ít có cụm dân cư biên giới nào khi đặt ra các bài toán kinh tế, lại không phải nhắc tới 2 chữ “nghèo đói” như Hạ Sơn. Cả bản bây giờ đông đúc tới 46 hộ dân, 228 nhân khẩu, có tới gần 200ha đất canh tác là công sức khai hoang, phục hóa của người dân và bộ đội, các ban ngành địa phương. Người dân trồng lúa nước và tổng đàn gia súc của họ tới gần 2 ngàn con. Nhà nào cũng xây dựng nhà cửa kiên cố không khác gì nhà mặt phố, từ nguồn thu từ thuốc nam gia truyền mang lại. Càng có giao thông thuận lợi, thông tin liên lạc thông suốt, những phương thuốc nam càng có cơ hội đến với nhiều người bệnh hơn.
Sứ mệnh của cây rừng
Bí thư Chi bộ bản Hạ Sơn, anh Phan Văn Cấu, người đàn ông Dao năm nay 38 tuổi, chuyển nơi cư trú về Hạ Sơn từ khi là một thanh niên 18 tuổi. Anh là người may mắn khi bước vào tuổi trung niên với gia cảnh khấm khá, nhà cửa rộng rãi từ bàn tay lao động của chính mình. Phan Văn Cấu khoe với chúng tôi, chi bộ của bản giờ có tới 10 đảng viên. Anh dường như không muốn nói nhiều về quá khứ khó nhọc những ngày đầu đến bản mới phải ngược về núi vác từng vác củi về đun nấu, vác xà gỗ về dựng nhà và ăn rau rừng qua ngày. Mẹ anh, bà Triệu Thị Lầu, người phụ nữ Dao đã 60 tuổi mà chân vẫn thoăn thoắt đi rừng lấy lá thuốc. Bà là một trong những người Dao thế hệ cũ ở Pù Quăn có thể biết mặt hơn 300 loại cây thuốc quý của rừng và biết kết hợp các loại lá rễ cây có dược tính để chế thành phương thuốc chữa bệnh.
Trong ngôi nhà gạch khang trang được xây để chứa thuốc, pha chế và bốc thuốc, bà Triệu Thị Lầu bốc ra các loại rễ, lá, thân cây từ nhiều bao dứa rồi nhào trộn theo tỷ lệ để có một thang thuốc cho khách. Khuôn mặt bà Lầu hiền hậu và phảng phất nét tươi tắn của rừng núi thiên nhiên - có lẽ thế là đủ để người ta tin tưởng vào phương thuốc kỳ diệu của bà sẽ làm tan biến bệnh tật. Như triết lý giản đơn của người Dao, chỉ cần niềm tin vào sự sống là dù ai có bệnh gì cũng có thể thuyên giảm rồi.
Anh Phan Văn Cấu đã bắt đầu nghĩ tới việc mở mang ruộng nương để trồng một loại cây thuốc thường gọi là cây sâm đất, loại dược liệu quý của rừng miền Tây Thanh Hóa. Anh bảo, cây này khai thác mãi sợ hết, tiệt giống. Anh muốn trồng lại để giữ cây thuốc quý và cũng để vào lúc cấp bách có thuốc hái ngay cho người bệnh, lại có thuốc dự trữ, không sợ thiếu. Anh cho hay, dựa vào đặc tính sinh sống của nhiều loại thảo dược mà mình quan sát nhiều năm, anh chắc chắn có thể trồng được nhiều loại như sâm đất, tam thất, cây mật gấu, gừng tía... và đã bắt đầu trồng dặm trên nương lúa của mình. Anh may mắn có người cha hậu thuẫn cho mình - ông Phan Văn Lộ.
“Ông Lộ năm nay 63 tuổi, biết làm bùa ngải đấy!” - Phan Văn Cấu nói về cha mình. Tôi tỏ vẻ nghi ngờ: “Có phải bùa yêu không ạ?”. Ông Lộ cười, nói rằng những lá bùa của ông có thể làm cho vợ chồng thương yêu nhau hơn, cho người đi xa nóng ruột mà trở về nhà. Ông là người lưu giữ kho văn hóa truyền thống của người Dao Pù Quăn. Ông biết viết chữ Nôm Dao, là tác giả của tập sách gia phả dòng họ. Ông có một hòm sách cũ, ghi tên những bài thuốc quý, cách chế biến và trộn thang thuốc gia truyền.
Ông bảo nguyên tắc của thuốc từ cây rừng là làm ấm cơ thể, trước khi có thể đẩy lùi bệnh tật. Khí huyết lưu thông là điều kiện tiên quyết để có một cơ thể khỏe mạnh. Cơ thể nhiễm bệnh là khí trệ, huyết ứ và hãy để thuốc nam giải quyết vấn đề bệnh đến từ gốc, còn cấp cứu triệu chứng mới cần đến Tây y. Ông chỉ lo lắng rằng những điều mình lưu giữ sẽ mất đi theo thời gian. Phan Văn Cấu không học được chữ Nôm Dao, anh kêu nó khó và anh thì mải mê tính kế trồng cây thuốc. Ông Lộ thở dài: “Chắc sắp tới lại có việc nhờ các anh BĐBP tính chuyện mở lớp dạy chữ, dạy bài thuốc, dạy bốc thuốc. Có như thế Hạ Sơn mới còn tồn tại mãi được”.
Những người mà họ nghĩ tới đầu tiên khi thắp lên một niềm hy vọng mới, vẫn là những cán bộ BĐBP.
Trương Thúy Hằng