Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 01:52 GMT+7

Những cây cầu kể chuyện thành phố

Biên phòng - Những ngày giữa tháng 9-2020, nhiều người dân ở thành phố Đà Nẵng ngạc nhiên vì cây cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi nâng nhịp để tàu, thuyền đi lên thượng nguồn tránh bão số 5. Từ ngạc nhiên đến háo hức, người Đà Nẵng lại kể cho nhau nghe chuyện về những cây cầu trên sông Hàn. Với thành phố Đà Nẵng, những cây cầu này không chỉ mang sứ mệnh thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo của thành phố biển miền Trung này.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi nâng nhịp để tàu thuyền qua lại. Ảnh: Trúc Hà

“Kỷ vật” thời chiến

Năm 1965, quân đội Mỹ bắt đầu cho dựng cầu Nguyễn Văn Trỗi nối đôi bờ Đông- Tây của thành phố Đà Nẵng. Mọi việc diễn ra trong không khí khẩn trương, hối hả, công binh làm việc cả ngày lẫn đêm. Bởi vậy, chỉ mấy tháng sau, cầu dã chiến đã được hoàn thành và trở thành cây cầu cho xe cơ giới duy nhất nối quận 1 với quận 3 (khi ấy cầu Trần Thị Lý chỉ dành cho tàu hỏa, sau năm 1975 mới cải tạo thành cầu đường bộ). Người ta nhớ về cầu Nguyễn Văn Trỗi với những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, không thể nào quên vào ngày giải phóng thành phố, từng đoàn xe tăng của bộ đội với cờ giải phóng băng qua cầu, tiến sang bán đảo Sơn Trà.

Trải qua thời gian, cầu Nguyễn Văn Trỗi được tu sửa, cải tạo nhiều lần. Trước đây, dưới thời Mỹ ngụy, vì mục đích ban đầu chỉ để phục vụ cho việc chở vũ khí, khí tài từ quân cảng Tiên Sa vào thành phố nên cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng kiểu dã chiến, gồm 14 nhịp giàn thép có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, trong đó phần xe chạy rộng 8,5m và không có lề dành cho người đi bộ. Năm 1978, mặt cầu bằng gỗ được thay bằng kết cấu bê tông cốt thép. Năm 1996, chính quyền thành phố Đà Nẵng tiếp tục thay bê tông cốt thép bằng các tấm thép để giảm trọng lượng cây cầu, lớp mặt cầu rải bê tông nhựa dày 5cm.

Năm 2009, thành phố Đà Nẵng khởi công xây dựng cầu Rồng và Trần Thị Lý (mới) để phục vụ mục đích phát triển thành phố sang phía Đông. Kế hoạch là sẽ tháo dỡ 2 cầu Trần Thị Lý (cũ) và Nguyễn Văn Trỗi khi khánh thành cầu mới. Khi biết tin, nhiều nhà chuyên môn, giới trí thức, văn nghệ sĩ của thành phố có ý kiến về việc giữ lại và tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (người được chính quyền thành phố Đà Nẵng mời thiết kế dáng, tìm điểm nhấn trang trí cho cầu Rồng). Với nhiều người Đà Nẵng thì cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những kỷ vật thời chiến còn sót lại, nếu dỡ bỏ cây cầu thì thật tiếc. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng mong rằng, cây cầu sẽ được tôn tạo theo hướng trở thành sân khấu ánh sáng, hòa nhạc, là nơi bày, bán hàng đá Non Nước, mộc Kim Bồng... Cầu sẽ là nơi hội ngộ, hò hẹn với hò khoan đối đáp, hát bài chòi... Khi ấy, kỷ vật chiến tranh trở thành điểm nhấn hòa bình. Sau đó, khi biết nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có ý làm đơn gửi thành phố giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhiều nhà văn, trí thức cũng ký vào đơn tập thể. Chính quyền thành phố đã giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi làm cầu đi bộ nhưng ít ai biết rằng, cầu đã được cải tạo bằng cách nâng nhịp giữa nhằm mục đích phục vụ phát triển du lịch và để tàu cỡ lớn có thể đi qua cho tới khi có cơn bão số 5.

Nối đôi bờ giải phóng

Sau ngày thống nhất đất nước, thành phố Đà Nẵng có 2 cây cầu được xây dựng từ trước giải phóng là Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý. Năm 1997, Quảng Nam- Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng và cũng bắt đầu từ đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng mà người đứng đầu lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh đưa ra ý tưởng xây dựng cầu qua sông Hàn. Cầu Hàn được khởi công xây dựng ngày 2-9-1998 và khánh thành, đưa vào sử dụng đúng ngày kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3-2000. Như vậy, nếu tính từ khi thành phố Đà Nẵng trở thành “nhượng địa Tourane” (năm 1888) cho đến ngày có cây cầu hiện đại, bề thế nối đôi bờ sông Hàn này thì người dân nơi đây đã phải đợi mất 112 năm. Trong hơn một thế kỷ ấy, người dân hằng ngày phải qua lại trên sông bằng những chiếc đò ngang ọp ẹp và về sau này có thêm được chiếc phà máy nhỏ. Câu ví “Con gái quận 3 không bằng bà già quận 1” (hàm ý nói cô gái ở Sơn Trà có trẻ trung, xinh đẹp đến mấy cũng không “có giá” bằng bà già ở quận Hải Châu) cũng xuất phát từ việc cách trở đò ngang này.

Trước khi khởi công xây dựng cầu Hàn, nhiều người nghĩ rằng, ý tưởng xây cầu của chính quyền thành phố Đà Nẵng ngay sau khi tách tỉnh là nhiệm vụ bất khả thi bởi có quá nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí. Thế nhưng, lãnh đạo thành phố đã đưa ra quyết sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đó là kêu gọi toàn thể người dân trên thành phố đóng góp. Lúc ấy, cả thành phố Đà Nẵng diễn ra một không khí như những ngày “góp gạo nuôi quân đánh giặc”. Từ lãnh đạo, các Việt kiều, đến người nước ngoài sinh sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng hay những người buôn thúng bán bưng, ai cũng muốn góp phần. Tổng số tiền thu được 27,5 tỷ đồng. Cho đến giờ, nếu để ý, mọi người vẫn có thể nhìn thấy ngay chân cầu bờ Tây của cầu Hàn vẫn còn một tấm bảng lớn bằng đá ghi tên các tổ chức và cá nhân có đóng góp từ 10 triệu đồng trở lên để xây nên cây cầu hơn 100 tỉ đồng này. Đặc biệt hơn cả, cầu Hàn là cây cầu duy nhất ở Việt Nam có thể quay ngang để tàu bè đi lại trên sông. Sự độc đáo này khiến nhiều người khi đến thành phố đều mong muốn được 1 lần chứng kiến hoặc chụp 1 bức ảnh lưu niệm với cây cầu vốn được coi là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.

Sau cầu Hàn, thành phố Đà Nẵng tiếp tục xây dựng thêm các cây cầu ấn tượng như Thuận Phước hiên ngang bắc qua cửa biển; Trần Thị Lý với hình dáng con thuyền có cánh buồm no gió vươn ra Biển Đông; hay cầu Rồng độc đáo phun nước, phun lửa (ngày 30-4-2014, trong lễ trao Giải thưởng Kỹ thuật xuất sắc (EEA), Tại thủ đô Washington DC - Mỹ, Cầu Rồng là một trong 8 công trình và dự án xuất sắc nhất thế giới được vinh danh). Người ta chợt nhận ra rằng, những cây cầu ở thành phố Đà Nẵng không chỉ góp phần thuận lợi cho giao thông đô thị và phát triển kinh tế, mà còn là một biểu tượng văn hóa độc đáo của một thành phố nơi cửa biển. Và theo thời gian, những cây cầu ngày này qua tháng khác, lắng nghe nhịp đập cuộc sống để rồi đến 1 ngày lại mang sứ mệnh người kể chuyện về thành phố bên sông...

Nguyễn Hòa Bình

Bình luận

ZALO