Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Những câu chuyện khó quên ở tuyến đầu chống dịch

Biên phòng - Gần 1 tháng kể từ ngày thành phố Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19, cũng là khoảng thời gian những người lính Biên phòng Đà Nẵng căng mình thực hiện nhiệm vụ. Mọi nỗi niềm riêng đều gác lại, ở tuyến đầu trong “trận chiến” này, tất cả đều chung một ý chí: Quyết thắng đại dịch. Trong khó khăn, giữa những lo lắng mông lung, tình người, tình quân dân càng trở nên ấm áp, gắn bó.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đà Nẵng chuẩn bị vào ca trong khu cách ly ký túc xá phía Tây thành phố. Ảnh: Đỗ Văn Đông

Căng mình chống dịch

Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, bên cạnh lực lượng y tế, thì lực lượng Công an, Quân sự, BĐBP cũng được chính quyền thành phố Đà Nẵng huy động tham gia đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hậu cần cho các khu cách ly, chốt phòng, chống dịch trên khắp địa bàn thành phố. Với những người lính quân hàm xanh, ai cũng xác định, coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.

Trung tá Trần Văn Tuynh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Lộc cho biết: Hiện nay, Đồn Biên phòng Phú Lộc cử 22 đồng chí làm nhiệm vụ tại 3 khu cách ly gồm Đại học Sư phạm, Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng (cơ sở 2) và Lữ đoàn Công binh 28, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Bên cạnh đó, hàng ngày, 2 tổ công tác của đơn vị cũng phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tuần tra, kiểm soát, yêu cầu người dân không tụ tập, xuống biển tắm.

Quân số chủ yếu làm nhiệm vụ ở địa bàn, khu cách ly, thế nhưng, có thời gian rảnh, mọi người lại “nghĩ” ra việc để góp phần chống dịch. Trong 2 ngày 9 và 10-8, Đồn Biên phòng Phú Lộc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) trao 100 suất quà cho gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người bị bệnh tật, người già neo đơn trên địa bàn. Mỗi suất quà gồm các nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống hàng ngày: 10kg gạo, 1 thùng mì tôm, 1kg đường, dầu ăn, nước mắm. Nhớ đợt tháng 3-2020, cũng là Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Tây và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Lộc đã may 10.000 chiếc khẩu trang vải phát miễn phí cho người dân trên địa bàn. Để làm được việc ấy, những hội viên và cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã ngồi cắt, may, luồn dây chun đến 11, 12 giờ đêm. Hay như Đoàn thanh niên Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng và các cô giáo Trường Mầm non Bồ Công Anh tổ chức làm cả nghìn chiếc mũ chống giọt bắn, ủng hộ tại các khu cách ly, chốt phòng chống dịch.

Ở phía Nam thành phố, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, mà còn có nhiều việc làm ý nghĩa, nhân văn. Điển hình: Vào lúc 0 giờ 10 phút, ngày 5-8, khi đang trực tại chốt ở ngã 4, đường Trường Sa và Huyền Trân Công Chúa, Binh nhất Nguyễn Phương Nam phát hiện chị Nguyễn Thị Mai Quỳnh, là sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng bị tai nạn giao thông. Nguyễn Phương Nam đã nhanh chóng gọi cho quân y cùng kíp trực tại đơn vị. Sau khi được sơ cứu, khâu vết thương, chị Quỳnh đã được người thân đón về. Ai cũng nói chị Quỳnh thật may mắn khi được các anh Biên phòng giúp đỡ, bởi trong thời gian này, việc cấp cứu tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, dù phải tập trung, dồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhưng Đồn Biên phòng Non Nước vẫn luôn nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm. Vào lúc 22 giờ 5 phút, ngày 7-8, lực lượng BĐBP, Công an tại chốt kiểm dịch Covid-19 đường Trần Đại Nghĩa phát hiện Nguyễn Xuân Thao (trú tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) và Đặng Bảo Trình (trú tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) có biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra hành chính, lực lượng chức năng phát hiện 2 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tình người ở khu cách ly

Ngay cả khi UBND thành phố chưa ban hành lệnh cách ly xã hội toàn thành phố, Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện trực quân số 100%, triển khai công tác phòng dịch và tăng cường lực lượng khi địa phương yêu cầu. Những người lính Biên phòng đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, cả ở nơi có nguy cơ cao như các khu cách ly. Đáng khâm phục hơn cả là có cán bộ đã phải nén đau thương để làm nhiệm vụ.

Đó là trường hợp của Thiếu úy Ngô Quốc Vương (cán bộ Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Sơn Trà). Ngày 30-7-2020, anh nhận được tin cha mất. Đang là thời gian thực hiện cách ly xã hội, anh không thể về quê chịu tang cha. Nén đau thương, Thiếu úy Ngô Quốc Vương vẫn toàn tâm, toàn ý cho công việc. Là một trong những cán bộ xông xáo, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, anh luôn có mặt ở địa bàn, ở các chốt gác khi có yêu cầu. Anh cũng chủ động xung phong làm nhiệm vụ tại khu cách ly ở Trường Tiểu học Tiểu La khiến ai cũng cảm phục tinh thần làm việc của chàng sĩ quan trẻ.

Còn nhiều nữa, những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã để lại những ấn tượng, hình ảnh vô cùng tốt đẹp đối với những người trong khu cách ly. Điều đó được minh chứng bằng những “tâm thư” kèm trong những bức ký họa ngộ nghĩnh gửi các chú Biên phòng.

Đó là những lời xúc động như tìm được chỗ dựa giữa chông chênh, lo lắng của một “mẹ bầu”: “Với tâm lý của mẹ bầu, tôi rất hoang mang khi phải đi cách ly vì đã tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2. Tôi lo lắng không biết thế nào và mọi thứ được trả lời ngay sau khi đến khu cách ly phía Tây thành phố. Khi đến nơi, chúng tôi được đón tiếp rất nhiệt tình. Tình người, đó là điều quý giá hơn bất cứ thứ gì mà chúng tôi nhận được tại thời điểm này. Tôi gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới các anh BĐBP, đặc biệt là anh Trường, anh Sang. Chúng ta đều là những con người xa lạ, nhưng ở đây, với tất cả mọi người đều không có khoảng cách...”.

Hay những lời cảm ơn chân thành từ một lãnh đạo doanh nghiệp: “Qua thời gian gần 14 ngày sống trong khu cách ly, chúng tôi luôn nhận được sự phục vụ nhiệt tình, những cử chỉ thân thiện và rất tình người từ các chiến sĩ BĐBP. Các anh đã thể hiện được tinh thần và truyền thống rất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân phục vụ, rất ân cần, chu đáo với cách phục vụ từ trái tim tới các đồng nghiệp của chúng tôi, những người phụ nữ đang mang thai, những bà mẹ đang nuôi con nhỏ, tới những bạn thanh niên cần thêm khẩu phần ăn...”.

Và cả những lời đầy biết ơn, có phần ngưỡng mộ của các cô gái trẻ Võ Thùy Chi, Nguyễn Thị Thùy Quyên, Trần Trúc Quỳnh và Nguyễn Thị Trâm: “Có lẽ đây là trải nghiệm chưa bao giờ chúng em có được, lần đầu tiên được sống trong sự quan tâm, lo lắng từ các anh bộ đội, các y, bác sĩ - những con người nhiệt huyết, hy sinh, quên cả sự nguy hiểm, gia đình để chăm lo cho người dân... Thời gian ở đây là những kỷ niệm thật đẹp, mọi người đều rất tốt. Việt Nam nhất định chiến thắng dịch bệnh!...”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO