Biên phòng - Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Ải, BĐBP Nghệ An đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Qua đó, phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới.

Chúng tôi có dịp tham gia một chuyến tuần tra đường biên, cột mốc định kỳ do Đồn Biên phòng Mường Ải, BĐBP Nghệ An tổ chức. Lực lượng tuần tra, ngoài cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn có thành viên của tổ tự quản đường biên, cột mốc tại địa phương. Ở tuổi gần 70, nhưng từ ngày tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc, đảm nhận bảo vệ cột mốc biên giới số 415, già làng Xồng Vả Xô thường xuyên tham gia tuần tra cùng các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Ngoài ra, già làng Xồng Vả Xô luôn nhắc nhở con cháu trong bản phải chăm lo bảo vệ biên giới, nếu phát hiện các hành vi vi phạm, nhanh chóng báo với lực lượng Biên phòng để xử lý kịp thời.
Già làng Xồng Vả Xô chia sẻ: Ngày xưa, cột mốc biên giới không được đẹp như thế này, bây giờ được Nhà nước xây dựng đẹp và bề thế hơn. Già cảm thấy tự hào vì được cùng lực lượng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Ngày nào sức lực còn, già vẫn cố gắng tham gia đi tuần cùng các con cháu trong bản và BĐBP để bảo vệ nguyên vẹn đường biên, cột mốc.
Đồn Biên phòng Mường Ải quản lý địa bàn 2 xã Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn với gần 52km đường biên giới, địa hình hiểm trở, bà con hai bên biên giới thường làm nương rẫy ngay sát đường biên. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ biên giới; bà con tự nguyện tham gia vào các tổ tự quản đường biên, cột mốc, tự quản an ninh, trật tự thôn, bản. Từ năm 2006 đến nay, đơn vị đã thành lập và duy trì hoạt động 9 tổ tự quản đường biên, cột mốc và tổ tự quản an ninh, trật tự thôn, bản với gần 60 người tham gia.
Trung tá Vừ Bá Rê, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Ải cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đơn vị đã tổ chức thành lập các tổ tự quản đường biên, cột mốc, tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Thông qua đó, ý thức về chấp hành quy chế biên giới, các quy định của nhân dân, nhất là địa bàn các bản giáp biên giới đã đi vào hoạt động có nền nếp. Người dân đã chủ động cung cấp thông tin về các hành vi như khai thác lâm sản trái phép, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới... Đó là cơ sở để đồn Biên phòng làm công tác đấu tranh ngăn ngừa, răn đe các đối tượng.
Ngoài ra, hằng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân và Ngày truyền thống BĐBP, để góp phần động viên, khích lệ các tổ tự quản hoạt động tích cực, đơn vị tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ kết và khen thưởng kịp thời các tổ tự quản, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Cùng với cung cấp các thông tin có giá trị đến lực lượng chức năng, thành viên các tổ tự quản đường biên, cột mốc cũng đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bà con trong bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Hoạt động hiệu quả của các tổ tự quản đã góp phần giải quyết các vấn đề nổi cộm trong cuộc sống như nạn trộm cắp, mâu thuẫn giữa các dòng họ trong cộng đồng dân cư..., không để xảy ra mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các tổ tự quản đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống dịch và chống xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Ông Cụt Bá Nhâm, Chủ tịch UBND xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn cho biết, xã Mường Ải có 3 bản giáp với tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Ở các bản này, chính quyền xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Mường Ải thành lập mỗi bản 1 tổ tự quản gồm 7 người. Đây là lực lượng tại chỗ khi có tình huống đột xuất được huy động để bảo vệ an ninh, trật tự ở các thôn, bản tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân không phá rừng, không xâm phạm đường biên giới. Nếu thấy người lạ vào khu vực biên giới, kịp thời báo với chính quyền địa phương và BĐBP để xử lý.
Những người dân sống gần biên giới hiểu hơn ai hết sự thiêng liêng của vùng đất này. Họ trở thành những “cánh tay nối dài”, “cột mốc sống” giữa biên thùy, cùng với lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Hải Thượng