Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Những bức tranh là kỷ niệm vô giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Biên phòng - Từ lâu, nữ họa sĩ Văn Dương Thành đã nổi tiếng trong giới hội họa Việt Nam. Bà được biết tới là một trong những họa sĩ nữ tài năng của Châu Á, làm công tác giảng dạy hội họa tại Thụy Điển. Tuy nhiên, bà vẫn thường xuyên trở về Việt Nam sáng tác và triển lãm tranh. Những bức vẽ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của bà không chỉ bày tỏ lòng tôn kính với vị tướng huyền thoại, mà còn góp thêm một cách nhìn về vị Đại tướng của dân tộc Việt Nam.

Họa sĩ Văn Dương Thành tại buổi triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những giây phút đời thường” của bà. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh: Thanh Thuận

“Nàng thơ” trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Văn Dương Thành sinh ra tại Phú Yên, lớn lên ở Hà Nội. Cha của bà là nhà trí thức và cách mạng yêu nước. Khi bà còn bé, người cha được tổ chức điều ra Hà Nội hoạt động. Cả nhà bà cũng chuyển ra Hà Nội luôn. Những lúc cha vắng nhà đi công tác, cô bé Thành ở nhà một mình nên thường thơ thẩn lấy giấy bút ra tập vẽ. Trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ khi đó, bà cảm thấy hội họa thật diệu kỳ. Bà cứ một mình mày mò vẽ và yêu thích vẽ lúc nào không hay. Năm 1960, cha bà hi sinh, để lại vợ và còn nhỏ. Bà lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn vì thiếu vắng cha.

Trong một buổi học, tình cờ họa sĩ Diệp Minh Châu đến thăm lớp học của bà. Nghe cô giáo nói có cô bé Thành vẽ đẹp, họa sĩ Diệp Minh Châu đã đưa giấy bút cho Thành vẽ thử, rồi mang bản thảo ấy về cho Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (sau này đổi tên là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) xem. Ai ngờ, 1 năm sau, bà nhận được giấy báo đi học của trường. Lúc đó, bà mới 11 tuổi. Dù còn khá nhỏ, chưa được học căn bản về hội họa, trong khi đó, sinh viên của trường đều là những người có tên tuổi trong giới hội họa bấy giờ như Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị..., nhưng với sự quyết tâm của mình, chỉ 1 năm sau, bà đã thành thạo, làm chủ gam màu, nét bút trên tranh. Sau 12 năm học tập, bà tốt nghiệp loại xuất sắc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1982 - 1987, bà là cán bộ nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, Bộ Văn hóa Thông tin. Năm 1988, Văn Dương Thành trở thành giảng viên một trường tại Thụy Điển. Từ đó, bà định cư luôn tại đất nước này. Tuy nhiên, bà vẫn thường về Việt Nam dài ngày để sáng tác và mở triển lãm tranh.

Văn Dương Thành thành công từ rất sớm. Bức tranh sơn dầu “Hoa cúc trắng” vẽ khi bà 20 tuổi đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua và trưng bày trong bảo tàng. Tuy nhiên, người ta biết đến bà nhiều hơn khi bà trở thành người mẫu, “nàng thơ” trong nhiều tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái. Từ một sự gặp gỡ tình cờ với họa sĩ Bùi Xuân Phái mà bà dần trở thành người bạn thân thiết với gia đình họa sĩ. Lúc sinh thời, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ hơn 300 tác phẩm với nguồn cảm hứng sáng tác là Văn Dương Thành dù nhiều bức không có bà ngồi làm mẫu.

Được tiếp xúc, chứng kiến cảnh sống và vẽ trong khốn khó của họa sĩ Bùi Xuân Phái, bà càng cảm phục nghị lực, nhân cách, tài năng và tình yêu thương vô bờ của Bùi Xuân Phái với gia đình, bạn bè. Dù chưa một ngày được họa sĩ Bùi Xuân Phái trực tiếp dạy học, họa sĩ Văn Dương Thành luôn tôn kính, trân trọng ông như người thầy tinh thần. Mối thâm tình của bà với gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái vẫn được bà gìn giữ bền lâu ngay cả khi họa sĩ Bùi Xuân Phái qua đời. Vì lẽ đó, Văn Dương Thành đã vẽ rất nhiều tranh về họa sĩ Bùi Xuân Phái và tổ chức triển lãm “100 năm Bùi Xuân Phái, tranh Văn Dương Thành và thế hệ nối tiếp” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với 50 bức tranh của Văn Dương Thành, trong đó, có các bức chân dung Bùi Xuân Phái nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1920 - 2020).

Niềm cảm hứng vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là người anh Cả của QĐND Việt Nam đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Đại tướng đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác. Trong đó, họa sĩ Văn Dương Thành cũng đã nhiều lần vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà cũng đã tổ chức triển lãm tranh về Đại tướng. Ghé thăm căn nhà của bà tại Tây Hồ (Hà Nội), ấn tượng đầu tiên của tôi là khá nhiều tranh được trưng bày trong phòng. Tuy nhiên, ở những vị trí trang trọng là những bức vẽ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với họa sĩ Văn Dương Thành: “Đại tướng không chỉ là vị tướng vĩ đại của dân tộc, của thế giới, mà còn là một con người rất dung dị, gần gũi”.

Trong quá khứ, lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống, Văn Dương Thành có nhiều lần vinh dự được đến thăm nhà Đại tướng tại phố Hoàng Diệu. Những lần gặp gỡ ấy, bà không chỉ được trò chuyện, cùng ăn bữa cơm ấm cúng với gia đình Đại tướng mà còn được vẽ ông trong nhiều khoảnh khắc bình dị.

Với niềm tôn kính vị tướng huyền thoại, bà đã tranh thủ từng khoảnh khắc, nắm bắt thần thái của Đại tướng trong những lần gặp gỡ đó để thể hiện qua những bức tranh. Đó có thể là những bức chân dung trong lúc Đại tướng đang chơi đàn, hoặc trong lúc Đại tướng kể chuyện cho bà nghe... Tranh được kí họa bằng bút chì, bút mực, bút bi, màu nước, sơn dầu, với nhiều nhiều kích thước, từ nhỏ đến lớn. Họa sĩ Văn Dương Thành cho biết: “Khi vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi thường chú ý đến điểm đặc biệt ở Đại tướng là đôi mắt sáng quắc, mạnh mẽ, cương quyết, thông thái, vầng trán rộng, giống như đặc điểm thường thấy của nhiều bậc vĩ nhân trên thế giới. Ngoài ra, đôi môi Đại tướng lại mang nét tươi tắn, nhân văn, dịu dàng”.

Những bức tranh về Đại tướng sẽ là những kỉ niệm quý giá mà họa sĩ Văn Dương Thành không bao giờ quên được. Đó là dịp để bà thể hiện sự tôn kính của mình với vị tướng lỗi lạc của dân tộc. Trong thời gian sinh sống tại nước ngoài, bộ tranh đã được nữ họa sĩ lưu giữ cẩn thận, để sau này có một triển lãm tranh về Đại tướng. Họa sĩ Văn Dương Thành tâm niệm: “Mỗi bức tranh đều có ý nghĩa với tôi nhưng tranh vẽ bác Giáp, tôi trân trọng và yêu quý hơn cả. Tôi nghĩ, bộ sưu tập những khoảnh khắc đời thường của Đại tướng không chỉ thuộc về riêng tôi, mà thuộc về dân tộc Việt Nam. Tôi cảm thấy vinh dự vì được là cầu nối truyền tải những kỷ niệm về Đại tướng đến với toàn dân và đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Ngắm nhìn những bức chân dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người xem thấy được những khoảnh khắc hết sức bình dị, đời thường của vị tướng. Đó là tài sản mà họa sĩ Văn Dương Thành luôn trân trọng, lưu giữ trong gia tài hội họa của mình, cũng là tài sản vô giá mà nữ họa sĩ đóng góp cho hội họa Việt Nam.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO