Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 10:42 GMT+7

Những “Bông hồng thép” trong Chuyên án A2-1020.2

Biên phòng - Những tưởng cuộc chiến chống tội phạm ma túy, nhất là ở những “trận đấu” trên thực địa chỉ dành cho những nam trinh sát cao to, vạm vỡ như vẫn thường thấy trên phim ảnh. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trên mặt trận cam go, khốc liệt này còn có cả những bóng hồng mà hiệu quả không thua kém phái mạnh. Điển hình, trong Chuyên án A2-1020.2, Ban Chuyên án “biên chế” 1 tổ đánh án là nữ quân nhân Biên phòng. Sự đóng góp của những “bông hồng thép” trong chuyên án này thay cho vạn lời hay, ý đẹp trong Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.

Những “bông hồng thép” thực hiện nhiệm vụ trong Chuyên án A2-1020.2. Ảnh: Trúc Hà

Chuyên án A2-1020.2 do Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung (Đoàn 2), Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP xác lập vào những ngày đầu tháng 10-2020 nhằm triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy do 2 “nữ quái” sống ở thành phố Đà Nẵng điều hành. Sau nhiều ngày theo dõi, Ban Chuyên án xác định được 2 nữ quái có mặt ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An để “ăn hàng” nên Ban Chuyên án nhanh chóng phối hợp với BĐBP các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng để phá án.

Đại úy Đoàn Thị Thanh Trâm, nhân viên của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Bình được giao nhiệm vụ “bám” theo đối tượng từ Quảng Bình vào thành phố Đà Nẵng. Biết chuyện của Đại úy Đoàn Thị Thanh Trâm, nhiều người rất nể phục. Làm việc lâu năm với những người đồng nghiệp nam, chị lúc nào cũng nhẹ nhàng từ hành động đến lời nói và tự quan sát để học hỏi kỹ năng, nghiệp vụ. Đối với Đại úy Đoàn Thị Thanh Trâm thì khó khăn cũng chính là thuận lợi. Chồng của chị cũng là cán bộ BĐBP đang công tác ở biên giới, bởi vậy, anh rất hiểu và ủng hộ vợ. Bố mẹ thấy con trai hay xa nhà thì càng thương, giúp đỡ con dâu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi vậy mà dù ở Quảng Bình đang mưa lũ, chồng xa nhà, con nhỏ, nhưng chỉ sau 30 phút nhận lệnh, chị đã có mặt lên đường.

Khi xe khách chở 2 nữ quái đến địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng phòng chống ma túy BĐBP Thừa Thiên Huế cũng “nhập cuộc”. Trong số cán bộ tham gia đánh án lần này có Thiếu tá Nguyễn Thu Hiền. Dù chỉ là nhân viên Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Thừa Thiên Huế, nhưng từ lâu, chị vẫn được gọi là “cô gái vàng” vì thường xuyên cùng anh em thâm nhập địa bàn, trực tiếp đánh án. Thời gian này, cả thành phố Huế vẫn chìm trong biển nước, nhà chị cũng bị ngập sâu. Chồng của Thiếu tá Nguyễn Thu Hiền công tác trong lực lượng vũ trang nên rất hiểu công việc của vợ, chính anh là người động viên chị cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ. Anh bảo, anh yêu chị cũng vì thương và “nể” chị dám dấn thân vào công việc đầy nguy hiểm là đấu tranh với tội phạm ma túy. Được gia đình ủng hộ nên dù đã dẫn giải được 2 nữ quái về đồn, chị vẫn không về trước lo việc nhà còn ngổn ngang trăm thứ mà ở lại cho tới khi có lệnh rút quân.

Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, nhân viên Phòng Chính trị, BĐBP thành phố Đà Nẵng là người nhiều tuổi nhất nên là “chị cả” để phân công nhiệm vụ. Khi biết hoàn cảnh gia đình của Đại úy Thanh Trâm và Thiếu tá Nguyễn Thu Hiền, chị đã động viên các cán bộ nữ của BĐBP thành phố Đà Nẵng “nhận” công việc còn lại để đồng đội của mình có thể trở về ngay trong đêm. Nhiều người ấn tượng với sự dịu dàng mà hiệu quả của Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đối với 2 đối tượng trong Chuyên án A2-1020.2. Ban đầu, cả 2 đều rất ngoan cố, một mực kêu oan, chị vẫn lắng nghe rất chăm chú, chia sẻ. Nhìn 2 đối tượng đầu tóc xõa xượi vì đi xe khách đường xa, chị đã đề nghị với Ban Chuyên án để chị em được gội đầu cho cả 2 để “tinh thần thoải mái, minh mẫn trả lời các câu hỏi của cán bộ”. Khi khám xét chỗ ở, cũng chính tay chị lựa chọn quần áo cho 2 đối tượng để mặc trong những ngày bị tạm giam với câu nói rất tâm lý: “Dù ở đâu, phụ nữ mình cứ nên đàng hoàng và lúc nào cũng phải đẹp, em ạ”. Cũng từ lúc ấy, 2 đối tượng thường khóc nức nở mỗi khi chị động viên và khai báo thành khẩn.

Những việc làm của Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh khiến tôi nhớ tới Đại úy Nguyễn Thị Hồng Cẩm, nhân viên của Đoàn 2. Tháng 9-2019, Đoàn 2 phối hợp với BĐBP Quảng Trị bắt Bùi Thị Thủy trong đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Điều phức tạp là khi phạm tội, Bùi Thị Thủy mang theo con gái nhỏ vừa tròn 1 tuổi. Không thể để cháu bé ngồi cùng với Bùi Thị Thủy khi các sĩ quan điều tra lấy lời khai nên chị nhận trách nhiệm trông. Thế nhưng, đứa trẻ bện hơi mẹ cứ khóc ngằn ngặt nên dù mỏi tay rã rời, chị vẫn cứ phải bế rong từ tầng 1 lên tầng 2, đi ra sân, ra vườn. Rồi những khi đến phiên trực gác, chị lại nhỏ to, động viên Bùi Thị Thủy khai báo thành thật với cơ quan điều tra để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Có lẽ, cảm động vì thấy chị chăm sóc con mình và hiểu rằng không thể chối tội, Bùi Thị Thủy đã thành khẩn khai nhận. Vì được “tôi luyện” thường xuyên nên trong Chuyên án A2-1020.2, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Cẩm đã hỗ trợ rất nhiều cho đồng đội khám xét, kiểm thể, lấy lời khai đối tượng.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến “bông hồng thép” Đặng Thị Thúy Vân, kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng. Lần nào cũng thế, ngay khi nhận được đề nghị hỗ trợ của Đoàn 2, chị đều nhanh chóng có mặt để giám sát và hỗ trợ thủ tục tố tụng. Chị dành thời gian ngồi cùng cán bộ Biên phòng lấy lời khai và cũng chỉ rõ cho đối tượng về trách nhiệm cũng như quyền lợi trong việc thành khẩn khai báo. Những lời nói rất chân thành nhưng với sự nghiêm túc cao độ, chị đã khiến các đối tượng hiểu rõ được vấn đề mình đang đối diện để khai nhận trung thực. Chị bảo, chị rất vui khi làm việc với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 2, bởi đó là những trinh sát toàn năng trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy.

Kiểm sát viên Đặng Thị Thúy Vân (bên trái) hỗ trợ cán bộ Biên phòng lấy lời khai đối tượng bị bắt trong Chuyên án A2-1020.2. Ảnh: Trúc Hà

Và xin tạm kết bằng câu chuyện của Trung úy Lê Thị Minh Hiền, nhân viên văn thư của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng - nữ cán bộ trẻ nhất tham gia Chuyên án A2-1020.2. Chưa từng tham gia đánh án bao giờ nên nhiều người lo cho Hiền lắm. Thế nhưng, như đã “có nghề”, Hiền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hỏi ra mới biết, cha của Hiền là Đại tá Lê Văn Hạnh có nhiều năm làm công tác phòng, chống tội phạm, nguyên là Đoàn trưởng Đoàn 2. Với Hiền, lần này là “trải nghiệm” công việc của cha mình - việc mà ông thường chia sẻ với con gái. Thừa hưởng được “bản lĩnh” từ cha chính là “bí kíp” để nữ Trung úy sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dù biết phía trước có thể là hiểm nguy.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO