Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 03:14 GMT+7

Những bố nuôi Biên phòng trên đỉnh Trường Sơn (bài 2)

Biên phòng - Nhiều năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu trên đỉnh Trường Sơn bạt ngàn nắng gió còn nhiều khó khăn, vất vả. Không ít gia đình vì hoàn cảnh neo đơn, phải lo gánh nặng miếng cơm manh áo nên đành để con bỏ học, để các em tạm gác lại ước mơ đến trường bên những ngọn đồi, ruộng nương xa tắp.

Bài 1: Đổi thay phận người

Bài 2: Chắp cánh ước mơ xanh

Mô hình “con nuôi đồn Biên phòng” được Bộ Tư lệnh BĐBP phát động từ tháng 6-2019. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, đã có 177 đồn Biên phòng thuộc 30 bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố tham gia và nhận nuôi 355 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 258 cháu được nuôi tại đồn và 241 cháu là người dân tộc thiểu số). Thông qua mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, những người lính BĐBP đã chắp cánh ước mơ đến trường cho những học trò nghèo miền biên viễn. Không những thế, chính các anh đã góp phần cải thiện dân trí, nâng cao đời sống tri thức của đồng bào các dân tộc ở địa bàn biên giới, biển đảo thông qua những “mầm xanh tương lai”.

Cán bộ Đồn Biên phòng La Êê đọc sách, kể chuyện cho 2 con nuôi của đơn vị là Pơ Loong Chuyển và A Lăng Xuân. Ảnh: Hoàng Anh

Xứng đáng là những “chiến sĩ nhí”

Cứ 5 giờ sáng hằng ngày, A Lăng Chi và Zơ Râm Dũng nghe tiếng kẻng báo thức là bật dậy, cùng các chú bộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, BĐBP Quảng Nam tập thể dục. Các chế độ ăn, ngủ, nghỉ của bộ đội giờ đây đã được 2 em thực hiện thành thục theo đúng tác phong quân nhân. Ngày mới về đơn vị, 2 cậu bé còn non nớt, lơ ngơ chưa biết cách gấp chăn màn, chưa có thói quen quét nhà mỗi buổi sáng. Các bố nuôi thấy vậy không la mắng mà nhẹ nhàng chỉ dạy cho chúng từng ly từng tý. Bây giờ, Chi và Dũng được bố trí một phòng riêng, có góc học tập, có các đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Hai em còn phân công nhau trực nhật mỗi ngày. Hai em cũng học cách sống tự lập và tác phong sinh hoạt của bộ đội, ăn xong thì tự rửa chén bát của mình và tự giặt quần áo.

A Lăng Chi tâm sự: “Ngày trước, em ở nhà với mẹ, chỉ biết đi học về rồi giúp mẹ lên nương hay đi chăn trâu, chăn bò thôi chứ chưa biết làm việc gì. Bây giờ, về đồn Biên phòng, em được các bố nuôi dạy cho cách ăn ở gọn gàng, hợp vệ sinh, không được quăng vứt đồ bừa bãi, học cách gấp chăn màn vuông vức. Chiều chiều, em còn theo bố Thức đi đánh bóng chuyền nữa, vui lắm!”. Còn Zơ Râm Dũng thì cho biết: “Lúc mới về đồn, em còn chưa biết sử dụng nhà vệ sinh, bình nước nóng lạnh để tắm như thế nào, vì những thứ đó đối với gia đình nghèo như em còn xa lạ lắm. Thấy vậy, các chú bộ đội đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cho em và A Lăng Chi. Bây giờ, em đã quen với tác phong sinh hoạt ở đây rồi”.

Ở Đồn Biên phòng La Êê, hai con nuôi của đơn vị là Pơ Loong Chuyển và A Lăng Xuân cũng đã làm quen rất nhanh với “ngôi nhà mới”. Thượng úy Zơ Râm Nghép kể: “Những ngày đầu, do còn nhút nhát, lại quen với nếp sống cũ của gia đình nên 2 con chưa biết chào hỏi mỗi khi đi về. Rồi có lần nhớ nhà, 2 con cũng không xin phép Ban Chỉ huy mà lặng lẽ rủ nhau trốn khỏi đơn vị. Nhưng bây giờ, trải qua thời gian cùng ăn ở, rèn luyện với các chú bộ đội, các con đã biết chào hỏi lễ phép. Muốn đi đâu chơi hay về thăm nhà đều xin phép, các chú đồng ý thì mới được đi”.

Không phụ lòng những người bố nuôi, từ ngày về đơn vị, Chuyển và Xuân đã hòa nhập rất nhanh với cuộc sống của quân nhân và chăm ngoan, học tốt. A Lăng Xuân sung sướng kể: “Ở đồn Biên phòng, bố nào cũng đều thương yêu em. Chúng em được ăn ngon, mặc đẹp và được học nhiều điều hay từ các chú bộ đội”. Quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các bố đã giúp hai con nuôi “thay da đổi thịt” lên trông thấy, không còn là những cậu bé gầy guộc, khẳng khiu, mà giờ đây, đều đã biết vệ sinh cá nhân, tự giặt quần áo và có thể gấp chăn màn gọn gàng, vuông vức như chiếc bánh chưng của bộ đội.

Ươm những mầm xanh

Pơ Lăng Chuyển ngậm ngùi nói với tôi: “Nếu không được các chú Đồn Biên phòng La Êê nuôi dưỡng, chắc giờ này em đã phải nghỉ học, trở thành nhân lực chính của gia đình với những công việc như lên nương rẫy, quán xuyến nhà cửa... Em rất biết ơn các chú BĐBP đã cho em có một mái ấm thứ hai, chăm sóc và nuôi dưỡng em trưởng thành. Nhà em nghèo, hoàn cảnh lại neo đơn. Bố em mất đã 3 năm, mẹ đi lấy chồng, em ở với ông bà ngoại năm nay hơn 70 tuổi.

Ngày em tạm biệt ông bà để lên đồn Biên phòng, ông bà khóc ròng vì mừng vui. Ông bà bảo: Ông bà già rồi, như ngọn đèn trước gió, không biết khi nào tắt. Có các chú bộ đội chăm lo cho em, ông bà có chết cũng mãn nguyện rồi. Giờ, em chỉ mong mình học thật nhanh, trở thành người lính Biên phòng trong tương lai để trở về chăm sóc, báo hiếu cho ông bà”- Chuyển nói trong nghẹn ngào.

Phóng viên Báo Biên phòng trao đổi với Ông Rơ Zâm Huấn, Chủ tịch UBND xã kiêm Bí thư Đảng ủy xã La Êê về hiệu quả của mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: Hoàng Anh

Mỗi tối, bên ngọn đèn điện sáng trưng, Trung tá Rơ Zâm Thức, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang lại đi kiểm tra, đôn đốc 2 con nuôi học bài. Ngoài thời gian dạy các con nuôi học tập, anh lại hỏi han, trò chuyện, vẽ nên những ước mơ cho 2 cậu bé người dân tộc Cơ Tu, mong muốn sau này các em lớn khôn, trưởng thành, trở về xây dựng quê hương.

Ông Rơ Zâm Huấn, Chủ tịch UBND xã kiêm Bí thư Đảng ủy xã La Êê cho biết: “Thời gian qua, cùng với hoạt động giúp đỡ người dân vùng biên phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn biên giới, Đồn Biên phòng La Êê còn thực hiện hiệu quả mô hình “con nuôi đồn Biên phòng”. Hoạt động này đã góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Các chiến sĩ Biên phòng đã xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc nơi biên giới từ chính những việc làm cụ thể, thiết thực, làm ấm lòng đồng bào miền biên viễn”.

Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP Quảng Nam khẳng định: “Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP về thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai đến tất cả các đơn vị cơ sở. Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là mô hình tiếp sức, nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh nghèo vùng biên giới. Đến nay, các đơn vị trên 2 tuyến biên giới của tỉnh đã nhận nuôi 10 em tại các đồn Biên phòng. Thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo để nhân rộng mô hình này ra tất cả các đơn vị trên 2 tuyến biên giới và biển đảo của tỉnh”.

Lê Thị Thu Hà

Bình luận

ZALO