Biên phòng - Trong thời gian qua, tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay. Trong số người này có không ít trường hợp bị quỵt lương, bóc lột, chiếm đoạt tài sản; thậm chí bị các cơ quan chức năng của Trung Quốc bắt giữ, xử phạt và giam giữ, vì không chấp hành đầy đủ các quy định về xuất nhập cảnh.
![]() |
Lực lượng chức năng Quảng Tây, Trung Quốc trao trả 55 công dân Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị vào ngày 6-3-2014. |
Những người dân "bỏ làng, bỏ quê hương" đi tìm sự đổi đời bằng cách vượt biên trái phép đi làm thuê ở Trung Quốc chủ yếu thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc và một số huyện miền núi thuộc các tỉnh Bắc miền Trung, như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Thậm chí còn có cả một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng BĐBP 7 tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung, chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, các đơn vị này đã tiếp nhận hơn 300 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép qua Trung Quốc làm thuê được các lực lượng chức năng của Trung Quốc trao trả, trong số này chủ yếu là nông dân, người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa... Mới đây nhất là vụ 55 công dân Việt Nam vừa được các lực lượng chức năng Quảng Tây, Trung Quốc trao trả qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị do nhập cảnh trái phép.
Cụ thể, ngày 6-3-2014, Đồn BPCK Quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn đã tổ chức tiếp nhận từ lực lượng BĐBP Quảng Tây, Trung Quốc 55 công dân Việt Nam vi phạm quy chế xuất, nhập cảnh. Số người này đều là công dân của tỉnh Lạng Sơn có hộ khẩu thường trú tại các huyện Hữu Lũng, Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc và TP Lạng Sơn. Do thiếu việc làm, họ đã rủ nhau đi theo nhóm từ 5 đến 15 người, vượt biên trái phép theo các lối mòn, đường tắt biên giới để sang Trung Quốc chặt mía thuê. Đang trên đường đi thì bị các cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ vì không có giấy tờ hợp pháp. Do vi phạm quy chế xuất nhập cảnh nên họ bị các cơ quan chức năng phía Trung Quốc bắt giữ từ ngày 7-2-2014, đã xử phạt và trao trả về Việt Nam sau 27 ngày bị tạm giam. Đây chỉ là một trong 7 đợt người Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt trao trả lại do vi phạm quy chế xuất nhập cảnh từ đầu năm 2014 đến nay được BĐBP Lạng Sơn tiếp nhận.
Tương tự như trường hợp 55 công dân của tỉnh Lạng Sơn, gần 20 người dân ở bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục, huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm, nhưng lại không may mắn được phía Trung Quốc trao trả về Việt Nam. Đã hơn một tháng nay, họ vẫn chưa liên lạc về nhà. Theo người dân ở đây phản ánh, từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, có người vào bản Hồng Thắng rủ nam, nữ thanh niên khỏe mạnh sang Trung Quốc làm việc, lương cao. Gần 20 người dân, trong đó có nhiều cặp vợ chồng gửi con cho người thân rồi cùng đi làm mà không có hợp đồng lao động. Bà Lô Thị Hương, Hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Hồng Thắng, cho biết: "Khi tôi đang đi làm trong rẫy thì con trai của tôi điện thoại nói sẽ theo người ta đi sang Trung Quốc làm ăn. Tôi chạy về ngăn thì con đã đi rồi. Từ ngày đi đến nay đã hơn một tháng, nhưng không thấy con tôi và mọi người trong bản liên lạc về nhà, chúng tôi rất lo lắng". Cùng hoàn cảnh, bà Vy Thị Ly nói: "Con trai và con dâu tôi để lại đứa con đầu lòng mới một tuổi cho ông bà rồi theo người ta sang Trung Quốc kiếm tiền. Cả tháng nay vẫn chưa thấy chúng nó điện về". Chủ tịch xã Đôn Phục, ông Lang Vy Đức cho rằng: "Người dân tự đi không qua chính quyền xã nên chúng tôi không nắm được số liệu cụ thể. Người đưa dân đi cũng không thông qua chính quyền địa phương. Ngay chính con của Bí thư chi bộ bản Hồng Thắng cũng đi theo". Trước đó, từ năm 2010 đến 2013, xã Đôn Phục từng nhức nhối vì nạn buôn bán người và trẻ em. Đã có hàng chục phụ nữ bị mất tích, nghi là bị lừa bán ra nước ngoài. Năm 2013, có tới 8 kẻ cùng quê ở xã Đôn Phục bị bắt vì tội mua bán người.
Đừng để "tiền mất, tật mang"
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của những người nông dân thật thà, chất phác và bà con dân tộc thiểu số, những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, kể cả những thanh, thiếu niên thiếu hiểu biết về pháp luật... một số đối tượng xấu đã thành lập các đường dây "ma" núp bóng xuất khẩu lao động để lừa đảo. Một viễn cảnh "công việc nhẹ nhàng, ổn định và lương cao" ở đâu không thấy, ngược lại, cuộc sống của họ thêm khốn khó bởi những món nợ đeo đẳng trên vai, do những kẻ lừa đảo trong đường dây "lừa" xuất khẩu lao động sang Trung Quốc. Nhiều gia đình lâm vào cảnh "tiền mất, tật mang", cuộc sống vốn đã khó khăn giờ đây càng khó khăn hơn. Tiêu biểu như chị Hoàng Thị Thơ, ở xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, có chồng mất sớm, một mình nuôi mẹ già, con nhỏ. Cuộc sống quá thiếu thốn, chị Thơ nghe theo lời bạn bè gom tiền cho chủ môi giới rồi đi sang Trung Quốc làm ăn. Làm việc được 7 tháng, chị trốn về, nhưng bị cơ quan chức năng bên Trung Quốc bắt giữ. Toàn bộ số tiền vất vả làm được bị thu giữ, người nhà chị còn phải gửi sang 17 triệu đồng tiền chuộc chị về. Trường hợp của anh Lê Ngọc Thành, ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, sang Trung Quốc làm thuê, phải làm việc suốt ngày đêm, ăn uống thiếu thốn, chịu đựng không nổi, anh cùng mọi người trốn về Việt Nam. Vừa mất tiền cho người môi giới, vừa không nhận được một đồng tiền lương nào của chủ...
Qua trao đổi với một số người từng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, chúng tôi được biết, họ đã nhiều lần vượt biên sang Trung Quốc để làm thuê vì ở địa phương thiếu việc làm. Thời gian họ đi thường tập trung vào những lúc nông nhàn và dịp cuối năm để có thêm thu nhập. Song, tiền công được trả không ổn định và rất hay bị các ông chủ quỵt tiền công, bị đối xử tệ bạc. Công việc tại bên kia chủ yếu là lao động phổ thông như: Phụ xây, làm gạch, phát nương, làm rẫy, cấy lúa, chặt mía, thu hái nông sản, đào, đãi vàng... Nhiều người trong quá trình làm thuê không có giấy tờ hợp pháp nên đã bị lực lượng chức năng Trung Quốc đuổi về nước hoặc bị nộp phạt, bắt giữ và đẩy về theo các lối mòn biên giới. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã bị tai nạn hoặc tử vong trên đất Trung Quốc mà không hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng hay doanh nghiệp mà mình đang lao động. Mặc dù điều kiện sinh hoạt, ăn uống kham khổ, lao động cực nhọc và hàng loạt nguy cơ rình rập khác, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để sang Trung Quốc làm thuê trái phép.
Chị Vương Thị Đẹo, trú tại xóm Lũng Tàn, xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng khi lao động trái phép tại Trung Quốc đã bị tai nạn, chấn thương nặng vùng xương chậu, hiện nay không ngồi dậy được, mọi sinh hoạt khác đều phải nhờ người thân trong gia đình. Chị nói trong nước mắt: "Tôi sang Trung Quốc làm thuê từ cuối tháng 3-2013. Công việc của chúng tôi là trồng mía và chặt mía, sau khi làm được hơn 10 ngày thì ông chủ bảo lấy xe đi lấy giống mía về trồng, trên xe có 4 chị em người Việt Nam. Khi xe đi được một đoạn thì lao xuống dốc, đâm vào một gốc cây và tôi bị xe kẹp ngất đi, được mấy chị em và ông chủ đưa vào bệnh viện cấp cứu, điều trị 6 ngày, đến ngày thứ 7, họ cho ra viện. Ông chủ đưa tôi đến biên giới và cho một ít tiền. Từ lúc bị tai nạn đến giờ đã hơn 4 tháng rồi, nhưng tôi vẫn chưa đi lại được. Tôi khuyên mọi người đừng sang Trung Quốc làm thuê, vì không được nhiều tiền như họ nói đâu".
Nhu cầu tìm việc làm tạo thu nhập là hết sức chính đáng, nhất là với đồng bào vùng nông thôn, miền núi còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và quy chế bảo vệ biên giới. Đặc biệt, đến thời điểm này, giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc chưa có hiệp định song phương về vấn đề xuất, nhập khẩu lao động, công dân Việt Nam chỉ được phép nhập cảnh vào Trung Quốc để hoạt động thương mại, du lịch, học tập, thăm thân, chữa bệnh... Vì vậy, các trường hợp nhập cảnh vào Trung Quốc để lao động đều là sai mục đích. Nhân dân cần thực hiện tốt các quy định về xuất nhập cảnh khi ra nước ngoài, để tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc.