Biên phòng - Chúng tôi đi dọc các xã Sủng Là, Phố Là, Phố Cáo (huyện Đồng Văn, Hà Giang) thỉnh thoảng bắt gặp những ngôi nhà xây 2-3 tầng khang trang, cửa khóa im ỉm. Hỏi ra mới biết, chủ nhân của những ngôi nhà đó hiện đang đi làm thuê bên Trung Quốc. Điều đáng nói là hầu hết những người này đều vượt biên sang Trung Quốc để “lao động chui”.

Có thu nhập nhưng...
Tính từ đầu năm đến tháng 10-2017, số công dân trên địa bàn các xã Phố Cáo, Phố Là, Sủng Là, Sà Phìn và thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn sang Trung Quốc làm thuê là 1.267 người, chủ yếu là nam giới (917 người). Đáng chú ý, hầu hết số người sang Trung Quốc làm làm thuê bằng con đường vượt biên trái phép qua biên giới. So với năm trước, số người đi lao động bất hợp pháp tăng lên rõ rệt cả về tổng số người (năm 2016 có 1.071 người).
Theo Thiếu tá Đàm Đức Thuyên, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn BP Phó Bảng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng người dân trên địa bàn do đơn vị quản lý vượt biên qua biên giới đi làm thuê là để có thêm thu nhập. Thực tế, dù được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng đời sống của nhân dân trên địa bàn vẫn còn rất nhiều khó khăn, thu nhập thấp, thiếu ổn định, tỉ lệ đói nghèo cao. Để tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống, tranh thủ thời gian nông nhàn, nhân dân các xã biên giới và cả các xã trong nội địa lợi dụng đường biên giới “mở” vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Mặt khác, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà kiên cố, triển khai các dự án phát triển nông, lâm nghiệp như trồng cây sa mộc, chuối, óc chó, dứa, tam thất... và trả tiền công lao động cao hơn so với Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng sang Trung Quốc lao động “chui” đang dẫn tới những tác động tiêu cực trong đời sống văn hóa, xã hội, an ninh trật tự ở các cộng đồng dân cư vùng giáp biên. Đầu tiên là phải kể đến những tác động về văn hóa, lối sống thể hiện ở việc xây dựng nhà ở. Những ngôi nhà mới xây của người lao động “chui” đều mang dáng dấp kiến trúc nhà ở của người Trung Quốc, từ vật liệu tới các họa tiết trang trí, câu đối, lá bùa trấn yểm dán ngoài cửa.
Chỉ cho chúng tôi một ngôi nhà 2 tầng mới xây, ông Thào Mí Rình, Phó Bí thư Thường trực xã Phố Là cho biết: “Lá bùa dán ngoài cửa là của thầy Trung Quốc để chống tà ma. Trong quá trình xây dựng nhà, gia chủ còn mời thầy cúng người Trung Quốc về nhà thực hiện tất cả các nghi lễ cần có. Lối sống của những người đi làm thuê bên Trung Quốc cũng có những sự thay đổi nhất định. “Có tiền trong tay, họ hay nhậu nhẹt, uống rượu nhiều hơn” – Ông Rình cho biết thêm.
... Được ít, mất nhiều
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Đàm Đức Thuyên cho biết thêm: “Thực trạng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê nóng nhất là vào năm 2014. Cho đến nay, tình trạng này có giảm nhưng vẫn gây nhiều khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ biên giới của đơn vị. Bên cạnh đó, thực trạng lao động “chui” cũng tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, rõ nhất là gây mất an ninh trật tự”.
Theo Thiếu tá Thuyên, người lao động thường sang Trung Quốc làm thuê 1-2 tháng, thậm chí cả năm mới về nhà mang theo tất cả số tiền lương tích lũy được. Tuy nhiên, không phải tất cả các lao động đều mang tiền về được đến nhà. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ trấn cướp tiền của người lao động trên biên giới. Thậm chí, chủ lao động còn dùng mọi mánh khóe để thu lại tiền công đã trả, quỵt tiền công, đánh đập, ngược đãi người lao động. Không ít lao động bị tai nạn lao động tàn tật suốt đời hoặc chết mà không được bồi thường.
“Không chỉ vậy, thực trạng người lao động sang làm việc trái phép tại Trung Quốc còn gây khó khăn cho công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, an ninh trật tự trên địa bàn và khó khăn cho công tác đối ngoại khi xảy ra các trường hợp người Việt Nam sang Trung Quốc lao động bị tai nạn, bị chết” – Thiếu tá Thuyên cho biết thêm - “Qua công tác trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng, tình hình trên địa bàn biên giới và các xã nội địa tội phạm trộm cắp tài sản đang có xu hướng tăng và trong đó gần như 100% các vụ phạm tội trộm cắp đều là các đối tượng đã và đang đi làm thuê tại Trung Quốc”.
Ông Mua Sè Sính, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là phân tích: “Rất nhiều trường hợp bố mẹ đi làm thuê bên Trung Quốc để con ở nhà với ông bà hoặc các con tự chăm sóc lẫn nhau. Họ không quan tâm con học hành thế nào, không lường trước được những rủi ro có thể xảy đến với con cái họ khi không được bố mẹ bảo vệ, chăm sóc. Có người mang theo con sang Trung Quốc dẫn tới việc học tập của con bị đứt đoạn, ảnh hưởng lớn đến tương lai của trẻ”.
Giải quyết tình trạng lao động “chui” khiến cho không chỉ những cán bộ Đồn BP Phó Bảng, mà còn cả chính quyền địa phương phải đau đầu do nhận thức của người dân còn hạn chế dù đã được tuyên truyền tập trung và cả cá biệt. “Trong năm, chúng tôi tiếp nhận 136 người lao động trái phép do Trung Quốc trao trả. Có những người vừa được trao trả hôm trước, hôm sau lại xuất hiện trong danh sách nước bạn trao trả tiếp” – Thiếu tá Thuyên nói.
Để giảm thiểu tình trạng người dân vượt biên sang Trung Quốc lao động tự do, Đồn BP Phó Bảng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Đồn BP Phó Bảng cũng chủ động quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, thống nhất biện pháp xử lý, đồng thời, phối hợp quản lý, kiểm soát người lao động sang Trung Quốc làm thuê trên địa bàn đơn vị phụ trách”.
Xuân Hương