Biên phòng - Bất chấp cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng, không ít người dân trên địa bàn ven biển tỉnh Thanh Hóa vẫn tin vào lời nói ngon ngọt của các đối tượng "cò" để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, mong cơ hội đổi đời. Không ít người trong số họ đã phải trả giá đắt.
Bài học nhớ đời
Gần đây, do đời sống khó khăn, thiếu việc làm ổn định, thiếu cả sự hiểu biết pháp luật, một số người dân ở các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa đã "nhắm mắt đưa chân" xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê mong có cơ hội đổi đời. Đổi đời đâu chưa thấy, nhưng lao động "chui" nơi xứ người luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường hết được. Nếu bị lực lượng chức năng Trung Quốc phát hiện, bắt giữ thì coi như công sức lao động cật lực bao nhiêu tháng trời đổ sông, đổ biển, đấy còn chưa kể đến vấn nạn trộm cướp, trấn lột, tai nạn lao động luôn rình rập đe dọa. Đặc biệt, đối với phụ nữ dễ trở thành mục tiêu của bọn buôn người, hoặc nhiều thanh thiếu niên sau khi lao động tại Trung Quốc trở về vướng vào các tệ nạn xã hội.
Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đa Lộc, BĐBP Thanh Hóa, chúng tôi về xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, dạo quanh các thôn, xóm đìu hiu, vắng vẻ. Khi hỏi chuyện, những người cao niên trong làng cho biết, hầu hết bố mẹ bọn nhỏ đi làm ăn xa, có nhiều trường hợp phải sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình.
Trong câu chuyện với ông Thành ở xã Hưng Lộc, chúng tôi được biết, thanh niên trong độ tuổi lao động của thôn hầu như đều ra các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... kiếm sống, có người còn đi lao động "chui" ở nước ngoài. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, phong trào xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê nở rộ, nhiều thanh niên đi làm thuê một năm hoặc vài năm mới về một lần. Hầu hết những người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động “chui” đều thuộc diện nghèo khó, không có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ khi trở về thường trắng tay, thậm chí thêm nợ nần và mất tiền môi giới, trong khi lương chưa kịp lĩnh đã bị Công an Trung Quốc bắt giam và phạt tiền.
Anh Nguyễn Văn Thành, một nạn nhân ở xã Hưng Lộc, kể lại: nhờ người quen môi giới, nửa đêm anh lận đật theo chân người dẫn đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động chui với hy vọng có thể đổi đời. Nhưng tiền đâu chẳng thấy, vừa qua đất Việt Nam chưa xa anh đã bị Công an Trung Quốc truy đuổi và bị bắt tạm giam: "Nghe theo lời người môi giới, tôi đi vay được 5 triệu đồng để đưa cho anh ta, hy vọng sang Trung Quốc chịu khó lao động, kiếm ít vốn về quê làm ăn. Ai ngờ, vừa sang tới nơi đã bị Công an Trung Quốc vây bắt và giam tới 30 ngày mới được thả về nước. Bây giờ tiền không có, việc làm cũng không, lại thêm gánh nặng nợ nần, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh nghèo khó".
Tại địa phương này, tôi còn gặp nhiều người cùng cảnh ngộ giống anh Thành như anh Hoàng Văn Tiến, chị Nguyễn Thị Ba hay anh Nguyễn Văn Na... Họ cũng trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất khi trở về từ Trung Quốc.
Con số đáng báo động
Mặc dù đã có nhiều bài học "xương máu" từ hệ lụy của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động “chui”, nhưng bất chấp pháp luật, một số người dân trên địa bàn ven biển tỉnh Thanh Hóa vẫn tin vào những lời ngon ngọt của các đối tượng "cò" để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm cơ hội đổi đời. Họ chấp nhận trở thành những lao động cư trú bất hợp pháp, sống chui lủi trốn tránh pháp luật nên có rất nhiều nguy cơ rình rập, tính mạng và tài sản luôn bị đe dọa.
Trung tá Lê Duy Hùng, Chính trị viên Đồn BP Đa Lộc cho biết: "Trước tình hình người dân địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động chui ngày một nhiều, đơn vị đã tăng cường công tác bám, nắm địa bàn, rà soát, kịp thời phát hiện các hoạt động lôi kéo, dụ dỗ đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, nhất là các dấu hiệu nghi vấn liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn để không bị kẻ xấu lợi dụng nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa tình trạng trên".
Câu chuyện xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ở vùng ven biển xứ Thanh đang là một bài toán chưa có lời giải. Hằng ngày vẫn còn nhiều người dân chỉ tin vào những bản "hợp đồng miệng" với các "cò" coi đây như cơ hội đổi đời, thế nhưng tiền đâu không thấy, chỉ thấy giấc mộng tan vỡ khi trở về, nhiều người trong số họ không một đồng xu dính túi, sức khỏe suy kiệt, thậm chí có người phải bỏ mạng nơi đất khách hoặc mang thương tật suốt đời. Đây chính là bài học cay đắng đối với người lao động “chui” nơi đất khách quê người, đồng thời cho thấy những hạn chế của chính quyền địa phương trong công tác quản lý lao động tạo công ăn việc làm cho người dân.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 8.300 lao động trên cả 27 huyện thị, thành phố vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trong đó các huyện như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia... có nhiều người đi làm thuê nhất. Trong số hơn 8.300 người sang Trung Quốc làm thuê thì có 585 trường hợp bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt, trao trả, đẩy trở lại qua biên giới, 9 người bị Trung Quốc đưa ra xét xử, 16 người bị tai nạn tử vong, một số phụ nữ bị mất tích...
Lê Đồng