Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 11:24 GMT+7

Như “ông Tiên” giữa đời thường

Biên phòng - Những ngày Tết, bác sĩ Đặng Cát, cựu quân y Biên phòng, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017, dành thời gian để vui vầy cùng con cháu, tiếp đón bạn bè và nghe dân ca quan họ Bắc Ninh. Và trong những ngày Xuân, căn nhà nhỏ của ông vẫn luôn mở rộng cửa sẵn sàng đón những bệnh nhân thiếu may mắn.

5a7803ec455714c0b6000e8d
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP thăm hỏi sức khỏe, động viên bác sĩ Đặng Cát. Ảnh: Viết Lam

Đón Tết tinh thần

Những ngày đầu năm mới, con đường ven Hồ Tây được trang hoàng cờ, hoa lộng lẫy, cây cối đâm chồi nảy lộc đón chào dòng người du xuân. Ở căn nhà nhỏ hướng mặt ra Hồ Tây, bác sĩ Đặng Cát (81 tuổi) đang ngồi bên chiếc máy nghe nhạc quen thuộc. Ông hòa mình theo những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh. Sau những ca chữa bệnh cứu người, nghe nhạc gần như là thú vui giải trí duy nhất đã gắn bó với ông suốt mấy chục năm qua.

Bác sĩ Đặng Cát sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề y tại tỉnh Nam Định. Năm 1952, ông gia nhập quân đội. Đến năm 1959, ông chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Trong vai trò  bác sĩ quân y, ông đã trực tiếp làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bộ đội ở các chiến trường khác nhau. Đất nước hòa bình, thống nhất, bác sĩ Đặng Cát đã bám sát địa bàn biên giới tỉnh Sơn La, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân.

Sau này, ông được điều về nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Quân y Trường Sĩ quan Biên phòng (Học viện Biên phòng ngày nay). Ở đâu, ông cũng thể hiện được sự tận tụy, trí tuệ, tài năng, sự đam mê với nghề. Đến năm 1989, bác sĩ, Trung tá Đặng Cát được nghỉ hưu theo chế độ. Từ đó, tại ngôi nhà riêng ở phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội, ông tiếp tục đem kiến thức y học của mình phục vụ miễn phí nhân dân.

Tết đến, trong ngôi nhà nhỏ của bác sĩ Đặng Cát không có nhiều sự thay đổi so với thường ngày. Mọi thứ trong căn phòng ông đều rất gọn gàng, ngăn nắp. Chỉ có cành hoa đào nhỏ xinh được cắm trong chiếc bình gốm đang bung nở là khác biệt lớn nhất. Cũng vì căn nhà nhỏ hẹp nên những ngày Tết, ông tận dụng khoảnh sân nhỏ phía trước để căng dù, kê thêm bộ bàn ghế để lấy chỗ tiếp đón mọi người đến chơi.

Bác sĩ Đặng Cát chia sẻ: “Ở cái tuổi của mình bây giờ, ăn Tết tinh thần là chính. Những ngày nghỉ lễ, mong con cháu về sum vầy, bạn bè đến thăm hỏi nhau là vui lắm rồi”. Trong không khí của ngày Xuân, người ta thấy bác sĩ Đặng Cát như khỏe ra, ông có thể trò chuyện với bạn bè, với con cháu mà không biết mệt. Cũng trong những câu chuyện vui đầu Xuân, ông không quên dặn dò mọi người phải biết quý trọng, chăm sóc sức khỏe.

Sống cạnh nhà bác sĩ Đặng Cát mấy chục năm nay, bà Nguyễn Thị Bài chia sẻ về cuộc sống thường ngày của người hàng xóm đáng kính: “Từ trước đến nay, ông vẫn sống giản dị như vậy, chẳng màng danh lợi cho riêng mình. Cuối năm, nhiều người là thân nhân, bệnh nhân được ông chữa bệnh miễn phí cả thời gian dài thường mang đến nhà rất nhiều quà cáp. Có những người ở trong địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng cũng có không ít người quê ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên... mang quà tới, nhưng đều bị ông cụ kiên quyết trả lại”.

Mở rộng cửa đón bệnh nhân 

 Từ khi về nghỉ hưu ở phường Nhật Tân, ngôi nhà nhỏ của bác sĩ Đặng Cát luôn rộng cửa đón những bệnh nhân thiếu may mắn. Đã có rất nhiều người dân ở các địa phương khác nhau tìm đến để được ông khám, chữa bệnh miễn phí. Dù cho ngày lễ, Tết, ông vẫn luôn vui vẻ thăm khám, chữa bệnh cho mọi người. Nhờ bàn tay “kỳ diệu” của ông, nhiều người thoát được bệnh tật hiểm nghèo.

“Ông ấy xem việc chữa bệnh cứu người là lẽ sống của cuộc đời. Những năm trước khi còn khỏe, chỉ cần người bệnh gọi là ông ấy hăng hái đạp xe đến tận nơi cần giúp đỡ. Giờ tuổi cao, sức yếu, không còn đi xa được, ông chỉ khám, chữa bệnh tại nhà cho những người tìm đến, bất kể thời gian nào trong ngày”- Bà Nguyễn Thị Bình, vợ bác sĩ Đặng Cát chia sẻ.

Giờ đã về nghỉ hưu, sức khỏe ổn định, nhưng ông Đỗ Văn Long, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội luôn nhớ đến ân nhân của mình. Đầu Xuân mới, ông cùng một số người đến thăm bác sĩ Đặng Cát. Trong câu chuyện vui, ông Long nhớ lại: “Khoảng gần Tết Nguyên đán năm 1999, khi đang là công nhân trong một xí nghiệp, tôi phát hiện mình nổi một cục u to bên thái dương. Tôi sợ hãi vô cùng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, lại gần Tết, sợ mất việc nên không dám đi bệnh viện để khám bệnh. Tình cờ nghe được câu chuyện về bác sĩ Đặng Cát khám, chữa bệnh miễn phí nên tôi đã tìm đến nhà để nhờ cậy. Sau đó, tôi được ông thăm khám, kê đơn đi lấy thuốc về tiêm. Kể cả ngày Tết, tôi vẫn đến nhà để ông chữa bệnh. Sau một liệu trình dài, khối u trên mặt tôi đã biến mất cho đến bây giờ. Tuy vậy, hàng năm, ông vẫn chỉ định để tôi điều trị bổ sung thêm 10 ngày cũng vào dịp đầu Xuân năm mới thế này”.

Có mặt tại nhà bác sĩ Đặng Cát trong những ngày đầu Xuân còn có ông Nguyễn Thế Hùng, 65 tuổi, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, người được bác sĩ Đặng Cát chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Trước đây, ông Hùng là người khỏe mạnh, ngoài 40 tuổi vẫn có thể đá bóng với bọn trẻ trong khu dân cư. Thế nhưng, năm 2015, ông thấy đau chân nên vào bệnh viện khám, bác sĩ kết luận bị thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, việc điều trị không đạt được nhiều kết quả, sau đó, ông đã tìm đến bác sĩ Đặng Cát. Sau liệu trình điều trị dài với sự tận tình chữa trị của bác sĩ Đặng Cát, ông Hùng đã khỏi bệnh.  

Khi nói về bác sĩ Đặng Cát, ông Nguyễn Hữu Luận, Tổ trưởng Tổ dân phố 41, khu dân cư số 5, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết: “Ngôi nhà nhỏ của ông luôn mở rộng cửa đón bệnh nhân, bất kể thời gian nào. Ông cụ sống giản dị, thanh tao như một “ông Tiên” giữa đời thường”.

Viết Lam

Bình luận

ZALO