Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:24 GMT+7

Như chim sơn ca cất tiếng hát trên đỉnh Trường Sơn

Biên phòng - Bà Kăn Thay chợt nhận ra, những vất vả, cực nhọc trên nương rẫy như vơi bớt, con đường về nhà sau mỗi ngày lao động dường như ngắn lại khi bà cất lên tiếng hát. Và người phụ nữ Pa Cô này cứ vừa hát, vừa tự mình sáng tác thêm các ca khúc mới để thỏa niềm đam mê của mình.

Bà Kăn Thay với tình yêu âm nhạc đã sáng tác hàng chục bài dân ca, dân vũ. Ảnh: Trúc Hà

Tiếng hát trên nương

Mỗi ngày, cuộc sống của bà Kăn Thay (53 tuổi, dân tộc Pa Cô, trú tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là sớm lên nương rẫy tỉa lúa, chiều xuống suối bắt ốc, bắt cá để mưu sinh. Cuộc sống đời thường với những việc làm hết sức đời thường ấy nhưng lại có tâm hồn vô cùng phong phú. Và nó đã được người phụ nữ Pa Cô này luyến láy, ngân nga trở thành bài hát. Và người dân ở xã Tà Rụt dần quen với hình ảnh bà Kăn Thay vừa lên rẫy, vừa cất tiếng hát véo von. Người ta ví bà như con chim sơn ca cất cao tiếng hát cho cuộc sống tươi vui. Căn nhà nhỏ của bà Kăn Thay ở trung tâm xã Rà Tụt không có gì nổi trội, nhưng đổi lại có rất nhiều bằng khen, giấy khen và đàn mà bà Kăn Thay vinh dự được tặng thưởng qua mỗi cuộc thi văn nghệ quần chúng.

Bà Kăn Thay kể: “Cuộc sống ở chốn rừng núi này chỉ quẩn quanh với cây lúa, cây ngô trên rẫy. Để cây lúa trổ bông, đơm hạt thì người dân phải đổi bằng bao nhiêu mồ hôi, công sức. Chặng đường từ nhà lên rẫy như dài và dốc thêm khi gùi nặng trĩu. Và tôi chợt nhận ra, tiếng hát những lúc ấy sẽ giúp mình bước chân nhẹ hơn, thậm chí quên đi cơn đói cồn cào”.

Từ nhỏ, bà Kăn Thay đã mê ca hát. Những làn điệu dân ca, dân vũ, Cà lơi, Cha chấp... truyền thống của đồng bào Pa Cô được bà lắng nghe và học theo. Đó là lời hát ru của mẹ, đầy ngọt ngào, yêu thương, trải qua năm tháng và từ đó cũng lớn dần niềm đam mê ca hát trong người phụ nữ Pa Cô này. Khi trở thành mẹ, người phụ nữ này hát ru con mình bằng những làn điệu của người Pa Cô. Bài hát học được từ thế hệ trước ít ỏi, bà tự mình sáng tác ra các bài hát mới. Chưa từng được đến trường, không biết mặt chữ, bà tự sáng tác rồi tự ghi nhớ bằng cách hát đi hát lại nhiều lần.

“Tôi sáng tác những bài hát mà mình mong muốn. Tôi gửi gắm vào lời ru tình yêu thương thông qua dòng sữa ngọt ngào, mong con lớn lên chăm ngoan, hiếu thuận, trưởng thành. Rồi những buổi đi làm rẫy trở về quá mệt vì đường xa, lắng tai nghe tiếng ve, tiếng chim, thậm chí là tiếng suối chảy róc rách cũng khiến tôi cảm nhận như một bản nhạc để bước chân trở về bớt nặng nhọc. Thật vui là những bài hát tôi sáng tác, nhiều bà con dân bản cùng hát theo. Những lúc như thế, sự mệt mỏi dường như tan biến mất” - Bà Kăn Thay bộc bạch.

“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ

Mấy năm trở lại đây, nghệ nhân Kray Sức (thôn A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông) - nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô bắt đầu hành trình sưu tầm, ghi lại những bài dân ca, dân vũ của đồng bào để làm cơ sở gìn giữ cho thế hệ sau. Căn nhà nhỏ của Kăn Thay từ đó thường rộn ràng những cuộc chuyện trò, chia sẻ của những người có chung tình yêu nguồn cội. Bà Kăn Thay hát, nghệ nhân Kray Sức ghi chép lại. “Bà ấy sáng tác và thuộc rất nhiều bài dân ca, dân vũ của đồng bào. Trong hành trình gìn giữ văn hóa truyền thống của bản làng, Kăn Thay giúp tôi rất nhiều” - nghệ nhân Kray Sức nói.

Tháng trước, nghệ nhân Kray Sức đứng lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho học sinh Pa Cô ở Trường Tiểu học - Trung học cơ sở A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa). Nhiều bài hát do chính bà Kăn Thay sáng tác được đưa vào chương trình giảng dạy. Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Việc mở lớp dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Pa Cô cho học sinh là dịp để khơi gợi lên trong mỗi học sinh niềm tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi tin rằng, thông qua các tiết học, giao lưu trực tiếp với các nghệ nhân sẽ khơi dậy trong các em tình yêu truyền thống văn hóa của đồng bào. Thực tế thì không ít học sinh tỏ ra thích thú với các tiết học này”.

Cuộc sống tuy còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng bà Kăn Thay không vắng mặt trong bất cứ dịp lễ hội nào của bà con dân bản. Cùng với nghệ nhân Kray Sức, bà góp công dàn dựng, biểu diễn nhiều chương trình văn nghệ của bản làng, từ lễ A riêu ping cho đến các dịp lễ, Tết lúa mới A Za... Mong muốn được bảo tồn những làn điệu âm nhạc truyền thống của người Pa Cô luôn là trăn trở thường trực trong bà.

Bà Kăn Thay bảo, âm nhạc không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần giúp đồng bào giải trí vào những lúc vui buồn, mà âm nhạc còn là những giai điệu gắn bó mật thiết với sự hình thành và phát triển của bản làng, cần gìn giữ. Công nghệ ngày càng lấn át truyền thống, lớp trẻ không còn mấy mặn mà với làn điệu dân ca thì càng phải chung tay gìn giữ. “Nếu lãng quên đi những lời ca điệu múa của đồng bào mình, người ta dễ lãng quên nguồn cội” - bà Kăn Thay nói.

Cuộc đời bà Kăn Thay từ nhỏ cho đến ngày lập gia đình, sinh tới 4 người con vẫn hiếm khi rời bản làng. Thế nhưng, từ ngày tham gia đội văn nghệ của xã, huyện, với lời ca tiếng hát, bà đã có cơ hội tham gia nhiều hội diễn tầm khu vực, toàn quốc, mang về nhiều vinh dự cho đồng bào miền núi Quảng Trị. Hồi giữa tháng 3 vừa qua, bà cùng đội văn nghệ của nghệ nhân Kray Sức liên tiếp đoạt 2 giải A tại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III.

Nghe bà Kăn Thay hát, người ta dễ liên tưởng đến cảnh núi non hùng vĩ và tươi đẹp với những con người Pa Cô chịu thương, chịu khó. Và người ta cũng dễ dàng cảm nhận được tình yêu với bản làng, quê hương thông qua những lời ca, điệu múa. Bà Kăn Thay cứ thế góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô trên đỉnh Trường Sơn bằng những bài hát, điệu múa của mình.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO