Biên phòng - Ở xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, những người lính Biên phòng được ví như “những người nhóm lửa”, họ đang dành tâm sức của mình giúp người dân, đặc biệt là những phụ nữ nghèo có cơ hội thay đổi cuộc sống.
Hiện thực hóa ước mơ
Chúng tôi gặp chị Vi Thị Hương, xã Ia Lốp, tại lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Ea Hleo mở. Cuộc sống vất vả, lam lũ khiến cho gương mặt người phụ nữ này già hơn nhiều so với tuổi 42 của mình. Chị là người dân tộc Thái, từ huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, di cư vào xã Ia Lốp lập nghiệp. 13 năm ở vùng đất này, cuộc sống của chị Hương vẫn cứ cơ cực, lam lũ như khi mới vào. Chị kể: “Gia đình tôi được cấp 2ha đất sản xuất. Thiếu nước sản xuất khiến cho việc trồng trọt khó khăn. Tôi đành phải cho người ta thuê đất trồng mía, mỗi năm được 4 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình tôi hiện giờ chủ yếu trông vào đồng tiền công tôi đi làm thuê”.
Chị Hương thường đi làm từ sáng sớm đến khoảng 6-7 giờ tối. Mỗi ngày, chị được trả chừng 150.000 đồng. Một tháng chị có việc khoảng 20 ngày. Thu nhập bấp bênh, chồng con lại bị bệnh khiến cho cuộc sống của gia đình chị lúc nào cũng lâm vào cảnh túng thiếu. Kể về gia đình mình, chị buồn rười rượi: “Chồng tôi bị bệnh thần kinh, không làm được việc gì. Con gái lớn của tôi năm nay 22 tuổi. Học đến lớp 9, cháu phải nghỉ học, đi làm công nhân ở Bình Dương để giúp tôi trang trải cuộc sống. Cháu đi làm được 20 ngày thì bị ngất xỉu ngay tại công ty. Đó là do cháu mắc một bệnh hiếm gặp. Đều đều hằng tháng, con tôi phải tới bệnh viện truyền máu, mỗi lần điều trị hết 4 triệu đồng dù có bảo hiểm”.
Để chữa trị cho con, chị Hương đã phải bán tất cả 8 con bò được nhân lên từ bò xóa đói giảm nghèo được trao tặng trước đây. “Bệnh tình của con tôi ngày một nặng. Bác sĩ bảo con tôi phải truyền máu cả đời, có nhiều tiền thì mới sống được. Trong nhà tôi không còn thứ gì đáng giá. Tôi không biết sẽ gắng gượng được bao lâu nữa” - Chị Hương rơm rớm nước mắt nói.
Niềm an ủi lớn nhất của chị là cô con gái thứ hai Lang Thị Nghĩa, đang học lớp 9. Chị yên tâm phần nào về cô bé này vì đã được các chú bộ đội Đồn Biên phòng Ea Hleo đỡ đầu. Chị chia sẻ: “Mỗi tháng các chú ấy tặng cho cháu 500.000 đồng. Đối với gia đình tôi, số tiền này rất có ý nghĩa. Nó giúp cho con tôi được no bụng mỗi khi đến trường”.
Trở lại câu chuyện học chữ, chị Hương tâm sự: “Ngày bé, tôi chỉ được học đến lớp 1. Ngay cả tên của mình, tôi cũng không biết viết. Mấy chục năm nay, tôi vẫn ao ước được đi học lại. Không ngờ ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Cuối năm ngoái, các chú Biên phòng mở lớp học này, tôi liền đăng ký tham gia. Có hôm đi làm về muộn, không kịp ăn cơm, tôi đến lớp luôn. Ban đầu, cô giáo và các chú Biên phòng phải cầm tay hướng dẫn tôi viết. Về nhà, tôi lại ngồi học bài tới khuya mới đi ngủ. Bây giờ, tôi đã thuộc bảng chữ cái, biết viết tên mình, biết làm phép toán nữa. BĐBP đối với chúng tôi chân tình như người nhà vậy”.
Tiếp sức cho dân nghèo
Chúng tôi theo chân những người lính Biên phòng Đồn Ea Hleo vào vườn cây ven đường. Khu vườn rộng lớn mướt một màu xanh nổi bật trên vùng đất đỏ của xã biên giới luôn “khát nước” Ia Lốp. Trong khu vườn có ổi, thanh long, bưởi đang đậu trái. Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea Hleo giới thiệu, cơ ngơi này là của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh. Chị Thanh đang lúi húi sau vườn, nghe tiếng chúng tôi nói chuyện thì tươi cười bước ra với một rổ ổi. Chị vui vẻ mời mọi người ăn và “quảng cáo”: “Đây là ổi sạch, nhà tôi không bón bất cứ thứ hóa chất gì, cũng không phun thuốc trừ sâu. Mọi người yên tâm”. Tôi nếm thử một miếng, cảm nhận ngay được vị ngọt, giòn và thơm của những trái ổi mỡ màng.
Để gây dựng được cơ ngơi này, vợ chồng chị Thanh mất 9 năm đẫm mồ hôi với sự giúp sức không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea Hleo. Chị Thanh kể: “Tôi quê ở Bến Tre, di cư lên đây từ năm 2007. Hồi tôi mới tới đây, vùng đất này còn hoang sơ lắm. Khu vực này toàn là rừng le, không có nước. Nhiều người xuất thân từ miền sông nước không chịu nổi thổ nhưỡng khô hạn đã bỏ về. Vợ chồng tôi vẫn quyết tâm bám trụ, bởi cuộc sống ở quê cũng quá khổ”.
Hai vợ chồng chị dựng tạm túp lều làm chỗ ngả lưng, hằng ngày đi làm thuê, làm mướn để duy trì cuộc sống. Tích góp tiền làm thuê trong 2 năm, vợ chồng chị mua đất để sản xuất. Năm 2014, vợ chồng chị được Nhà nước cấp cho 1ha đất. Với vốn đất đó, vợ chồng chị quyết tâm lập vườn lớn.
“Ở Bến Tre, chúng tôi không có đất sản xuất, quanh năm chỉ đi làm mướn. Ở đây có đất nên tôi ham làm. Vợ chồng tôi nghĩ mãi mới quyết định làm vườn. Đất này chỉ có cây chịu hạn tốt mới sống được. Tôi chọn trồng thanh long. Sau đó, tôi trồng thêm ổi, mía để lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, vườn cây của chị Thanh đã cho thu hoạch đều đều. Năm vừa rồi, chị thu được 15 tấn thanh long, bán được hơn 100 triệu đồng. “Cuộc sống của tôi giờ tốt hơn ngày xưa nhiều rồi” - Chị Thanh vui vẻ cho biết. Bây giờ, chị Thanh trồng thêm cả bưởi và quýt đường.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Thanh luôn nhắc tới những người lính Biên phòng với tình cảm trân trọng. Chị chia sẻ: “Anh em Biên phòng đến động viên vợ chồng tôi rất nhiều. Khi xây dựng vườn cây này, các chú ấy hỗ trợ gia đình tôi phân bón, dầu cho máy bơm tưới vườn... Với riêng gia đình tôi, cái ơn của BĐBP không thể nói hết được. Với bà con trong xã, các chú cũng giúp đỡ nhiệt tình. Ở vùng đất này, công lao của BĐBP rất lớn. Các chú Biên phòng đã khoan 3 giếng nước, xây trụ, lắp đặt bồn, đường ống dẫn nước phục vụ 60 hộ dân có nước sinh hoạt. Đồn Biên phòng cũng phối hợp với chính quyền xã xây dựng một số công trình dân sinh, tặng con giống cho người nghèo...”.
Lời chia sẻ của chị Thanh giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn cái tình sâu đậm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea Hleo dành cho người dân nơi đây và ngược lại. Trên đường về, Đại úy Hiếu bộc bạch: “Chúng tôi tâm niệm, giúp được những phụ nữ nghèo vượt qua khó khăn, thoát nghèo là một thành công lớn. Họ có cuộc sống tốt, bản thân chúng tôi cũng thấy vui lây”.
Bích Nguyên