Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Nhóm G7 tìm giải pháp vượt qua “cú sốc” Covid-19

Biên phòng - Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới gồm Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada (G7) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến cấp cao cuối tuần qua để thống nhất những quan điểm, định hướng giải pháp chống đỡ “cú sốc” Covid-19 đang từng ngày đánh gục những nền công nghiệp hàng đầu thế giới.

03z4_11a
Hội nghị trực tuyến cấp cao của G7 tại điểm cầu Pháp. Ảnh: AFP

Trên cương vị là Chủ tịch luân phiên của G7, Mỹ triệu tập hội nghị trực tuyến này và là Hội nghị trực tuyến thứ 2 của nhóm kể từ khi đại dịch bùng phát. Nội dung hội nghị vào tháng trước là tìm kiếm giải pháp hợp lực phát triển thuốc điều trị Covid-19, còn hội nghị lần này tập trung thảo luận giải pháp chấm dứt tình trạng tê liệt kinh tế của nhóm.

Tại hội nghị lần này, các nước G7 đạt được sự thống nhất cao trong quan điểm nối lại hoạt động kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng và củng cố hệ thống y tế. Các nước thống nhất hợp tác đối phó với dịch bệnh và tăng cường thương mại toàn cầu để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong đó, mục tiêu hiện nay được xác định là bảo vệ nền kinh tế, ổn định việc làm cho người dân trước tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các biện pháp tài chính và tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó và phục hồi.

Trong G7 có tới 5 nước thuộc top 6 đầu bảng xếp hạng các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Mỹ - quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất và cũng dẫn đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do Covid-19. Italia đứng thứ 3, Pháp đứng thứ 4, Đức đứng thứ 5, Anh đứng 6, Canada đứng thứ 13 và Nhật Bản đứng thứ 23. Các nước thành viên G7 chiếm gần 60% tổng số ca nhiễm và hơn 60% số ca tử vong trên thế giới.

Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, sự đoàn kết quốc tế là động lực tạo nên sức mạnh của nhân loại trước thảm họa toàn cầu này. Điều tích cực thấy được thông qua 2 hội nghị của G7 là sự bất đồng trước đây trong nội bộ nhóm đang được tạm ngừng để đồng lòng dồn lực cùng nhau chống lại “kẻ thù chung”. 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia quốc tế, giữa bối cảnh “khủng hoảng kép” về y tế và kinh tế đang từng ngày diễn biến tồi tệ hơn thì trong một tháng qua, G7 mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những cam kết chung chung thay vì có kế hoạch chi tiết hay chiến lược cụ thể. Mặc dù biểu dương tinh thần đoàn kết, song thực tế bất đồng vẫn còn tồn tại, thể hiện ở việc hầu hết thành viên không đồng tình với việc Mỹ tạm cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trước khi xuất hiện Covid-19, Nhóm G7 đã có sự chia rẽ nội bộ chủ yếu xuất phát từ các chính sách bảo hộ kinh tế, áp thuế mạnh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các thành viên G7. Khi đại dịch toàn cầu Covid-19 bùng phát tại Mỹ và các nước đồng minh, mâu thuẫn nội bộ tiếp tục trở nên trầm trọng hơn khi Mỹ hạn chế nhập cảnh từ các nước châu Âu, đóng cửa biên giới với Canada,.

Một trong những điều kỳ vọng của quốc tế dành cho G7 lúc này là việc nhóm sẽ giãn nợ cho các nước nghèo. Nhóm G7 từng tuyên bố sẽ cho các nước nghèo nhất thế giới đang đối diện với khó khăn trong ứng phó với Covid-19 được tạm ngừng trả nợ với điều kiện Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đồng lòng. Hiện nay, G20 đã thống nhất cho 77 nước nghèo được giãn nợ, trong khi lời tuyên bố của G7 vẫn chưa được thực hiện. 

Trong khi Nhóm G7 hiện có phần “chậm chạp” khi các biện pháp của nhóm được đưa ra mới chỉ là những lời cam kết thì Nhóm G20 đã có những hành động cụ thể như chi 7.000 tỷ USD để bảo vệ thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định hệ thống tài chính, kinh tế thế giới...

Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, giữa “thời loạn” này, G7 đang nắm trong tay cơ hội tạo nên bước chuyển rất lớn giúp nhóm vực dậy sự sa sút trong những năm qua và trở lại với tư thế “đầu tàu” của thế giới. Tuy nhiên, “bài toán” của G7 lúc này là việc phải biến lời nói thành hành động, hiện thực hóa những cam kết của nhóm với hiệu quả tích cực hơn.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO