Biên phòng - Cách đây nửa thế kỷ, ngày 24-7-1965 đã trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Tên lửa Phòng không QĐND Việt Nam. Riêng đối với tôi, ngày ấy cũng để lại biết bao kỷ niệm khó quên.
![]() |
Bảo quản tên lửa sẵn sàng ra quân đánh thắng trận đầu. Ảnh: Tư liệu |
Bấy giờ, tôi mới đi bộ đội được hơn 2 tháng. Vốn là một giảng viên trẻ của trường Múa Việt Nam, vóc dáng mảnh dẻ, thư sinh, tính tình thiếu mạnh dạn, nhưng nghe theo tiếng gọi của Đảng, tôi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và hòa nhập nhanh chóng với cuộc sống trận mạc của một thời gian khó. Lúc ấy, tôi đang tập luyện trong trung đội đại liên, một đơn vị trực chiến của Trung đoàn 36, Sư đoàn Quân Tiên phong thì được lệnh cùng đồng đội tham gia chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đang leo thang ác liệt.
Hằng ngày chúng tôi vác đại liên lên đê sông Đà để trực chiến phòng không. Dưới kia là dòng nước mênh mang chảy xiết về xuôi, ngước lên hướng Bắc là dãy Ba Vì sừng sững, thấp thoáng bóng Tản Viên gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Phía trong đê là làng quê xanh mướt, êm đềm với những con người mộc mạc cần mẫn chỉ biết cần cù lao động và chưa hề biết rằng, nay mai sẽ phải hứng chịu bom đạn dã man của kẻ thù!
Hôm ấy, tôi được phân công trực chiến ở vị trí xạ thủ chính. Đầu buổi chiều, tôi đang quan sát, ngắm nhìn bầu trời xứ Đoài với những áng mây trắng đuổi nhau trong nắng thì bỗng thấy xuất hiện những đốm bạc trôi ra từ sau dãy núi, lúc ẩn lúc hiện trong mây, rồi dần dần hiện rõ thành một chiếc máy bay phản lực sáng loáng. Chưa nghe thấy tiếng động cơ máy bay, chỉ rộ lên những tiếng kẻng báo động.
Rồi pháo cao xạ râm ran khắp bầu trời, xen vào là mấy tiếng nổ lạ tai. Tôi bám chắc vào hai tay nắm của khẩu đại liên, ngón tay đặt vào cò súng, hồi hộp theo dõi. Mấy chiếc phi cơ của địch vòng lại, hướng về phía sông Đà, rồi sà xuống thấp dần, lao thẳng xuống trận địa của chúng tôi.
Tôi dán mắt vào khe ngắm, rê nòng súng để đối diện với tốp máy bay và dự tính khoảng cách bắn. Bỗng một chiếc máy bay lao nhanh xuống đối đầu với nòng súng của tôi. Phải bắn thẳng, tôi tự nhủ, rồi chờ cho chiếc phi cơ bịt kín khe ngắm và đầu ruồi khẩu đại liên, tôi xiết cò, xả ra một băng dài về phía kẻ thù. Tốp máy bay xẹt trên đầu chúng tôi rồi mất hút về phía dãy Ba Vì.
Bấy giờ, tôi mới nhận ra cơn khát, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Tôi vừa tu nước ừng ực, vừa ngắm nhìn khẩu súng của mình. Nòng đại liên Cu-ri-nốp vẫn ghếch lên kiêu hãnh, băng đạn sáng rực dưới nắng tháng Bảy, nhành ngụy trang đã héo vẫn rung rinh trong gió sông Đà.
Đến sẩm tối, chúng tôi vừa ăn cơm, vừa chăm chú lắng nghe tiếng đài bán dẫn của thủ trưởng đơn vị mới biết rằng, hôm ấy, tên lửa phòng không của ta lần đầu tiên xuất trận. Trong tôi vỡ òa niềm cảm xúc vì được dùng súng bộ binh hợp đồng chiến đấu với một binh chủng hiện đại bậc nhất, trong một ngày lịch sử.
Đến mấy tháng sau, tôi mới vỡ lẽ, phản lực cơ siêu thanh của không lực Hoa Kì bí mật lẻn sau dãy Ba Vì rồi bất ngờ tập kích vào vùng ngoại vi Hà Nội, đã lọt vào một trận địa phòng không được bố trí sẵn của ta. Bốn quả tên lửa lần đầu được phóng lên đã bắn tan xác một máy bay F4 của địch!
Cuối năm ấy, khi đã chuyển về công tác ở Đoàn Văn công Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), tôi được một người bạn thân trong trung đội đại liên trước đó, báo một tin rất vui rằng, hôm ấy, chúng tôi cũng đã bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ và được Nhà nước thưởng Huân chương Chiến công. Hóa ra, có một máy bay địch bị rơi ở cánh đồng, cách trận địa của chúng tôi mươi cây số, trên thân máy bay có nhiều vết đạn đại liên. Cả một vùng rộng lớn quanh đó chỉ có chúng tôi sử dụng loại súng này.
Mỗi lần nhớ lại, có một chút gì đó như niềm vui tự hào lại nhè nhẹ dâng lên, trở thành một kỷ niệm khó quên, động viên tôi luôn sống thanh thản và cố gắng làm thêm những việc có ích cho xã hội.