Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Nhớ người Anh hùng của Trung đoàn Tây Tiến

Biên phòng - Có lẽ ít người biết về một ca khúc viết về người lính Biên phòng ra đời từ năm 1947. Đó là bài “Trấn biên cương” của tác giả Nguyễn Như Trang, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 150, Trung đoàn Tây Tiến. Trong lịch sử truyền thống của Trung đoàn 52 Tây Tiến, Sư đoàn 320 có một liệt sĩ, Anh hùng rất tài hoa. Đó là Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Như Trang.

Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến (Mộc Châu, Sơn La) - nơi lưu giữ những kỷ vật về Đoàn binh Tây Tiến đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: Ngọc Dương

Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 150, Trung đoàn 52 Tây Tiến Nguyễn Như Trang sinh ngày 27/7/1927, hy sinh ngày 21/11/1948 cùng Đại đội trưởng trinh sát Phạm Hữu Ngọc - một người con của thị xã Sơn Tây tại làng Mu, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình trong một trận chiến đấu oanh liệt giữa một tổ đi trinh sát với hơn một trung đội lính lê dương Pháp. 21 tuổi đời, 4 tuổi quân, Nguyễn Như Trang là Tiểu đoàn phó khi vừa tròn 21 tuổi.

Nguyễn Như Trang là một học sinh giỏi của trường Thăng Long tài hoa, đàn hay, vẽ giỏi. Anh đi theo cách mạng đầu năm 1945, vào Vệ quốc đoàn, tháng 8/1945 là Đại đội trưởng của Trung đoàn Thủ đô. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô, anh được kết nạp vào Đảng ngay trên mặt trận Hà Nội. Người Anh hùng liệt sĩ này sinh ra trong một gia đình có nền nếp học hành thời trước cách mạng năm 1945. Quê anh ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Cha, mẹ của anh là giáo học, là nhà thơ có tên tuổi trong văn đàn Việt Nam từ những năm 1930. Các anh em của anh Nguyễn Như Trang đều rất thành đạt. Trong 18 anh em, cả dâu rể của gia đình có giáo sư, bác sĩ, tướng lĩnh quân đội và nhiều cán bộ quân đội cấp hàm Đại tá.

Viết về người Anh hùng Nguyễn Như Trang, đã rất nhiều báo chí, sách vở và cả những ca khúc nổi tiếng ca ngợi anh. Tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã có bức tượng đồng đặt trang trọng tại UBND xã. Tên tuổi anh đã thành niềm tự hào của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - nơi có khu du lịch Thác Mu nổi tiếng. Đến với nơi đây hỏi bất kể người dân nào, họ đều biết và kể về chiến công của 2 liệt sĩ hi sinh năm xưa tại quê hương mình.

Anh Nguyễn Như Trang là một cán bộ chỉ huy can trường, lại là một nghệ sĩ tài hoa. Anh viết truyện ngắn, viết bút kí và làm thơ, viết nhạc. Tác phẩm “Tiếng cồng quân y” của anh là sự cô đọng nỗi gian khổ và bất khuất của người lính Tây Tiến lúc bấy giờ. Đặc biệt, ca khúc “Trấn biên cương” anh viết năm 1947 đã trở thành bài hát hào hùng của BĐBP. Anh có một gia đình tuyệt vời. Một gia đình yêu nước và gương mẫu mọi mặt.

Mẹ đẻ của Anh hùng Nguyễn Như Trang là cụ bà Tố Lan - Đặng Thị Lục sinh năm 1908. Cụ học hết Certificat (tiểu học) và làm thơ rất hay. Cụ và cụ ông là thầy giáo Vĩnh Giang - Nguyễn Như Hoàn đều sánh tài thơ văn bên nhau.

Một góc vẻ đẹp của thác Mu, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - địa điểm du lịch lý tưởng của du khách gần xa Ảnh: Đoàn Dũng

Trong bài thơ “Mẹ ơi” mà liệt sĩ, Anh hùng Nguyễn Như Trang viết tháng 7/1948 trước khi anh hi sinh 4 tháng là nỗi nhớ mẹ, cũng là tự nhủ lòng mình phải chiến đấu dũng cảm chống quân thù. “Mẹ ơi!/ Chiều chiều bên án thư/ Mẹ ngồi nén sầu tư/ Con trai mẹ đi tự bao giờ/ Hoa Sói ngạt ngào lên hương xưa/ Tóc bạc xòa nhăn má/ Tay già run run da/ Con dao cau chiều xưa/ Còn nằm trên án cũ/ Con trai lớn đi rồi/ Kinh hoàng thời nhiễu loạn/ Mẹ ngồi thấm nước mắt/ Tuổi già căm tên đạn/ Ai cướp mất nhà tôi/ Ai giết vợ con người/ Ai làm sa nước mắt/ Của mẹ rơi, chiều rơi/ Con trai đi báo thù/ Mẹ khóc mắt sưng u”…

Anh Nguyễn Như Trang gửi bài thơ về cho mẹ. Nhưng khi mẹ nhận được thư con thì cũng là mẹ nhận tin con đã hi sinh ở xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nỗi đau của mẹ anh Trang cũng như nỗi đau của hàng triệu bà mẹ trên đất nước ta qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Nhận bài thơ của con thì cũng là lúc mẹ viết bài thơ khóc con. Tiếng khóc của mẹ già khóc con trẻ đau xé lòng, mãi mãi không thể nào nguôi ngoai. Nhưng cũng trong bài thơ đau đớn ấy, mẹ vẫn tin tưởng các bạn bè con sẽ lại xông lên tiêu diệt kẻ thù. Mẹ khóc con, mẹ lại căn dặn các em nối bước chí lớn của anh. Một bà mẹ Việt Nam điển hình với khí phách anh hùng.

Cuối tháng 11/2019, chúng tôi đến huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nơi này có thác Mu và những con đường mới mở để dẫn tới khu du lịch tươi đẹp có một tấm bia ghi lại nơi anh Nguyễn Như Trang đã hy sinh. Tôi đến bên bức tượng anh mà nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã thành kính tạc nên và lưu giữ tại trung tâm của xã Tự Do. Trên con đường làng và ở nơi anh Nguyễn Như Trang, anh Phạm Hữu Ngọc ngã xuống đỏ thắm một loài hoa có tên là hoa Trạng nguyên. Tôi cứ nghĩ, anh Nguyễn Như Trang và đồng đội của mình hiện về trong loài hoa ấy.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân

Bình luận

ZALO