Biên phòng - Tôi vốn quen viết báo, làm văn “bỗng nhiên” được cấp trên chỉ định tham gia nghề làm phim, như một kẻ ngoại đạo. Đầu năm 1964, tôi vừa kết thúc lớp bồi dưỡng các nhà văn trẻ do Hội Nhà văn tổ chức thì được lãnh đạo Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) phái sang làm cố vấn cho bộ phim truyện “Trên vĩ tuyến 17”. Bộ phim là sự hợp tác giữa Bộ Tư lệnh CANDVT (nay là BĐBP) và Trường Điện ảnh Việt Nam lúc ấy vừa kết thúc khóa I.

Tham gia đoàn làm phim lúc bấy giờ, có các diễn viên Lâm Tới, Trần Phương (sau này đều là Nghệ sĩ Nhân dân). Về phía CANDVT còn có Phó Quay phim Phùng Bá Gia và Phó Chủ nhiệm phim Lê Tín cùng một chiến sĩ CANDVT là Mai Ngọc Căn, nguyên là học viên khóa I Trường Điện ảnh.
Cuối năm 1964, sau khi bộ phim hoàn thành và được đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn duyệt, cho phát hành, Cục Chính trị CANDVT lập một tổ làm phim gồm có các đồng chí Phùng Bá Gia, Lê Thiều, Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Tự, Duy Phương và Doãn Quế.
Lần đầu tiên vào tháng 4-1965, đế quốc Mỹ ném bom cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), tổ quay phim CANDVT gồm hai đồng chí Phùng Bá Gia và Nguyễn Ngọc Loan vào tác nghiệp dưới làn bom đạn. Đồng chí Phùng Bá Gia bị thương nhưng vẫn hoàn thành quay tư liệu, sau này được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Tiếp đó, tổ quay phim vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm bộ phim “Ngọn cờ giới tuyến” do tôi viết kịch bản. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2, phim “Ngọn cờ giới tuyến” được tặng Bằng khen. Cũng trong năm 1965, nhà quay phim Nguyên Tự vào Quảng Bình, lên Cha Lo làm bộ phim “Trạm gác chân đèo”, tôi dặn anh Tự: “Mỹ ném bom B52 ở Cha Lo là điểm đầu tiên trên miền Bắc; cố nắm bắt chủ đề B52 và chất độc hóa học”.
Nguyên Tự đã hoàn thành bộ phim do tôi viết kịch bản. Sau này, Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa đem bộ phim này sang Cộng hòa dân chủ Đức dự thi phim tài liệu, kết quả, phim “Trạm gác chân đèo” được giải thưởng Giô-rít-Iven. Thời ấy, tôi là Phó Trưởng phòng Tuyên truyền được phân công phụ trách báo chí, chiếu bóng và điện ảnh. Tôi đã viết 10 kịch bản cho 10 phim tài liệu.
Cuối năm 1969, tôi đang đảm nhiệm chức danh Phó Chính ủy tăng cường tại Ban Chỉ huy CANDVT khu Vĩnh Linh thì được Thiếu tướng Phạm Kiệt, Tư lệnh CANDVT, nhân vào công tác ở khu giới tuyến, trực tiếp rút tôi về phụ trách Triển lãm Công an vũ trang nhân dịp toàn quân mở triển lãm kỷ niệm 21 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Giữa năm 1970, tôi được điều sang làm Đoàn trưởng Đoàn Điện ảnh CANDVT (Đoàn được thành lập năm 1968). Đoàn vốn là một đơn vị hợp nhất hai thành phần là Đội chiếu bóng CANDVT và Tổ quay phim CANDVT. Đội chiếu bóng do Đại úy Trần Thanh Nam phụ trách, có bề dày hoạt động đáng nể, ngay từ ngày thành lập lực lượng CANDVT. Trên mọi nẻo đường biên giới từ Đông Bắc, Tây Bắc đến giới tuyến Vĩnh Linh, trên suốt tuyến bờ biển phía Đông, các đội chiếu bóng lưu động đã lăn lộn khắp mọi nẻo rừng, góc biển để phục vụ nhân dân các dân tộc và chiến sĩ Biên phòng.
Tôi rời Đoàn Điện ảnh CANDVT giữa năm 1971. Dù thời gian xa Đoàn đã lâu năm, nhưng những kỷ niệm công tác với cán bộ, chiến sĩ làm phim vẫn còn in đậm dấu vết trong trí nhớ của tôi. Đạo diễn kiêm quay phim Lê Xuân Bửu, người đi cùng tôi vào Hà Tiên (Kiên Giang) quay cảnh bọn Pôn Pốt tấn công Trạm Biên phòng Xà Xía đã tỏ ra rất gan dạ, đáng nể phục. Anh xứng đáng là người Đoàn trưởng thứ 5 sau này.
Binh nhất Thanh Phong phụ trách kho tư liệu phim đã hết sức tận tụy trong công việc, có lòng ham học hỏi, say mê, sau này cũng trở thành người Đoàn trưởng thứ 8, đạt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nguyễn Ngọc Loan từ một người cầm máy ảnh trở thành một tay quay phim vững vàng, là người đã từng lặn lội ở vùng cầu Hàm Rồng và xông pha bom đạn trên mặt trận Quảng Trị mùa hè 1972.
Những con người làm điện ảnh CANDVT như Ngọc Chiến, Phan Trọng Bằng, Lê Văn Sửu, Vũ Ngọc Khôi, Trần Công Luận... đều là những tấm gương lao động bền bỉ, sáng tạo in đậm dấu ấn trong trí nhớ của tôi. Tôi đặc biệt ghi ơn hai đồng chí Đoàn phó Phùng Bá Gia và Trần Thành Nam đã cộng tác chặt chẽ giúp tôi làm tròn nhiệm vụ được giao.
Lương Sĩ Cầm