Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Nhớ mãi vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng BĐBP

Biên phòng - Chỉ còn ít ngày nữa là Lực lượng BĐBP mà tiền thân là Lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (3/3/1959-3/3/2019). Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành với 13 đời Tư lệnh và Chính ủy, nhưng theo nhận thức của chúng tôi - những cán bộ trưởng thành từ những thập kỷ 60 của thế kỷ trước thì cố Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên - Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ là vị Tư lệnh tuy chỉ giữ trọng trách trong gần ba năm (1959 - 1961), nhưng ông là vị Tướng không những có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ cho Lực lượng CANDVT; mà còn để lại cho thế hệ cán bộ kế cận hôm nay ba dấu ấn lớn mà các đời Tư lệnh tiếp theo chưa làm được.

ec2p_7
Cố Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên - Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ. Ảnh: Tư liệu 

Đó là ông được nhiều lần làm việc trực tiếp với Hồ Chủ tịch; là người đầu tiên được Bác giao nhiệm vụ từng bước nghiên cứu, soạn thảo Đề án xây dựng một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách bảo vệ biên cương và nội địa phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới và được thế hệ cán bộ kế cận ghi nhận là một vị Tư lệnh tài ba, có ý thức chính trị nhạy bén, sắc xảo; có trình độ nghiệp vụ giỏi và tính quyết đoán cao khi xử lý các 'tình huống đột xuất, khó khăn và phức tạp".

Thiếu tướng, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ sinh năm 1917 tại thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là thành phố Hà Nội). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 13 tuổi và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, ông đã kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt ở Nam Bộ, như Chính ủy Khu 9, Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và Tư lệnh kiêm Chính ủy Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng ngay sau ngày miền Bắc được giải phóng (1955).

Dấu ấn thứ nhất

Theo các tài liệu lưu trữ và tư liệu của Đại tá Trần Liêu - nguyên là thư ký riêng của Thiếu tướng Huỳnh Thủ và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Biên phòng, thì ngay từ cuối năm 1957, khi Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đang giữ chức vụ Phó Tổng Thanh tra quân đội, thì được Bác Hồ gọi lên Phủ Chủ tịch làm việc. Trong buổi làm việc này, Bác đã nói: “...Bác muốn chú Tuệ sang làm Thứ trưởng Bộ Công an, trực tiếp xây dựng Đề án thống nhất các lực lượng bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời và nội địa vào một mối...".

Sau đó, ông được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách Lực lượng Cảnh vệ. Theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, chỉ trong gần một năm, ông vừa thực hiện tốt chức trách của một Thứ trưởng, vừa cùng với 7 cán bộ cao cấp của Bộ Công an soạn thảo, rồi hoàn chỉnh “Đề án xây dựng lực lượng Công an bảo vệ biên phòng và nội địa”.

Ngày 25-8-1958, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng đoàn Bộ Công an do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đồng chủ trì một hội nghị quan trọng để lấy ý kiến đóng góp vào Đề án. Trong hội nghị này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng với các Thiếu tướng: Văn Tiến Dũng, Trần Sâm, Lê Quang Đạo, Hoàng Anh, Lê Trọng Tấn, Ngô Du và Hoàng Văn Thái đã góp nhiều ý kiến sâu sắc.

Trước khi trình lên Hồ Chủ tịch, Đề án xây dựng lực lượng Công an bảo vệ biên phòng và nội địa còn được các đồng chí trong Bộ Chính trị: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị và Hoàng Quốc Việt bổ sung nhiều chi tiết cụ thể, đặc biệt là việc cân nhắc chọn lựa tên cho Lực lượng này trong ba tên do Đảng đoàn Bộ Công an đề xuất là: Bộ đội Công an, Công an bảo vệ và Bộ đội Cảnh vệ.

Ngày 4-2-1959, Ban Bí thư Trung ương đã nhất trí và chuẩn y tên gọi của Lực lượng Công an bảo vệ biên phòng và nội địa là Lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Ngày 11-2-1959, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 106/TTg bổ nhiệm Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Thứ trưởng Bộ Công an giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng CANDVT và ngày 3-3-1959, Chính phủ ký Nghị định số 100/TTg về việc thành lập Lực lượng CANDVT. Từ đó đến nay, ngày 3-3 hàng năm được coi là ngày truyền thống của Lực lượng BĐBP.

Dấu ấn thứ hai

Khi được biết sẽ chuyển sang Lực lượng CANDVT, thì một số cán bộ chủ chốt một số đơn vị thuộc Lực lượng Cảnh vệ tỏ ra băn khoăn về tư tưởng, cho rằng sang Lực lượng CANDVT thì không những “không oai” bằng quân đội, mà chế độ đãi ngộ, chính sách hậu phương quân đội cũng sẽ ảnh hưởng không ít. Chiều ngày 28-3-1959, tại Câu lạc bộ Quân nhân Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Lực lượng CANDVT. Dự hội nghị quan trọng này có hơn 600 đại biếu, trong đó có nhiều vị là lãnh đạo chủ chốt của các Bộ, Ban ngành của Trung ương. Đặc biệt, hội nghị vinh dự được Hồ Chủ tịch đến dự và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Lực lượng CANDVT.

Trước khi hội nghị chính thức làm việc, Bác chỉ vào Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ ngồi ở hàng ghế đầu nói: “Chú Tuệ đứng dậy!”. Hôm đó, Tư lệnh mặc bộ lễ phục mới màu trắng, cấp hiệu, phù hiệu màu xanh lá cây, đội mũ kê pi trắng gắn quân hiệu màu xanh lá cây, vây quanh là hình bông lúa, giữa có ngôi sao vàng năm cánh, phía dưới có hai chữ “CA” lồng vào nhau. Theo lời Bác, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ vui vẻ đứng dậy nhìn Bác chờ đợi, trước sự ngạc nhiên của các đại biểu. Bác lại nói: “Chú Tuệ quay mặt về phía sau!” rồi hỏi các đại biểu “Nhìn vị tướng này các chú thấy có điều gì phải băn khoăn, thắc mắc không nào?". Mọi người cùng cười vui vẻ, làm không khí trong hội trường sôi động, vì đã hiểu ý Bác muốn nói Lực lượng CANDVT và Quân đội nhân dân Việt Nam đều là lực lượng vũ trang của Đảng, của Nhà nước; vì vậy các chế độ chính sách cũng như nhau. Bác Hồ cười vui rồi hỏi lại “Còn thắc mắc gì nữa không?". Tất cả hội trường vỗ tay và đồng thanh đáp “Thưa Bác không ạ!”.

Khi giao nhiệm vụ cho Lực lượng CANDVT, Bác Hồ tóm tắt những nhiệm vụ chính thành một bài thơ có 8 câu, mỗi câu chỉ có 4 chữ. Bác đọc to để mọi đại biểu được nghe rõ. Đọc đến câu “Phấn bất cổ thân” thì Người dừng lại nói: “Bác vội dùng câu Phấn bất cố thân là ý muốn nói vì nước không dám nghĩ đến bản thân mình, vậy chú nào có ý hay hơn thì sửa lại cho gọn."Một vị đại biểu ngồi ở hàng ghế giữa hội trường đứng dậy nói “Thưa Bác, cháu thấy nên lấy lời Bác dạy là Vì nước quên thân thì hay hơn ạ!". Nghe xong, Bác vui vẻ nói "Vì nước quên thân thay cho Phấn bất cổ thân có được không?". Cả hội trường lại một lần nữa vang lên những tiếng cười vui vẻ, náo nhiệt. Bác Hồ cùng cười, rồi nói “Cho hay, việc đánh giặc cũng như làm thơ, có ý kiến của quần chúng tham gia vào là tốt hơn”.

Kể từ ngày đó đến nay, tuy lời dạy của Bác đã lùi vào quá khứ 60 năm, nhưng phần lớn cán bộ, chiến sỹ của Lực lượng CANDVT năm xưa và cán bộ chiến sỹ Lực lượng BĐBP ngày nay vẫn thuộc bài thơ mà Bác Hồ đã khái quát nhiệm vụ của toàn Lực lượng “Đoàn kết, cảnh giác; Liêm chính kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; Vì nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân".

Dấu ấn thứ ba

Là sự ghi nhận của thể hệ cán bộ hôm nay đối với vị Tướng tài ba, có ý thức chính trị nhạy bén, linh hoạt và trình độ nghiệp vụ giỏi, có tính quyết đoán cao trong khi xử trí các tình huống khó khăn, phức tạp, có nếp sống rất giản dị, luôn gần gũi với cấp dưới, nhưng cũng rất nghiêm khắc trong công việc. Theo tư liệu của ông Vũ Mạnh Tường, nguyên Tổng biên tập Báo Biên phòng, thì Tư lệnh Phan Trọng Tuệ rất yêu thích môn thể thao đá bóng. Cứ khi hết giờ làm việc buổi chiều, ông lại cùng cán bộ trong cơ quan Bộ Tư lệnh chơi đá bóng. Khi thì ông xung trận, khi thì ông đứng ngoài khích lệ, vỗ tay cổ vũ anh em.

Có một kỷ niệm rất khó quên khi Tư lệnh đá bóng. Một buổi chiều đầu xuân Tân Sửu 1961, Tư lệnh đề nghị đội bóng “cây nhà lá vườn” chơi một trận thật sự “máu lửa” để lấy khí thế cho năm mới. Trận đá hôm đó có nhiều cán bộ chiến sỹ ra sân bóng cổ vũ, hò hét động viên, trong đó có cả vợ Tư lệnh - bà Nguyễn Thị Thanh Xuân. Đang ngồi bên phải sân, nhưng vì bị nắng chói mắt, bà Thanh Xuân liền chạy sang phía sân đối diện, thì vừa hay Tư lệnh đang mải dẫn bóng đã va vào bà, khiển bà bị khuỵu xuống sân bóng. Rất nhanh trí, vị Tư lệnh ham đá bóng đã bế bổng vợ lên chạy vào lề sân nơi có hàng cây nhãn nhiều bóng mát rồi nói “Xin thương binh ngồi đây nghỉ mát, chút nữa đá xong sẽ đưa đi nhà thương”. Thế là hai ông bà cùng nhìn nhau cười trong tiếng vỗ tay rào rào của cả cầu thủ và cố động viên.

Theo bà Phan Thị Gia Liên, con gái út của Tư lệnh thì ông còn là người rất đam mê chụp ảnh “...Mỗi khi có thời gian thư rỗi một chút là cha tôi lại chụp ảnh. Ngay cả những năm tháng ở chiến trường 559, trong lúc đi kiểm tra tuyến đường ông cũng mang theo cả mảy ảnh và máy quay phim để ghi lại những hình ảnh lao động khẩn trương của anh chị em thanh niên xung phong, ghi lại những cảnh rừng, những cung đường bị bom Mỹ tàn phá". Tại khu nhà tưởng niệm cố Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai hiện còn lưu giữ hàng nghìn tấm ảnh đen trắng do chính tay ông chụp, trong đó có tấm ảnh ông đứng bên mộ người mẹ mà ông chụp từ năm 1951, khi đang trên đường từ Nam Bộ ra Trung ương dự đại hội.

Trong công việc, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ là vị Tư lệnh rất nghiêm khắc. Theo tư liệu của ông Trần Liêu, thì vào khoảng giữa năm 1959, trong Lực lượng đã xảy ra một vụ việc rất nghiêm trọng tại bờ bắc cầu Hiền Lương. Đó là việc một chiếc xe tải trong đoàn xe của Công ty giao thông Đặc khu Vĩnh Linh đang chở đá dăm để sửa chữa một đoạn đường ở gần cầu Hiền Lương bị hỏng, đã bất ngờ rú ga vọt lên cầu rồi tung lá cờ trắng ra để cảnh sát đối phương không bắn. Chiếc xe này đã chạy thẳng sang bờ nam sông Bến Hải. Ngay tối hôm đó, địch đưa tên lái xe phản bội này ra “trạm tâm lý chiến” để nói xấu chế độ miền Bắc qua hệ thống loa với âm lượng lớn, nhằm kích động nhân dân sống ở hai bờ sông Bên Hải.

Ban chỉ huy CANDVT Đặc khu Vĩnh Linh đã báo cáo ngay vụ việc này về Bộ Tư lệnh CANDVT để xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Tư lệnh Phan Trọng Tuệ cùng Bộ Tham mưu CANDVT đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn cách giải quyết sự cố đầu tiên này. Một hôm, Tư lệnh giao cho Tham mưu trưởng Huỳnh Thủ khẩn trương soạn thảo mệnh lệnh mới để kịp gửi vào Đặc khu Vĩnh Linh. Nhưng rồi chờ mãi không thấy Văn phòng Bộ Tư lệnh đưa bản chỉ thị bảo vệ giới tuyến mà Tư lệnh đã giao cho Bộ Tham mưu soạn thảo.

Ngay đầu giờ làm việc sáng hôm sau, Tư lệnh trực tiếp đến phòng làm việc của Tham mưu trưởng Huỳnh Thủ. Nghe vị Tham mưu trưởng báo cáo đang sửa chữa văn bản, ông bỗng nổi nóng “..Đã 24 tiếng trôi qua rồi mà vẫn còn chờ... chờ gì nữa? Anh có biết, trong chiến đấu thì 24 tiếng đồng hồ sẽ xảy ra chuyện gì không? Anh đưa tài liệu cho tôi và nửa giờ sau cho một thư ký đánh máy chữ tin cậy sang phòng làm việc của tôi...Nói xong, Tư lệnh đi ngay về phòng làm việc.

Đúng 30 phút sau, Tham mưu trưởng Huỳnh Thủ cử thư ký riêng Trần Liêu mang chiếc máy chữ nhãn hiệu Portarif mới tinh sang phòng Tư lệnh. Ngồi chờ khá lâu nhưng ông Trần Liêu thấy Tư lệnh không nói gì, hai tay chắp sau lưng, đi lại trong phòng làm việc. Bỗng nhiên Tư lệnh đọc to “Việt Nam dân chủ cộng hòa...đánh đi - đánh ở giữa dòng Mệnh lệnh..." Rồi cứ như thế Tư lệnh đọc từng từ, từng câu, rồi từng đề mục, tiểu mục...làm cho ông Trần Liêu rất khâm phục trí tuệ của vị Tư lệnh. Thỉnh thoảng Tư lệnh dừng lại yêu cầu Trần Liêu đọc lại từng đoạn cho ông nghe, để cân nhắc, sửa chữa những ý mà Tư lệnh cảm thấy chưa vừa ý. Hôm đó Tư lệnh làm việc liên tục, quên cả ăn trưa, quên cả uống nước, đến 1 giờ chiều mới xong hai văn bản “Mệnh lệnh hỏa tốc” và “Mệnh lệnh điều chỉnh lực lượng bố phòng giới tuyến quân sự tạm thời trong tình hình mới”. Tư lệnh ký tại chỗ rồi giao cho Văn phòng Bộ Tư lệnh gửi chỉ thị theo đường công văn hỏa tốc.

Cho đến nay, sau 60 xây dựng và trưởng thành, nhưng đa số cán bộ gia nhập Lực lượng CANDVT những năm từ 1960 - 1970 vẫn luôn nhớ và trân trọng Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - vị Tư lệnh dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu; thông minh, nhạy bén trong công tác lãnh đạo chỉ huy và có tấm lòng nhân hậu, luôn trọng dân, thương lính.

Đại tá Hoàng Khúc - Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 20 CANDVT, nguyên Cục phó Cục Tham mưu BĐBP

Đại tá Cao Thế Khiển - Nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu, Điện Biên.

Bình luận

ZALO