Biên phòng - Những ngày giáp Tết, thời tiết bỗng trở nên lạnh hơn. Tôi đang say trong giấc ngủ thì nghe tiếng mẹ gọi: “Dậy! Dậy đi con! Dậy đi chợ Tết với mẹ! Dậy nhanh kẻo mọi người đợi”. Mẹ đánh thức tôi dậy khi tiếng gà còn chưa kịp báo sáng. Tôi chồm dậy, bước vội ra sân. Tiếng gió thổi, tiếng côn trùng kêu rả rích trong màn đêm đặc quánh. Mẹ thắp sáng ngọn đèn dầu và kiểm tra lại mấy thứ rau quả trước khi quảy gánh đem ra chợ.
Giữa năm tám mươi của thế kỷ trước, cha tôi dẫn cả gia đình từ Nghệ An vào Tây Nguyên định cư sinh sống. Lúc mới vào phải ở nhờ trong nhà ông cậu. Ngày đó, rừng rú còn hoang sơ lắm. Ông cậu nói với cha tôi: “Đất đai còn bạt ngàn đó, chú chọn lấy một chỗ mà làm nhà, làm nương”. Cha tôi vâng vâng, dạ dạ. Rồi ông cậu dẫn cha tôi đi xem đất.
Sau bữa cơm chiều, hai người ngồi bàn chuyện tới tận khuya, còn tôi thì thiếp đi trong giấc ngủ, sáng mai tỉnh dậy thấy mọi người trong xóm nói chuyện rôm rả trước sân nhà ông cậu. Họ mang theo những vật dụng như rìu, rựa, liềm, cuốc, xẻng... đến giúp gia đình tôi làm nhà. Mỗi người một việc, người đi chặt cây, người đi cắt cỏ tranh, người đào đất đắp nền nhà. Ai cũng hăng hái nhiệt tình. Chỉ mấy ngày sau, căn nhà hai gian được dựng trên một quả đồi thoáng mát. Có nhà mới, gia đình tôi ai cũng phấn khởi, vui mừng, ngày đêm phát cây, cuốc đất, trỉa ngô, trỉa lúa, trồng cây.
Nhưng, nhà ở vừa ổn định được vài tháng thì mùa khô tới. Cả gia đình vất vả xách từng can nước từ dưới dốc về nấu ăn, tắm rửa, tưới rau. Cha tôi lại đi nhờ mọi người trong xóm chuyển nhà xuống chân đồi. Mặc dù không thoáng đãng bằng chỗ ở cũ, nhưng đổi lại, nhiều thứ rất thuận tiện. Đất mới khai hoang nên trồng cây gì cũng nhanh tốt, nhất là đu đủ và chuối. Những chỗ trũng nước, mẹ trồng rau muống, chẳng có phân tro gì mà rau cứ tốt vùn vụt. Và cứ một tuần hai lần, mẹ quảy gánh đi chợ bán, nhờ vậy mà có đồng ra, đồng vào mua thức ăn...
Tôi ngước nhìn lên đồi cao, nơi mọi người thường đứng chờ nhau đi chợ, đã có ánh sáng le lói thoắt ẩn thoắt hiện của những chiếc đèn dầu hoa kỳ. Ngày thường, mẹ con tôi dậy đi chợ rất sớm, đứng trên đó chờ các chị trong xóm cùng đi. Hôm nay, mẹ ngủ quên hay do mọi người đi chợ sớm? Tôi băn khoăn không rõ. Hơn nửa năm nay, mẹ con tôi lấy mốc thời gian đi chợ bằng tiếng gà gáy đầu.
Giống như mọi lần, tôi cầm đèn đi trước dò đường, còn mẹ quảy gánh đi sau. Lên hết đỉnh đồi, mẹ con tôi dừng lại nghỉ cho đỡ mệt. Mẹ vừa đặt gánh xuống đất, một người phụ nữ bước đến giục: “Hai mẹ con nhanh lên, trời sáng, chợ tan, không bán được hàng, phải quảy về đấy”. Mẹ đang thở hổn hển nhưng vội đứng lên quảy gánh đi tiếp. Cái đòn gánh trên vai mẹ nhún lên nhún xuống, có khi cong như chiếc cung, có khi thẳng như mái chèo theo nhịp bước của mẹ. Mẹ phải gánh cả quãng đường dài bảy, tám cây số mới ra đến chợ.
Có hôm trời mưa, đèn tắt, hai mẹ con phải mò mẫm tìm đường đi. Nhưng lần nào cũng vậy, bán xong hai thúng hàng, gồm các loại rau muống, đu đủ, chuối..., mẹ mua cho tôi một cái bánh.
Hồi chiều hái rau, bao nhiêu ngọn to, ngọn nhỏ trong các luống rau mẹ đều ngắt hết, tôi thấy lạ, hỏi thì mẹ bảo, mẹ muốn có thêm tiền để sắm sanh các thứ lặt vặt trong nhà. Mẹ nói cũng phải, hôm nay đã là ngày Ba mươi Tết rồi, là buổi đi chợ cuối cùng của mẹ trong năm cũ, nên gánh hàng của mẹ nhiều hơn, nặng hơn mọi lần.
Lúc nghỉ mệt, mẹ âu yếm xoa đầu tôi nói: “Bữa nay mẹ mua cho con một bộ quần áo mới để con đi chơi Tết”. “Ôi! Có quần áo mới”, tôi reo lên. Trước giờ, tôi toàn phải mặc đồ cũ do anh chị mặc không vừa để lại, nghĩ đến quần áo mới mẹ sắp mua, tôi mừng rơi nước mắt.
Ra đến chợ, trời vẫn còn tối mịt, vậy mà người bán, người mua đã tấp nập. Mẹ tươi cười mỗi khi khách mua bó rau hay nải chuối. Khi trời hửng sáng, người ta nhìn nhau tỏ rõ mặt người thì gánh hàng của mẹ cũng đã vơi, trong thúng chỉ còn lại vài ba bó rau muống.
Mẹ lấy tiền ra đếm rồi dặn tôi: “Con ngồi đây trông chừng, ai mua rau, con bán để mẹ đi sắm Tết”. Tôi vâng lời. Mẹ bước đi, lẫn vào dòng người náo nhiệt trong chợ. Một lát sau, mẹ quay lại cùng với hai bịch bóng ni lông xách nặng trên tay. Và cũng giống như những lần trước, mẹ mua cho tôi một cái bánh.
Buổi sáng hôm ấy, trên đường về nhà mẹ nói với tôi: “Năm nay là năm đầu tiên gia đình mình ăn Tết ở trong Nam, nên mẹ phải nấu một bữa cơm thịnh soạn mừng năm mới”. Hai mẹ con phấn khởi vừa đi, vừa nói chuyện suốt dọc đường về. Tuy gánh hàng của mẹ chẳng được bao nhiêu tiền, nhưng mẹ biết tính toán nên cũng mua được nhiều thứ. Năm ấy, gia đình tôi được hưởng cái Tết thật là ấm cúng.
Nay mẹ tôi đã già và cũng không còn gánh hàng đi chợ bán nữa, mà cái chợ ngày xưa người ta cũng đã phân lô bán cho người dân ở. Chẳng còn một dấu tích nào nơi trước kia mẹ con tôi hay ngồi bán, mọi thứ chỉ còn trong ký ức.
Bây giờ ra chợ nhìn thấy gánh hàng rau của các chị, tôi lại nhớ đến gánh hàng rau của mẹ và nhớ đến Tết xưa. Bao năm mẹ đã oằn vai gánh cuộc đời tuổi thơ của tôi đi qua gian khổ để lớn lên thành người.
Tản văn: Xuân Hải