Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Nhớ cánh hoa Pơ lang

Biên phòng - “Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều?”. Quê tôi mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất vẫn là những ngày tháng Ba. Tháng Ba về, lòng tôi nao nao nhớ quê, nhớ những cánh hoa Pơ lang mộc mạc, dung dị đang nở thắm tươi giữa đất trời Tây Nguyên hùng vĩ.

Hoa Pơ lang. Ảnh minh họa: Internet

Hoa Pơ lang thuộc họ gạo, còn được biết với nhiều cái tên khác nhau: hoa gạo, hoa mộc miên. Cây có gai và bạnh vè ở góc, lá kép chân vịt mọc so le, hoa màu đỏ kết thành chùm và thường nở trước khi ra lá. Pơ lang là loài hoa gần gũi, quen thuộc với mọi làng quê Việt Nam. Thế nhưng nhiều hơn cả vẫn là vùng đất Tây Nguyên quê tôi. Tôi đã từng tò mò vì điều này cho đến khi được bố giải thích: Pơ lang hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Tây Nguyên mình nên chỉ cần quả rơi xuống là sẽ mau chóng mọc lên những cây Pơ lang tươi tốt, căng tràn sức sống và rực rỡ sắc hoa.

Những ngày xa quê, nhớ Pơ lang, tôi nhớ về loài hoa đã đi vào sử thi, cổ tích, huyền thoại của các dân tộc Ê Đê, M’nông, Jrai… qua lời kể của những già làng quê tôi qua bao thế hệ; đi vào cả những nếp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và trở thành bản sắc người dân phố núi. Pơ lang được xem như biểu tượng của đất trời Tây Nguyên mùa Xuân, của đời sống tâm linh và ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn của mỗi người dân miền đất đỏ đã từ rất lâu. Có lẽ bởi vậy, sau mùa lễ hội, người dân quê tôi lại rời cành Pơ lang đem trồng ở một góc sân, chờ đợi cây từng ngày phát triển như niềm mong mỏi, kì vọng về một vụ mùa bội thu, no ấm; hạnh phúc, yên bình. Với người dân Tây Nguyên, Pơ lang là người bạn thương mến, mỗi lần phát nương phát rẫy, mọi người vẫn giữ lại từ những cây Pơ lang nhỏ nhất với niềm tin, cây sẽ góp mình giữ gìn vùng đất cao nguyên lộng gió này.

Dù nắng gió của mùa khô quê tôi có bỏng rát đến đâu thì những cánh hoa Pơ lang vẫn kiên cường bám chặt cành, vẫn khoác lên mình màu áo đỏ rực, vẫn hấp dẫn ngàn vạn ong bướm, chim chóc bay về tìm mật, làm tổ. Bố mẹ tôi luôn tự hào về những cánh hoa Pơ lang. Mẹ bảo: Hoa giống như người con gái Tây Nguyên tuổi đôi mươi khỏe đẹp, kiên cường. Bố lại nói: “Hoa cũng giống như những con người Tây Nguyên hiền lành, khiêm tốn, phóng khoáng và dạt dào trái tim yêu thương”.

Hoa Pơ lang chẳng phải “nữ hoàng nhan sắc”; cũng chẳng yêu kiều, hấp dẫn trong ngàn vạn loài hoa. Pơ lang bình dị, chân chất nên gần gũi, thương thiết rất lạ; đủ làm đắm say, vấn vương trong lòng mỗi người. Chẳng thế mà có biết bao tuyệt phẩm thi ca, nhạc họa cứ thế ra đời mang hình bóng Pơ lang. Ví như, nhạc sĩ Đức Minh đã từng ngợi ca: “Tây Nguyên ơi! Hoa rừng bao nhiêu thứ/ Cánh hoa nào đẹp nhất rừng/ Tây Nguyên ơi…/ Anh có nhớ buôn làng, nhớ người con gái/ Nhớ cánh hoa Pơ lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên…”.

Nhớ cánh hoa Pơ lang, tôi lại nhớ về tình yêu thủy chung của mẹ dành cho bố. Bố, người lính Biên phòng trong bộ quân phục màu xanh lá cây, từ dưới xuôi tự nguyện lên miền ngược làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới. Mẹ, cô gái Jrai với nước da ngăm đặc trưng vừa xinh đẹp, duyên dáng, vừa khéo léo, giỏi giang. Họ gặp nhau giữa mùa Pơ lang e ấp. Vì tình yêu với mẹ, bố tự nguyện ở lại với mảnh đất Tây Nguyên, làm rể núi rừng. Đám cưới của bố mẹ tổ chức giữa lúc những cánh Pơ lang nở rộ. Và càng đặc biệt, tôi được mẹ sinh ra cũng chính mùa Pơ lang sắp sửa đơm hoa… Với tôi, Pơ lang chẳng những là tình yêu với cội nguồn, với đất mẹ, mà còn là “kho tàng” kỷ niệm nhiệm màu.

Chiều nay, tôi điện về thăm nhà. Mẹ bảo, bố vẫn hàng ngày thầm lặng tuần tra bảo vệ biên cương. Mẹ còn khoe: Tiết trời đã ấm áp, nắng quê tràn ngập khắp nẻo, những cánh hoa Pơ lang cũng đang bắt đầu thắp lửa một góc trời… Nghe chưa dứt lời mà lòng tôi đã chộn rộn, xốn xang!

Nguyễn Xuyên

Bình luận

ZALO