Biên phòng - Điểm chung trong những lời tâm sự của những gia đình được Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu, Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang giúp đỡ, đó là sự biết ơn vì đã được chỉ cho lối đi đúng đắn, cách làm hay trong việc vươn lên thoát nghèo. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều gia đình ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang gặp không ít khó khăn, nhưng các hộ được Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu giúp đỡ vẫn “sống khỏe”, không chỉ tự lo được cho bản thân mình mà còn có thể giúp đỡ, chia sẻ với những người khác. Sự “chung tay” của người lính Biên phòng đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Gắn bó nhiều năm với xã Ma Lé, Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu thuộc tên từng thôn bản, đặc điểm địa hình, khí hậu của vùng đất cũng như phong tục tập quán của bà con trên địa bàn. Anh cũng tự học và thông tạo tiếng dân tộc. Điều đó tạo nhiều thuận lợi cho anh khi làm công tác vận động quần chúng. Anh Dậu được đơn vị phân công phụ trách, giúp đỡ 5 hộ gia đình Sùng Mí Chứ, Thò Pá Chính, Vừ Chúng Chứ, Thò Thị Mỷ, Sùng Pó Lành (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn). Những hộ này đều là hộ nghèo, tuy nhiên điều đó giờ đã trở thành … chuyện cũ. Nhà nào cũng có thu nhập ổn định từ những mô hình phát triển kinh tế bởi vậy trong khi không ít người khó khăn vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì những hộ dân này vẫn có cuộc sống ổn đỉnh, thậm chí có thể chia sẻ, hỗ trợ cho các gia đình khác.
Ông Pó Lành chia sẻ câu chuyện của mình: “Vợ chồng tôi đều ngoài 70 tuổi, Con trai mất, con dâu bỏ đi, để lại cho vợ chồng ông 3 đứa cháu non dại. Hai ông bà vốn đã nghèo khó lại phải nuôi thêm 3 cháu nhỏ nên cuộc sống càng thêm vất vả. Sức khỏe có hạn, ngôi nhà ở thì lụp xụp bao năm không sửa được vì chả có thu nhập gì ngoài nương ngô. Thế rồi anh Dậu kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ 60 triệu đồng giúp chúng tôi xây lại nhà. Khi đã yên tâm về nơi ở, anh tìm mọi cách giúp gia đình ông Lành phát triển sản xuất thông qua việc hỗ trợ 1 con bò sinh sản, 1 cặp dê giống. Giờ thì vợ chồng tôi không phải lo lắng chuyện ăn, ở và tương lai vì đã qua cái nghèo, đói rồi”.
Anh Dậu tâm sự: “Đầu tiên, tôi cảm thấy rất áp lực khi được giao phụ trách, giúp đỡ các hộ dân. Tất cả 5 hộ đều là hộ đặc biệt khó khăn, không có vốn sản xuất, diện tích đất canh tác ít, có hộ neo đơn, không có sức lao động. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế, tìm được giải pháp, phương hướng để giúp đỡ các hộ dân này, tôi cảm thấy không còn áp lực nữa, khó khăn cũng dần được tháo gỡ. Điều quan trọng là hướng dẫn được bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tôi cho rằng, việc giúp bà con tìm được hướng đi đúng, mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế gia đình là đã thành công được một nửa”.
Đến nay, anh Dậu có khoảng thời gian gần 3 năm gắn bó với các gia đình mà anh phụ trách. Đời sống của cả 5 hộ dân đã có những chuyển biến tích cực. Chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng người dân biên giới xây dựng cuộc sống, anh Dậu vui vẻ nói: “Với trách nhiệm của người đảng viên, tôi tìm mọi biện pháp giúp đỡ bà con vơi bớt khó khăn. Đầu tiên, tôi gặp gỡ, xem bà con thiếu gì, cần giúp gì. Cùng với đó, tôi hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đưa giống mới vào sản xuất, tập trung chăn nuôi, trồng cỏ nuôi gia súc. Với hộ có vốn, tôi tư vấn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, trồng cỏ nuôi gia súc. Tôi cũng hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại, ủ cỏ, đăng ký mua giống mới, nhắc bà con lịch tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm”.
Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, anh Dậu còn kêu gọi các nhà hảo tâm tặng nước sát khuẩn, khẩu trang, lương thực, thực phẩm cho các hộ dân mà anh phụ trách. Trò chuyện hồi lâu với anh, tôi mới biết, anh Dậu vốn quê Nghệ An, ngược lên phía Bắc nhận công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú từ năm 1993. Từ đó đến nay, ngoài 3 năm tăng cường công tác tại phía Nam, tính ra có đến 20 năm anh gắn bó với vùng đất này. Vì lẽ đó, cũng là điều dễ hiểu khi anh am hiểu địa bàn, thông thạo tiếng của đồng bào dân tộc, hiểu rõ bà con dân tộc như người trong gia đình.
“Khi tìm hiểu, tôi mới nhận ra rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến bà con nghèo. Đó là thiếu lao động, thiếu kỹ thuật canh tác, thiếu vốn để sản xuất. Thêm vào đó, điều kiện khí hậu ở đây quá khắc nghiệt, đất ít, lại không đủ nước để sản xuất. Mỗi năm bà con chỉ trồng được một vụ ngô. Nhưng điều cốt yếu nhất khiến bà con nghèo khổ là chưa tìm được mô hình sinh kế phù hợp và hiệu quả” - anh Dậu quả quyết.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biên phức tạp, khó lường và dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước. Bởi vậy, người dân càng phải xác định được việc tự chủ kinh tế để có thể vượt qua đại dịch. Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Đồng Văn, hướng phát triển kinh tế hiệu quả nhất là chăn nuôi dê, bò. Để giải quyết khó khăn là vào mùa đông do trời quá lạnh, thức ăn cho gia súc rất khan hiếm. này, tôi hướng dẫn bà con thu gom cỏ từ trước khi trời chuyển lạnh, ủ chua làm thức ăn dự phòng cho vật nuôi. Mùa đông, gia súc sẽ ít chết nếu đốt lửa sưởi ấm cho gia súc, che chắn kín chuồng trại, tránh gió lùa, đồng thời, và được chô ăn thêm muối và thức ăn tinh” Giải quyết được các điểm mấu chốt trên, đàn gia sức sẽ được bảo toàn đồng nghĩa với việc người dẫn sẽ khắc phục được khó khăn để vượt qua đại dịch Covid-19.
Bích Nguyên