Biên phòng - Những ngày gần cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lịch sử đặt lên vai nhân dân Phú Yên một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng rất vẻ vang, đó là phá tan ý đồ co cụm chiến lược, rút quân từ Tây Nguyên xuống trấn giữ đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ, chờ thời cơ phản kích của ngụy quyền Sài Gòn. Với sự nhanh nhạy, nắm bắt tình hình và sự chủ động, táo bạo trong nghệ thuật tác chiến, quân và dân tỉnh Phú Yên đã làm nên một trận "Bạch Đằng trên cạn", đánh tan tác các đơn vị tinh nhuệ của quân ngụy trên đường 5 và đường 7, tạo đà cho trận đánh cuối cùng giải phóng thị xã Tuy Hòa, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1-4-1975, góp phần to lớn làm nên đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Cách đây 20 năm, ngày 18-6-1997, Bộ Văn hóa,Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận di tích đường số 5 (địa phận tỉnh Phú Yên) là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của lịch sử dân tộc với thành tích chiến đấu xuất sắc, một trong những chiến công oanh liệt nhất của quân và dân tỉnh Phú Yên trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Đường số 5 của 42 năm về trước, nay là Quốc lộ 29 qua Phú Yên - Đắk Lắk theo trục Đông - Tây. Đoạn qua tỉnh Phú Yên dài trên 40km, nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 14. Những ngày này, dọc theo hai bên đường, những cánh đồng lúa chín vàng đang vào mùa gặt. Đường 5 giờ đây đã là con đường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng từ đồng bằng Tuy Hòa, Tây Hòa lên các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, ngang qua khu vực Thủy điện Sông Hinh, Nhà máy đường Đồng Bò. Dấu tích một thời ác liệt với lửa đạn, khói súng đã lùi xa, nhưng trong ký ức của những người một thời vào sinh, ra tử cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước ở dải đất đồng bằng ven biển Nam Trung bộ này, câu chuyện cuộc chiến trên đường 5 vẫn như mới hôm qua.
Ông Nguyễn Duy Luân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngày đó kể: Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ (ngày 10-3-1975), Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố bỏ Tây Nguyên, rút ngụy quân về lập phòng tuyến cố thủ ở đồng bằng duyên hải miền Trung, chờ thời cơ phản kích. Đồng thời, cử Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm ra thị xã Tuy Hòa chỉ huy cuộc rút lui chiến lược này.
Trong kế hoạch rút quân về đồng bằng duyên hải, ngụy quyền Sài Gòn vẫn hy vọng, con đường số 7 qua Cheo Reo (nay thuộc thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), vốn là con đường bị lãng quên nhiều năm nay, sẽ là điều kiện thuận lợi cho cuộc tháo chạy này. Nắm bắt ý đồ của địch, quân và dân tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Sư đoàn 320 đánh địch rút từ Tây Nguyên xuống theo hướng đường 7.
Lệnh trên chỉ đạo là thế, nhưng những tin tức báo về Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên cho thấy địch có thể rẽ sang đường 5. "Mấy ngày liền, địch cho máy bay trinh sát rà soát liên tục ở huyện Tuy Hòa 1 (địa bàn dọc trục đường số 5) để quan sát địa hình, đồng thời cho trực thăng chở phương tiện từ Nha Trang ra làm cầu phao. Chúng đâu biết, căn cứ địa hình chiến trường, đường 7 vừa hiểm trở, vừa là con đường quan trọng nên ta đã bố phòng, chốt từ nhiều năm nay. Trong khi đó, phía đường 5, cứ điểm Cầu Cháy quan trọng cùng một số cứ điểm khác vẫn do ngụy quân chiếm giữ và chưa hề có tiếng súng của ta" - Người Bí thư Tỉnh ủy năm xưa nhớ lại.
Tại cuộc họp Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên tổ chức ở núi Hương, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa thời điểm đó, cơ quan đầu não chiến dịch đã quyết định tập trung lực lượng, tiêu diệt địch trên đường 5. Toàn bộ lực lượng bộ đội địa phương được bố trí ém quân theo trục đường 5. Ở hướng thị xã Tuy Hòa và các huyện vẫn giữ nguyên thế trận để nghi binh địch. "Đó là quyết định đầy táo bạo, trên cơ sở nắm bắt kịp thời, chính xác tình hình đối phương của Sở chỉ huy tiền phương Phú Yên" - Ông Nguyễn Duy Luân khẳng định.
Từ ngày 16-3-1975, quân ngụy bắt đầu rút từ Tây Nguyên về đồng bằng theo đường số 7. Lực lượng của địch với toàn bộ số quân còn lại của Quân đoàn 2 gồm 1 sư đoàn bộ binh, 6 liên đoàn biệt động quân, 2 trung đoàn thiết giáp, 6 tiểu khu ở Phú Bổn, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với tổng cộng trên 20.000 quân và trên 2.500 xe quân sự các loại. Ngày 17-3-1975, nhận lệnh cấp trên, Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên điều động Tiểu đoàn 96 từ thị xã Tuy Hòa lên Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) chặn đánh địch, nối liên lạc với Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 bộ đội chủ lực đang truy kích địch từ Tây Nguyên xuống.
Đúng như nhận định của ta, ngày 17-3-1975, quân địch hối hả vận chuyển phương tiện lên phía Thạnh Hội làm cầu phao dã chiến bắc qua sông Ba, mở lối thông từ đường 7 qua đường 5 tại thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa). Chiều 17-3, bộ phận đi đầu của quân ngụy đã đến Củng Sơn, tập kết ở ngã ba Thạnh Hội và chuẩn bị vượt sông Ba. Tiếp đó, hàng loạt cứ điểm theo dọc trục đường 5 và vùng phụ cận được địch bố trí nhiều khẩu pháo và lực lượng nhằm yểm trợ cho ngụy quân đang tháo chạy.
Chớp thời cơ, vào lúc 4 giờ 45 phút, ngày 19-3-1975, ta mở màn chiến dịch, nổ súng tiêu diệt Cầu Cháy, xóa sổ các cứ điểm của địch ở dọc đường 5, thuộc huyện Tuy Hòa 1, làm chủ trận địa, giữ vững ga Gò Mầm không cho địch phản kích chiếm giữ. Chiều 19-3, 5 xe bọc thép địch từ Hòn Kén xuống bị ta diệt gọn. Cả đoàn quân hàng chục nghìn người và xe pháo ùn lại, náo loạn. Các lực lượng của Tỉnh đội Phú Yên bắt đầu tiêu diệt các cụm quân địch ở Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Phong, Hòa Mỹ để thông đường và kiểm soát đường 5, đồng thời đánh lui các đợt phản kích của địch từ Tuy Hòa lên, từ Nha Trang ra đón quân Tây Nguyên xuống.
Suốt các ngày từ 21 đến 23-3, địch tập trung bộ binh, không quân, pháo binh phản kích hòng mở đường về thị xã Tuy Hòa. Giữa chiến trận ác liệt, đường 5 bị cày xới tan hoang, nhiều chiến sĩ thương vong, nhưng bộ đội Phú Yên vẫn giữ vững trận địa.
Đêm 23 và rạng sáng 24-3, Tiểu đoàn 96 Phú Yên bắt liên lạc được với quân của Sư đoàn 320 theo đường 7 truy kích địch đánh xuống. Phát hiện quân chủ lực của ta, địch cho máy bay ném bom đánh sập cầu phao bắc qua sông Ba, đoàn xe di tản khổng lồ của địch bị ứ lại tại bờ Bắc... Phía trước bị chặn, phía sau bị tiến công, lực lượng ngụy quân không còn kháng cự mà tranh đường của nhau để chạy trong sự hỗn loạn. Trận đánh đường 5 cơ bản kết thúc vào trưa 25-3.
Với Chiến thắng đường 5, quân và dân tỉnh Phú Yên và các đơn vị chủ lực không cho cánh quân mạnh của địch từ Tây Nguyên rút về duyên hải hợp với lực lượng tại chỗ. Việc giải phóng Tuy Hòa, Phú Yên vì thế trở nên thuận lợi hơn.
Sáng 1-4-1975, khi bộ đội tiến công vào thị xã Tuy Hòa, chiếc máy bay trực thăng của địch ở Phú Yên chuẩn bị đưa những tướng lĩnh cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn lên máy bay rút khỏi thị xã Tuy Hòa đã bị đạn pháo của ta phá hỏng. Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm cải trang thành thường dân, lội qua sông Đà Rằng tìm đường chạy trốn, nhưng đã bị dân quân huyện Tuy Hòa 1 vây bắt vào sáng 2-4-1975.
Phương Oanh