Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

“Nhịp sống biên cương” qua ống kính người lính Biên phòng

Biên phòng - Mang trong mình niềm đam mê với nhiếp ảnh, bởi vậy mà chỉ với hơn chục năm công tác ở biên giới nhưng Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn (Huấn luyện viên chó nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh) đã sở hữu kho ảnh khá đầy đủ về cuộc sống quân và dân nơi biên cương đầy sắc màu. Những bức ảnh gây ấn tượng với người xem không chỉ bởi sự độc đáo mà còn vì những “câu chuyện” mà anh muốn giới thiệu với người xem.

Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn tại lễ trao giải Cuộc bình chọn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 “Việt Nam những ngày không quên”. Ảnh: Trúc Hà

Tại lễ trao giải Cuộc bình chọn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19- “Việt Nam những ngày không quên” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức cuối tháng 12-2020, Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn được mời đến với tư cách là tác giả có tác phẩm tham gia bình chọn. 2 bức ảnh có nội dung về cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở trên biên giới ngăn chặn triệt để hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, kiên quyết không để dịch Covid-19 lây lan vào nội địa được Ban tổ chức trao giải Ba. Tác phẩm do chính người lính Biên phòng làm nhiệm vụ trên biên giới ghi lại đã thực sự chinh phục người xem bởi tính chân thực trong từng khoảnh khắc.

Chia sẻ về tác phẩm của mình, Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn cho biết, anh chụp ảnh cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 thuộc địa phận thôn Lục Chấn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào khoảng tháng 6-2020. Chốt được dựng đơn sơ trên bờ sông Ka Long, người lính Biên phòng ôm súng đứng gác trong trời sương mờ ảo nhưng không gian vẫn rực sáng bởi lá cờ Tổ quốc. Người lính Biên phòng và cờ Tổ quốc trên chốt là minh chứng của thông điệp “Chúng tôi kiên quyết không để dịch Covid-19 lây lan vào nội địa”.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn được nhận giải thưởng về nhiếp ảnh. Năm 2019, tại Cuộc thi “Vẻ đẹp Việt Nam” do Truyền hình Nhân dân tổ chức, tác phẩm “Trận bóng đá nữ các dân tộc trên đỉnh Pò Hèn” của anh đã đoạt giải Nhất kỳ thi tháng 4- 2019 và giải Ba chung kết năm 2019. Ban Giám khảo đã chọn tác phẩm này vì sự mới lạ, độc đáo với hình ảnh những cô gái dân tộc Sán Chỉ mặc váy, vấn khăn nhưng đi giày thể thao và lăn xả với trái bóng. Qua bức ảnh, người xem có thể cảm nhận được không khí sôi nổi của Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Niềm vui quá lớn đối với người lính Biên phòng không chỉ bởi tài năng được ghi nhận mà còn vì đã giới thiệu được với mọi người về hoạt động văn hóa của đồng bào nơi biên cương Tổ quốc.

Tác phẩm của Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn trong Cuộc bình chọn tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19- “Việt Nam những ngày không quên”. Ảnh: Quốc Toàn

Với thế mạnh là người lính đang trực tiếp làm nhiệm vụ trên biên giới lại có chút “nghề” nên nhiều lần Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn được các cơ quan, ban, ngành địa phương mời tham dự triển lãm ảnh. Tháng 2-2018, anh gửi tác phẩm tham dự triển lãm ảnh “Đất và người vùng Đông Bắc”, tổ chức tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh với 2 tác phẩm “Hải Đăng Vĩnh Thực” và “Hoàng hôn trên đảo Vĩnh Thực” (được chụp trong thời gian Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia). Mới đây nhất, anh hoàn thành bộ ảnh về Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn để tham dự triển lãm kích cầu du lịch, dự định được thành phố Móng Cái khai mạc vào tháng 3-2021.

Trong kho ảnh của Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn không thể thiếu hình ảnh về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số - những “cột mốc sống”, luôn kề vai, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Đáng chú ý như các bức ảnh về đám cưới người Dao Thanh Phán (ở trị trấn biên giới Hoành Mô, huyện Bình Liêu) hay đám cưới của người Sán Chỉ (ở xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái - địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Pò Hèn)... Chụp ảnh với tâm trạng muốn khám phá, tìm hiểu nên những bức ảnh của Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn có bối cảnh chân thực nhất vì mọi thứ diễn ra thật tự nhiên. Cứ thế, người lính Biên phòng thu gọn nhịp sống biên cương đầy màu sắc vào trong ống kính.

Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn chia sẻ, niềm đam mê của anh bắt đầu khi còn là chiến sĩ, thực hiện nhiệm vụ tại nhà khách K9 của Bộ Tư lệnh BĐBP. Thời điểm đó, anh có dịp quen biết các phóng viên ảnh như Nguyễn Hồng Vĩnh, Phạm Yên... của Báo Tiền phong. Một lần, đi qua sân nhà khách K9, phóng viên ảnh Phạm Yên thấy anh ngồi ngắm say sưa tác phẩm của mình, ông dừng lại trò chuyện. Biết được ước mơ của chàng lính trẻ, ông đã chỉ dạy cho anh những bài học đầu tiên về kỹ thuật chụp ảnh, như lựa chọn khoảnh khắc bấm máy, góc độ, ánh sáng.

Tác phẩm “Trận bóng đá nữ các dân tộc trên đỉnh Pò Hèn”. Ảnh: Quốc Toàn

Sau này, khi về công tác tại BĐBP Quảng Ninh, Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn có dịp tiếp xúc, làm quen và chiếm được cảm tình của các nghệ sĩ là hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam như Dương Phượng Đại, Nguyễn Khắc Đam, Nguyễn Hải Huy. Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Đam cũng phải công nhận: “Những tác phẩm của Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn có một màu sắc rất riêng. Có lẽ, đó vì biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt của những người lính Biên phòng nên các anh có cảm nhận riêng mà chúng tôi không có được”.

Lúc này đây, Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn và đồng đội vẫn đang chốt trực, bám đường biên, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19 lây lan qua biên giới. Những đêm lạnh giá, đứng gác bên bờ sông biên giới, Thượng úy Nguyễn Quốc Toàn chỉ mong sớm hết dịch, cuộc sống trở lại bình thường, anh sẽ có thời gian thỏa niềm đam mê làm đầy thêm kho tư liệu về biên giới...

Trúc Hà

Bình luận

ZALO