Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Nhịp sống bên dòng sông biên giới Sê Pôn

Biên phòng - Được bắt nguồn từ Lào, hòa mình vào đất Việt, sông Sê Pôn chảy qua 8 xã, thị trấn biên giới của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Với chiều dài gần 70km cũng là đường biên giới của hai nước Việt Nam - Lào, sông Sê Pôn đã góp phần tạo nên cuộc sống no ấm cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô và sắc màu tình đoàn kết quân dân nơi biên cương Tổ quốc.

Trung tá Trần Đức Tứ giới thiệu về đường biên giới cho Thượng úy Trần Văn Bảo và Thượng úy Nguyễn Đình Hoàng. Ảnh: Trúc Hà

Thức dậy ở Pa Roi

Buổi sớm hôm ấy, tôi có may mắn theo tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị do Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên làm tổ trưởng đi làm nhiệm vụ ở một vị trí đặc biệt. Đó là thôn Pa Roi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa), nơi sông Sê Pôn từ Lào chảy vào đất Việt Nam. Đường tuần tra không có cảnh “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi” nhưng để lại bao nhiêu xúc cảm, nhất là khi thấy cột mốc hiện ra uy nghi bên bờ sông Sê Pôn. Đây là cột mốc 3 cùng số với cột mốc 608 (1) tọa lạc trên đất Việt Nam và cột mốc 608 (2), 608 (3) nằm trên đất Lào.

Sau này, tôi chợt nhận ra sông Sê Pôn rất đặc biệt. Nếu như ở thượng nguồn, sông Sê Pôn được suối biên giới Ka Long “chào mừng” thì về hạ lưu, nó cũng “kịp đón” suối biên giới Xà Ợt ngay trước khi trở về đất Lào. Từ thị trấn Lao Bảo đến xã A Dơi, đường biên giới nằm hoàn toàn trên sông, bởi vậy mà sông Sê Pôn trở thành một phần cuộc sống của người lính Biên phòng như lời Trung tá Trần Đức Tứ chia sẻ: “Trăm lần như một, mỗi lần đứng trước cột mốc biên giới, trước dòng Sê Pôn, trong tôi đều trào dâng cảm xúc thiêng liêng. Nó trở thành máu thịt để mỗi lúc đi xa, rồi quay lại nhìn thấy sông, thấy cột mốc như được trở về nhà và quê hương”.

Thượng úy Trần Văn Bảo và Thượng úy Nguyễn Đình Hoàng (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh) mới được tăng cường cho chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là chốt) số 71 của Đồn Biên phòng Ba Tầng. Đang ở thành phố náo nhiệt bỗng nhận lệnh lên biên giới, bốn bề rừng núi, thế nhưng, những chàng trai trẻ cũng sớm thích nghi, bắt nhịp với cuộc sống trên chốt và biết thêm nhiều bài học giá trị từ cuộc sống hằng ngày.

Người dân hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc lâu đời nên khi đồng bào Vân Kiều ở Việt Nam khấm khá lên nhờ trồng sắn, chuối liền “bày cách” cho người anh em ở Lào cùng làm ăn. Dịch Covid-19 bùng phát, việc qua lại biên giới tạm dừng, sắn, chuối trồng được không trở thành hàng hóa, cuộc sống vì thế vô cùng khó khăn. Đồn Biên phòng Ba Tầng mua 3 máy thái sắn lát tặng 3 bản của Lào là Xe, A Dong và Rạ (huyện Sa Muồi, tỉnh Sa La Van) cũng là các bản kết nghĩa với thôn Xa Truông, Trùm và Loa (xã Ba Tầng). Có máy, người dân có thể xắt lát, phơi khô bảo quản hoặc chế biến món sắn chua cho bữa ăn hằng ngày. “Không thể để người dân đói khi sống trên đống lương thực” - Trung tá Trần Đức Tứ đau đáu.

Sinh kế gắn với bảo vệ chủ quyền

Nếu như ngày cuối năm, người ta thấy bờ sông trống hoác vì lũ thì chỉ ra Giêng đã thấy xanh rì các bãi cát. Lũ rút, đồng bào tranh thủ trồng nào khoai lang, nào bí và cả ngô. Chiều chiều, các chị, các mẹ lại xuống sông, xách từng can nước cần mẫn tưới cho cây. Tất nhiên, những người lính Biên phòng cũng không ngoại lệ. Xác định thực hiện nhiệm vụ trên chốt lâu dài, việc chính quy hóa không chỉ ở chỗ sinh hoạt, làm việc mà còn tăng gia sản xuất đảm bảo hậu cần cho bộ đội.

Đến nay, 100% các chốt đều đảm bảo được rau xanh, nhiều chốt thậm chí còn thừa rau cung cấp cho người dân lân cận. Gà, vịt cũng được bộ đội chăm chút nên chẳng mấy mà thành đàn. Không những thế, việc tăng gia sản xuất trên các chốt còn là “mô hình kinh tế mới”, sẵn sàng chuyển giao cho người dân.

Mô hình trồng lạc trên đất cát của cán bộ, chiến sĩ chốt số 55, Đồn Biên phòng Thanh. Ảnh: Trúc Hà

Chốt số 55 của Đồn Biên phòng Thanh nằm sát bờ sông Sê Pôn chảy qua địa phận thôn Ba Viêng, xã Thanh. 6 tháng trước, chốt trưởng là Thượng úy Lê Mạnh Cường nhận thấy đất ở vườn tăng gia rất xốp, nhiều phù sa, nếu chỉ trồng rau củ thì... phí nên quyết định trồng thử nghiệm lạc. Đất tốt lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên khi thu hoạch, lạc rất sai củ, hạt mẩy.

Ông Hồ Văn Mái nhà ở gần chốt số 55 nên tận mắt chứng kiến từ lúc bộ đội làm đất, gieo hạt cho đến thu hoạch. Ông đã bàn với vợ, mùa lạc tới sẽ nhờ bộ đội đến giúp. Biết được dự định của ông Mái, những người lính Biên phòng thấy phấn khởi vì việc làm của mình đã bước đầu lan tỏa. Ai cũng hy vọng rằng, cây lạc sẽ là loại cây mới giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh lại tâm huyết với Dự án 1 triệu cây xanh trồng dọc theo bờ sông biên giới. Theo đó, Đồn Biên phòng Thanh và Câu lạc bộ Hoa tình nguyện VY’S TEAM hỗ trợ các hộ dân có đất canh tác ở gần bờ sông Sê Pôn với 1 triệu cây keo giống. Trồng keo sẽ vừa giúp gia cố được bờ sông trước lũ, vừa giúp người dân có thêm nguồn thu nhập vì chỉ sau 4-5 năm, mỗi héc ta có thể thu về 70-100 triệu đồng. Đến nay, keo đã cao vượt quá đầu người, bắt đầu cắm sâu rễ vào lòng đất.

Trung tá Ngô Trường Khôi cho biết: “Hiệu quả từ việc trồng keo dọc theo bờ sông Sê Pôn đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Chỉ vài năm nữa, cây phát triển mạnh, bờ sông được gia cố mà người dân sẽ có thu nhập không nhỏ. Tôi sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn tài trợ để có thể phủ xanh bờ sông biên giới không chỉ ở xã Thanh mà sang xã Xy và những nơi khác nếu người dân có nhu cầu”.

Cây chuối, sắn vốn là cây chủ lực đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc sống ven sông Sê Pôn. Tuy nhiên, năng suất ngày càng thấp cộng với dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bao tiêu sản phẩm. Người dân phải tìm hướng đi mới trong khi chờ sự phục hồi sau đại dịch, bởi vậy, những mô hình phát triển kinh tế mới cho các hộ gia đình của Đồn Biên phòng Thanh thật sự trở thành cứu cánh cho người dân thời gian khó khăn này.

Trúc Hà - Phan Vĩnh

Bình luận

ZALO