Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 06:08 GMT+7

Nhịp cầu nối những trái tim yêu văn học Việt Nam - Campuchia

Biên phòng - Trong ngót 10 năm (1980-1989) sinh sống và làm việc tại Campuchia với tư cách chuyên gia rồi phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nhà báo Phùng Huy Thịnh đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của Campuchia như: Truyện cổ tích, truyện thiếu nhi, truyện ngắn, thơ… Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến trường ca “Tum Tiêu” dài 4.024 câu thơ theo thể thất ngôn. Có thể nói, những tác phẩm văn học này đã trở thành nhịp cầu kết nối những trái tim yêu văn học hai quốc gia láng giềng Việt Nam - Campuchia.

1fm0_9a
Nhà báo Phùng Huy Thịnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 1980, nhà báo Phùng Huy Thịnh tham gia cùng đoàn cán bộ, phóng viên của TTXVN và một số cơ quan khác sang nước bạn Campuchia giúp đỡ xây dựng Hãng Thông tấn Quốc gia SPK - tiền thân của AKP ngày nay. Để chuẩn bị cho chuyến đi lịch sử này, ông đã được học 5 tháng cấp tốc tiếng Khmer tại thành phố Hồ Chí Minh. Với thời gian ít ỏi như vậy, nhưng có thể nói, sự thông minh, sáng tạo cộng với tinh thần tự học qua sách vở và học từ cuộc sống, Phùng Huy Thịnh đã nhanh chóng trở thành người hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ và nền văn hóa Campuchia.

Đặt chân đến đất nước Campuchia trong hoàn cảnh chính trị rất rối ren, khi chế độ diệt chủng Pol Pot mặc dù đã tan rã nhưng đám tàn quân vẫn chưa bị tiêu diệt hết. Chúng lẩn trốn trong rừng rồi tổ chức phục kích, tập kích các đoàn cán bộ hoặc trụ sở của ta, trong đó có những cán bộ, phóng viên của TTXVN.

Với niềm say mê văn chương từ những năm học tập, giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau chừng 5 năm, ông đã dịch thành công một số truyện ngắn của các nhà văn Cam-pu-chia sang tiếng Việt. Nối tiếp thành công đó, ông tiếp tục dịch những truyện cổ, truyện dân gian vốn chứa đựng nhiều vẻ đẹp về văn hóa và ngôn ngữ dân tộc Campuchia. Đặc biệt, đã dịch sang tiếng Việt thiên truyện thơ “Tum Tiêu” - một tác phẩm văn chương cổ điển có giá trị bậc nhất của nền văn học Campuchia.

Cuốn sách dịch Tum Tiêu của Phùng Huy Thịnh hiện được tái bản nhiều lần ở Việt Nam. Năm 2009, khi cả nước cùng nhân dân Thủ đô Hà Nội đang hướng tới Ðại lễ mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, trực tiếp là đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang đã dựng vở “Chàng Ca Tum và nàng My Tiêu”, do Phùng Huy Thịnh viết kịch bản, phỏng theo truyện thơ Tum Tiêu của Campuchia. Có thể nói, đây là vở diễn gây được ấn tượng sâu sắc với công chúng.

“Tum Tiêu” đề cập đến vấn đề bi kịch của đôi trai tài, gái sắc xuất thân từ tầng lớp lao động bình dân; là tiếng hát ngợi ca hạnh phúc đích thực, chân chính của con người; là tiếng ca của niềm tin vào chính nghĩa, vào nghĩa tình, vào cái đẹp, cái thiện và là lời kêu gọi đấu tranh chống lại tất cả những gì chà đạp lên hạnh phúc của con người. Dựa trên cốt truyện là câu chuyện tình bi thảm của đôi trai tài, gái sắc xuất thân từ tầng lớp thấp trong xã hội, tác phẩm lên tiếng mạnh mẽ ca ngợi và bênh vực những con người chân chính và lương thiện.

Ở đó còn chứa đựng nhiều phong tục dân gian cổ, lối cảm, nếp nghĩ, cả những sinh hoạt kinh tế, thiết chế xã hội Campuchia từ nhiều thế kỷ trước. Song song với hình ảnh tốt đẹp của hai người trẻ tuổi Tum và Tiêu là hình ảnh những con người tham lam, độc ác (mẹ Tiêu, A-rơ-chun và con trai), tượng trưng cho sự thối nát của tầng lớp quan lại phong kiến địa phương. Với những nét độc đáo, mới mẻ về nội dung đề tài, kết cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, Tum Tiêu đã chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong nền văn học truyền thống của Campuchia.

Vì những giá trị to lớn của Tum Tiêu trong đời sống tinh thần của người dân Campuchia mà nhiều nhà nghiên cứu đã so sánh Tum Tiêu với Truyện Kiều của Việt Nam. Nếu như Truyện Kiều gồm 3.254 câu, theo thể lục bát thì Tum Tiêu gồm 4.024 câu viết theo thể thơ thất ngôn. Tất nhiên, dịch thuật là công việc không chỉ đòi hỏi người dịch phải thông thạo ngôn ngữ mà cần phải có bề dày tri thức, sự am hiểu tường tận về văn hóa, nếp sống, suy nghĩ của người dân Campuchia. Phùng Huy Thịnh là người hội tụ được những khả năng đó và hơn thế, ông còn rất nhạy cảm trong việc nhận ra những giá trị nhân văn trong tác phẩm Tum Tiêu.

Qua những câu thơ dịch sang Việt ngữ, người đọc đã thấy được một thi sĩ Phùng Huy Thịnh với ngôn ngữ thơ kể chuyện mà thật giàu mỹ cảm: “Lễ an cư lần lần lại đến/ Ngày Vu Lan du khách viếng chùa/ Tum tương tư ngày thêm buồn khổ/ Vườn rơi hoa trái, nắng lưa thưa”. Trong tác phẩm dịch Tum Tiêu, rất nhiều những khổ thơ nhuần nhuyễn và điêu luyện. Dịch giả tỏ ra rất tài tình, khéo léo, uyển chuyển để làm chủ được thể thơ thất ngôn. Nhiều khi, những khổ thơ dịch rất sát nguyên tác mà cảm xúc, nhạc điệu và hình ảnh thơ đạt tới vẻ đẹp cổ điển: “Đây Tà ec, Prec cô cồn cát/ Kia Rồ ca dân chúng an cư/ Nọ Chrúc coong nhà san sát/ Ngọn khói chiều lam vẽ nét thu”.

Trong thiên tình sử bi thương của Tum và Tiêu, đôi tình nhân xấu số này có hai người bạn luôn chia sẻ vui buồn, sống chết, là Pêch (bạn Tum) và Nô (bạn Tiêu). Khi gặp cảnh éo le ngang trái, Tum được Pêch luôn kề bên an ủi, họ đang trong cuộc hành trình trên chiếc xe bò kéo: “Ðược lời nói tựa chia gánh nặng/ Nỗi buồn, theo chiều xuống dần vơi/ Bò đếm bước đường rừng khấp khểnh/ Gió hoàng hôn, từng chiếc sao rơi”. Và, khi Tum bị sát hại, Tiêu cũng tự vẫn theo, thì: “Nô thương xót khôn cùng, chẳng nghĩ/ Cũng nằm bên Tiêu tự quyên sinh/ Rừng đêm chứng kiến thiên bi kịch/ Thiên nhiên hoang dã cùng rùng mình”. Bản dịch cũng dùng lối thơ thất ngôn như bản gốc, khiến nhiều khi người đọc có cảm giác đang được tiếp cận với bản gốc tác phẩm văn chương bất hủ của dân tộc Campuchia.

Giờ đây, khi đã gần bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, trải qua nhiều công việc và cũng gặt hái được không ít những thành công trên con đường hoạt động báo chí, văn chương, nghệ thuật, thế nhưng những năm tháng được sống và làm việc trên đất nước Chùa tháp luôn là những ký ức không thể phai mờ với nhà báo - dịch giả Phùng Huy Thịnh. Và đứng trước sự thúc đẩy, tăng cường giao lưu, hiểu biết văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là văn học giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia trong thời đại hôm nay, Phùng Huy Thịnh vẫn luôn tự hào vì mình đã là một trong những nhịp cầu nối những trái tim yêu văn học Việt Nam - Campuchia.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO