Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Nhịp cầu nối đôi bờ vui cho đồng bào Rục

Biên phòng - Chỉ cách trung tâm xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) 12 cây số, nhưng các bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ dễ dàng trở thành ốc đảo vào những ngày mưa lũ vì con đường độc đạo bị ngập sâu dưới nước. Bởi vậy mà cây cầu vượt lũ do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình khởi công, đưa vào sử dụng đã trở thành “giấc mơ có thật” của đồng bào Rục ở khúc đoạn Trường Sơn này.

Ngày 23-8-2021, Đồn Biên phòng Cà Xèng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khánh thành cầu vượt lũ tại bản Ón. Ảnh: Hoài Nam

Nằm ở khu vực trũng nên vào mùa mưa lũ, con đường độc đạo từ trung tâm xã Thượng Hóa vào các bản: Ón, Yên Hợp, Mò Ô Ồ Ồ luôn bị ngập sâu và chia cắt dài ngày. Có thời điểm, đường bị ngập kéo dài gần 2 tháng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Chuyện nghe có vẻ lạ kì khi Đồn Biên phòng Cà Xèng nằm trên dãy Trường Sơn lại có 1 chiếc ca nô. Hỏi ra mới biết, chiếc ca nô này để mỗi khi nước dâng, bộ đội lại đi chở hàng cứu trợ, thuốc men hoặc đưa người dân có việc cần kíp qua điểm ngập. Nhằm giúp đồng bào Rục ở 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ ổn định cuộc sống, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình, Đồn Biên phòng Cà Xèng ấp ủ kế hoạch xây 1 cây cầu vượt lũ. Sau thời gian kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, ngày 12-7-2021, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình tổ chức khởi công xây dựng cầu treo vượt lũ tại bản Ón.

Những ngày thi công cầu là những ngày vui nhất của đồng bào Rục. Người già dặn dò đàn ông, thanh niên trong bản sẵn sàng giúp khi có việc, trẻ con thì đứng từ xa ngắm nghía, tưởng tượng sẽ có cây cầu đẹp như trên tivi. Để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ, Đồn Biên phòng Cà Xèng cử cán bộ, chiến sĩ đến giúp ngày công lao động. Tiếng máy, tiếng sắt thép, đá va vào nhau phát ra những âm thanh chói tay mà sao ai cũng thích nghe. Hình hài cây cầu cứ dần hiện hữu trong sự mong ngóng của mọi người.

Sau hơn 1 tháng thi công, ngày 23-8-2021, Đồn Biên phòng Cà Xèng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khánh thành cầu vượt lũ. Công trình hoàn thành, kịp đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão trong năm lại càng tăng niềm vui của bà con lên bội phần. Cầu bằng bê tông, cốt thép trị giá 1 tỷ đồng được trang hoàng bởi cờ Tổ quốc, cờ phướn tung bay trong gió. Và hơn cả là những khuôn mặt vui tươi, luôn nở nụ cười của quân và dân nơi biên giới khiến mọi thứ cứ sáng bừng lên trong nắng Trường Sơn.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Đại tá Trịnh Thanh Bình cảm ơn các đơn vị, nhà hảo tâm đã đồng hành, hỗ trợ đồng bào Rục. Cây cầu là món quà gửi gắm cả tấm lòng của nhà tài trợ, bởi vậy, Đại tá Trịnh Thanh Bình mong rằng mọi người phải trân trọng, từ đó, thường xuyên quan tâm, bảo dưỡng và sử dụng theo đúng trọng tải thiết kế nhằm bảo vệ và kéo dài tuổi thọ của công trình, đó là cách tri ân những mạnh thường quân ý nghĩa hơn trăm ngàn lời cảm ơn. “Việc xây dựng cầu vượt lũ nhằm giúp đỡ nhân dân đi lại thuận tiện, ổn định cuộc sống, bởi vậy, mỗi người dân cần gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia cùng BĐBP trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Lời nói của Đại tá Nguyễn Thanh Bình khiến ai nấy đều tâm đắc và ghi nhớ trong lòng.

Thực ra, Đại tá Trịnh Thanh Bình không xa lạ gì với bà con người Rục ở đây vì trước khi là Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình, ông có nhiều năm là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng. Ông chính là người cùng cán bộ, chiến sĩ biến vùng lầy, lau lách thành cánh đồng lúa nước 2 vụ Rục Làn.

Bởi vậy, trong mỗi câu chuyện kể về cánh đồng lúa nước, người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, Ón hay Yên Hợp đều không quên nhắc đến ông, còn Đại tá Trịnh Thanh Bình cũng luôn nhớ về bà con ở Rục Làn. “Được chứng kiến sự đổi thay của đồng bào Rục trong hàng chục năm qua, với những người lính Biên phòng chúng tôi, quả là niềm hạnh phúc vô bờ bến, bởi trong chúng tôi, họ luôn là những người anh em ruột thịt” - Đại tá Trịnh Thanh Bình chia sẻ.

Nhờ cánh đồng lúa nước 2 vụ, người Rục ở bản Ón, Mò O Ồ Ồ và Yên Hợp đã tự túc được một phần lương thực (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Trúc Hà

Khỏi phải nói, người Rục ở Mò O Ồ Ồ, Ón hay Yên Hợp vui thế nào trước việc có cây cầu mới. Vậy là từ nay, mỗi khi đến mùa mưa lũ, mọi người không còn lo sợ vì nước dâng ngập đường. Giấc mơ của đồng bào đã thành hiện thực, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt, khi từng đôi chân trần đứng trên cây cầu mà cả đời họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Anh Cao Xuân Long là “thế hệ mới” được sinh ra và lớn lên ở bản Ón.

Trẻ tuổi, sôi nổi, việc gì của bà con, anh cũng sẵn sàng giúp, bởi vậy, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong mỗi hành động, câu nói của anh đều luôn nghĩ đến mọi người. Anh bảo: “Có cầu rồi, người dân không sợ bị cô lập vào mùa lũ nữa. Chúng tôi không còn sợ đói, sợ thiếu thuốc men và nhất là không còn nguy hiểm rình rập vào mùa mưa lũ”.

Già làng Cao Ên không giấu nổi niềm vui khi bản làng có cây cầu vượt lũ. Từ rừng sâu, già được những người lính Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên phát hiện đưa về đây lập bản, bắt đầu cuộc sống mới. Trải qua thời gian, già làng Cao Ên chứng kiến sự đổi thay của đồng bào mình. Những người lính Biên phòng đã dìu dắt đồng bào Rục hòa nhập với nhịp sống mới. Từ rừng sâu, người Rục được ở trong những nếp nhà che mưa nắng, ăn chín, uống sôi, trẻ con được đi học. Đã nhiều năm nay, cánh đồng Rục Làn giúp bà con không còn thiếu lương thực.

Năm 2019, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã xây dựng hệ thống điện đường với công trình “Ánh sáng vùng biên” tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Mỗi khi đêm xuống, con đường vào các bản rực sáng ánh đèn điện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn biên giới, đồng thời, phát triển các hoạt động văn hóa, tinh thần cho đồng bào. Cuộc sống cứ như ở trong giấc mơ của già làng Cao Ên.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO