Biên phòng - Đó là đánh giá của đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, sau khi dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu lần thứ XXIV của Đảng bộ BĐBP Quảng Bình, nhiệm kỳ 2020-2025, tổ chức trong 2 ngày 29 và 30-6. Đây là tổ chức đảng được Đảng ủy BĐBP và Tỉnh ủy Quảng Bình chọn tổ chức đại hội trước nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm cho Đảng bộ BĐBP các tỉnh miền Trung tổ chức đại hội đúng kế hoạch đề ra.

Đại hội đại biểu lần thứ XXIV của Đảng bộ BĐBP Quảng Bình có 129 đại biểu tham dự. Trong đại hội có 24 ý kiến tham luận. Nội dung tham gia thảo luận bao gồm: Báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ BĐBP Quảng Bình, dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội; thảo luận dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ BĐBP trình Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XV; thảo luận báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; thảo luận các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
Trung tá Hoàng Ngọc Thiên, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Bình nêu ý kiến, đối với vấn đề xử lý vụ việc trên biên giới, có lúc chưa kịp thời, các hành vi vi phạm quy chế biên giới còn diễn ra và chưa được ngăn chặn triệt để.
Trung tá Thiên còn đề cập Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một “cột mốc sống”, trong quản lý và bảo vệ biên giới. Tuy nhiên, khu vực biên giới với đại đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, song đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn về cả vật chất và tinh thần, trình độ dân trí thấp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội chưa được đảm bảo. Do đó, kiến nghị HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình và đề xuất Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phân bổ các nguồn lực trong “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18-11-2019 để BĐBP chủ động giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Từ đó, đồng bào yên tâm gắn bó, cùng BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xứng đáng là “cột mốc sống” nơi biên cương của Tổ quốc.
Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đưa ra ý kiến, hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, cần chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, cụ thể là ứng dụng công nghệ 4.0 để đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi, hiện đại, giúp cho việc soi chiếu, đối chiếu, rà soát, kiểm danh được diễn ra chặt chẽ, thuận lợi, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam được thống nhất và tương thích với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thiếu tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng có ý kiến, Đảng ủy BĐBP Quảng Bình cần tham mưu cho Tỉnh ủy Quảng Bình giúp cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức về xây dựng và bảo vệ biên giới; trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Biên giới quốc gia. Từ đó, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Để BĐBP tham gia có hiệu quả trong xây dựng và củng cố cơ sở chính trị tại địa phương, Đảng ủy BĐBP Quảng Bình cần chủ động tham mưu và thực hiện tốt chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình trong việc thực hiện Kết luận số 68 ngày 5-2-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng thêm cấp ủy viên cấp huyện, xã là cán bộ đồn Biên phòng. Bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách đối với cán bộ BĐBP tăng cường tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình quan tâm bổ sung, chỉ định cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy địa phương cấp tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP Quảng Bình với các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy biên giới, thực hiện và nhân rộng Đề án tăng cường cán bộ BĐBP đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, tham gia sinh hoạt tại một số chi bộ bản thuộc các xã biên giới phía Tây của tỉnh, tăng cường đảng viên tham gia sinh hoạt ở các chi bộ ở vùng công giáo.
Trung tá Ngô Văn Bình, Phó Chủ nhiệm Chính trị đưa ra ý kiến, đối với công tác giáo dục chính trị ở một số chi bộ, đảng bộ chưa thực sự nhạy bén, cán bộ chính trị chưa phát huy vai trò trong định hướng tư tưởng, giáo dục chính trị, động viên bộ đội. Do đó, nên tập trung vào những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp. Giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong các mặt công tác; nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ngăn chặn kịp thời biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang tham dự và chỉ đạo đại hội cho rằng, những ý kiến thảo luận đều tâm huyết, dân chủ và trách nhiệm, nội dung không chỉ hướng về văn kiện của Đảng bộ BĐBP, mà còn hướng về Đảng bộ tỉnh để góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh. Các ý kiến luôn sát thực và rất sâu sắc, qua đó càng thấy rõ, các cán bộ, đảng viên mang quân hàm xanh luôn đồng hành với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nơi biên giới, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở biên giới ngày càng vững mạnh.
Lê Văn Chương