Biên phòng - Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức diễn ra từ ngày 11 và 12-7 tại thủ đô Bruxelles của Bỉ. Hội nghị này được tổ chức trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) đang ở trong tình trạng căng thẳng do chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đề nghị của ông chủ Nhà trắng trong việc cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo AP, một trong những chủ đề “nóng” được thảo luận trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh NATO vẫn là việc đóng góp chi phí cho liên minh quân sự này, vốn làm rạn nứt mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh phương Tây từ nhiều tháng nay. Hiện Mỹ chiếm gần 72% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO và mới chỉ có 3 nước châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Hy Lạp và Estonia.
Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã viết thư nhắc nhở 8 thành viên châu Âu trong NATO (gồm Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Đức) tuân thủ các cam kết về chi tiêu cho quốc phòng, đồng thời tái khẳng định ông sẽ yêu cầu các nước tôn trọng cam kết này tại hội nghị thượng đỉnh NATO.
Tuy nhiên, điều mà phần lớn các thành viên của NATO lo ngại đó là sự quan hệ giữa Washington và Moscow sẽ tiến triển như thế nào sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra vào ngày 16-7 tới ở Helsinki (Phần Lan). Các nước như Đức và Pháp không muốn có sự thỏa hiệp nào giữa Nga và Mỹ đối với vấn đề Crimea hoặc chiến dịch dàn quân mới của NATO tại sườn phía Đông. Những lo ngại nêu trên không phải là không có căn cứ bởi bởi châu Âu đã nhận thấy bài học nhãn tiền từ cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12-6 vừa qua. Châu Âu sợ rằng tại cuộc gặp Tổng thống Vladimir Putin ở Helsinki, ông Trump sẽ có những bước đi tương tự như tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Theo tờ Độc lập của Anh, Mỹ đang triển khai 60.000 quân trên khắp châu Âu, bao gồm 35.000 quân tại Đức, 12.000 quân ở Italy, 8.500 ở Anh, 3.300 ở Tây Ban Nha. Washington cùng các đồng minh cũng điều một lực lượng gồm 8.000 binh lính tới các nước NATO sát với biên giới Nga, bao gồm Ba Lan và các nước Baltic. Ngoài nhân lực, Mỹ có điều hàng loạt các khí tài quân sự tới các căn cứ trên lãnh thổ châu Âu.
Kể từ khi Crimea sáp nhập trở về Nga năm 2014, Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu bằng việc mở chiến dịch hỗ trợ và đào tạo lực lượng vũ trang của các nước thành viên NATO có biên giới với Nga. Tháng trước, Mỹ đã dẫn đầu cuộc tập trận NATO tại Ba Lan và các nước Baltic với 18.000 binh sĩ tham gia. Do vậy, EU lo ngại ông Trump sẽ cam kết ngừng các cuộc tập trận chung của NATO do Mỹ dẫn đầu tại Ba Lan và các nước Baltic, hay nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với Nga và không giải quyết vấn đề Crimea, chỉ để đổi lấy một thỏa thuận “mơ hồ” từ phía Nga.
Ngoài hai vấn đề nêu trên, hội nghị NATO cũng sẽ thảo luận những vấn đề “nóng” khác như biến đổi khí hậu, người di cư…. Trước thềm hội nghị, hàng nghìn người thuộc các tổ chức và hiệp hội công khác nhau ở Bỉ đã tham gia cuộc biểu tình với các biểu ngữ ủng hộ hòa bình, chống chiến tranh, phản đối các chính sách của Tổng thống Donald Trump…
Những người biểu tình cho rằng, NATO đã sai khi tập trung vào vấn đề quân sự hóa mà "bỏ quên" những cuộc chiến thực sự như chống đói nghèo, bảo vệ Trái Đất trước nguy cơ biến đổi khí hậu, người di cư... Đây là dấu hiệu cho thấy các mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên sẽ khó được giải quyết trong khuôn khổ hai ngày diễn ra hội nghị NATO lần này.
Thu Uyên