Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 09:56 GMT+7

Nhiều trở ngại trong phát triển các sản phẩm OCOP

Biên phòng - “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Sau hơn 3 năm triển khai, OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và sử dụng ngày càng nhiều hơn. Mặc dù có những kết quả tương đối khả quan, nhưng để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tốt hơn nữa trong thị trường thì cần khắc phục nhiều bất cập còn tồn tại hiện nay.

Nhiều địa phương vẫn đang loay hoay tìm sản phẩm đặc trưng để xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Thúy Hồng

Loay hoay xây dựng và phát triển sản phẩm

Mặc dù Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự tham gia, đồng lòng ủng hộ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân và đã đạt kết quả bước đầu, song quá trình triển khai Chương trình OCOP tại các địa phương cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Tìm hiểu thực tế tại xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi nhận thấy, dù đã triển khai chương trình được 3 năm, nhưng xã An Sơn vẫn đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng.

Ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Dù là một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp với một số sản phẩm đặc trưng như: Cải ngồng, bắp cải và có 7 hộ sản xuất bánh truyền thống Khẩu Sli, nhưng hiện tại, xã An Sơn vẫn chưa xây dựng được sản phẩm OCOP. Nguyên nhân là qua khảo sát, đánh giá thì các sản phẩm của người dân nơi đây chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài.

Được biết, hiện nay, toàn huyện Văn Quan mới chỉ có 4 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3-4 sao cấp tỉnh. Ông Lý Văn Đàm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: “Quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản”.

Ngay như đối với tỉnh Quảng Ninh, địa phương đầu tiên thực hiện Chương trình OCOP và chương trình cũng đã mang dấu ấn sáng tạo của địa phương, tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm OCOP có chỗ đứng nhất định thì hiện tại, không ít sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đang có sự suy giảm về chất lượng, số lượng. Đáng buồn hơn, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, nhưng do hạn chế trong tư duy và cách làm của cơ sở sản xuất, sự thiếu quan tâm, sâu sát của chính quyền các địa phương khiến cho nhiều sản phẩm không tiếp tục phát triển hoặc không có thị trường, dẫn đến dừng sản xuất, phải đưa ra khỏi chương trình.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2021, Quảng Ninh đã rà soát đưa 56 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, để khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế, các địa phương phải có sự vào cuộc quyết liệt, quan tâm sát sao tới các bước phát triển của sản phẩm, của đơn vị sản xuất. Hằng năm, giao chỉ tiêu, kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP cho các xã, phường gắn với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tạo dựng thị trường cho sản phẩm OCOP

Sau rất nhiều nỗ lực, các sản phẩm OCOP đã tạo vị thế khác biệt và nổi trội cho nông sản trong cả nước. Nhưng để định danh và định vị được giá trị sản phẩm, các sản phẩm cần có những bước tiến về phía trước thay vì đi “giật lùi”.

Người dân tại một số địa phương vẫn chưa tạo ra được nhiều sản phẩm OCOP để tìm chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Thúy Hồng

Hiện nay, hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương quan tâm triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu để tạo hình ảnh, nhận diện sản phẩm OCOP và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng..., nhất là trong bối cảnh mọi mặt của xã hội vẫn đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, sản phẩm OCOP là những sản phẩm có quy mô nhỏ, ở cấp độ làng, xã, do đó, khi tham gia vào OCOP, đòi hỏi sự chuyển đổi từ các kênh tiêu thụ truyền thống sang các kênh bán hàng hiện đại. Cùng với đó, các sản phẩm cần được đóng gói với bao bì, mẫu mã theo quy chuẩn nên phải có thời gian thích ứng và mở rộng thị trường...

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ, ngoài việc cải thiện quy trình và công nghệ chế biến, xúc tiến thương mại hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số..., cần tập trung phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP tại các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm Phát triển nông thôn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Có thể tạo ra giá trị tăng thêm cho các sản phẩm OCOP - những sản phẩm được khai thác từ tài nguyên bản địa của mỗi miền quê, bằng cách đưa các câu chuyện vào từng sản phẩm, hướng dẫn người dân giới thiệu về sản phẩm gắn với lịch sử, văn hóa... Sản phẩm OCOP mang đặc trưng giá trị vùng miền, cần có “câu chuyện” để dẫn dắt, giới thiệu về sản phẩm để tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Thúy Hồng

Bình luận

ZALO