Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 12/11/2024 07:36 GMT+7

Nhiều trăn trở cho phát triển du lịch ở vùng cao A Lưới

Biên phòng - Với tiềm năng và thế mạnh về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với sự đa dạng văn hóa và ẩm thực, du lịch A Lưới hội tụ nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trăn trở cho phát triển du lịch ở vùng cao A Lưới khi chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có.

Thời gian qua, du lịch A Lưới từng bước phát triển và ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu, khám phá. Ảnh: Tiêu Dao

Những món quà của thiên nhiên

A Lưới nằm ở huyện miền núi cùng tên và tiếp giáp với Lào của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây có độ cao trung bình 600-800m so với mặt nước biển nên có khí hậu mát mẻ cùng không khí trong lành. A Lưới chính là địa điểm du lịch mang phong cách xứ lạnh, thu hút nhiều du khách với những con suối, thác nước tiềm ẩn giá trị du lịch sinh thái hấp dẫn - món quà tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây. Đó là thác A Nôr, suối A Lin nơi thượng nguồn A Lưới, hay suối Pâr Le với 2 bãi tắm mát lành. Riêng suối nước nóng A Roàng và suối nước nóng Hồng Hạ lại dành tặng món quà nghỉ dưỡng thú vị.

Ngoài các điểm du lịch còn giữ nhiều nét hoang sơ như trên, A Lưới còn thu hút du khách bởi thác Pông Chất, đập Ta Rê, cùng nhiều con sông, con suối lượn quanh vùng núi non, thác ghềnh như sông A Sáp, A Lin, Tà Rình... A Lưới còn có những cánh rừng già chứa đựng sự đa dạng sinh học và vẻ đẹp của vùng sơn cước, gợi lên sức sống hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng.

Đồng thời, nơi đây cũng là vùng đất có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều... Chính điều đó đã tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa nơi đây. Trải qua bao nhiêu năm đổi mới và phát triển, A Lưới dần dần thay da đổi thịt, đời sống người dân được cải thiện hơn rất nhiều, các cơ sở hạ tầng như đường sá, thủy lợi, nước sinh hoạt đã được đầu tư nâng cấp. Từ một huyện nghèo bước ra sau chiến tranh, đến nay, A Lưới đã là địa điểm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được nhiều người quan tâm và yêu mến. Nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái vùng với mục tiêu hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, phát huy tối đa lợi ích cộng đồng, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học làm mô hình thí điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được triển khai.

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, vùng đất này còn có hệ thống làng nghề đa dạng, lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số... Tuy nhiên, khách du lịch vẫn chưa biết nhiều đến A Lưới với những vẻ đẹp này và du lịch A Lưới vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng để phát triển.

Làm gì để du lịch A Lưới cất cánh?

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên văn hóa lịch sử đa dạng, vùng đất này đã được tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến phát triển trở thành một điểm đến văn hóa du lịch, trong đó chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Nghề thủ công truyền thống của người dân địa phương khiến du khách thích thú. Ảnh: Tiêu Dao

Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực xây dựng những hoạt động du lịch, gắn với gìn giữ phong tục, tập quán đặc sắc, khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc nơi đây, cũng như thưởng thức những món ăn, thức uống được chế biến rất cầu kỳ, độc đáo mang đậm chất vùng cao như ka lèng, thịt khô gác bếp, rượu cần, súp sắn, đọt mây nướng, cá nướng đùm lá chuối, bánh a quát, a chót và cơm lam... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phối hợp với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết: “Hiện tại, A Lưới đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá qua pa nô, mạng xã hội và website, chuyển tải những hình ảnh đẹp, dịch vụ mới của du lịch A Lưới. Địa phương hiện đang phát triển nhiều loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái kết hợp với cộng đồng, du lịch tham quan di tích, khai thác các giá trị văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống và đặc trưng văn hóa mang đậm bản sắc riêng của A Lưới. Các điểm du lịch chủ yếu không bán vé nên chúng tôi chú trọng kích cầu bằng dịch vụ, ổn định giá dịch vụ nhưng tăng các gói tặng thêm cho khách”.

Hiện, trên địa bàn huyện có 13 điểm du lịch, nhưng trăn trở của huyện là thời gian lưu trú của khách vẫn còn ngắn, chủ yếu mới ở lại một đêm. Việc “giữ chân” du khách không chỉ để họ trải nghiệm đầy đủ nét đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa, ẩm thực của A Lưới, mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp không khói trên địa bàn huyện phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút và giữ chân du khách là giữ môi trường du lịch lành mạnh, xanh - sạch - đẹp.

Ngoài đầu tư các công trình phục vụ du lịch và làm mới, sửa sang các điểm du lịch hằng năm, vừa đảm bảo an toàn du lịch, vừa theo hướng thân thiện môi trường, giữ nét truyền thống thì cũng cần đặc biệt chú ý đến vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn du lịch cho du khách; đồng thời, luôn chào đón, phục vụ khách thân thiện, nhiệt tình để sau chuyến du lịch, khách muốn quay trở lại A Lưới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới trăn trở: “Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, nhưng du lịch A Lưới chưa được nhiều người quan tâm, nguồn vốn đầu tư lại ít nên tài nguyên du lịch của huyện vẫn chưa được khai thác nhiều. Để cải thiện môi trường đầu tư, thời gian qua, huyện A Lưới đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cùng với tỉnh triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, huyện A Lưới tiếp tục đồng hành, là điểm đến thực sự của các nhà đầu tư”.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO