Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 06:14 GMT+7

Thương mại biên giới Việt Nam - Lào:

Nhiều tín hiệu lạc quan

Biên phòng - Theo Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào, các loại hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và Lào sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0%. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Đây được coi là cú hích để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào.

rjl2_13a
Chợ ở khu vực cửa khẩu Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTH

Góc nhìn từ Nghệ An

Nghệ An có đường biên giới đất liền tiếp giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào dài nhất cả nước (468km). Với 4 cửa khẩu và nhiều lối mở trên biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của Lào gồm: Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, Nghệ An được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc phát triển thương mại biên giới. Ông Nguyễn Bá Hảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối giao lưu văn hóa, giáo dục, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ban, ngành tăng cường thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Lào. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa tỉnh Nghệ An và Lào đạt trên 23 triệu USD”. 

Đánh giá về kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nghệ An và các tỉnh giáp biên của Lào, bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An cho biết thêm: “Mặt hàng xuất khẩu sang Lào chủ yếu là vật liệu xây dựng, hàng thủy sản, thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng. Mặt hàng nhập khẩu từ Lào chủ yếu là gỗ nguyên liệu, hàng nông sản, thạch cao, nhựa thông... Hiện có hơn 90 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp đầu tư kinh doanh vào thị trường Lào trên các lĩnh vực trồng rừng, khai thác khoáng sản và thủy điện. Tổng vốn đầu tư các dự án đạt trên 200 triệu USD”.

Để hợp tác thương mại giữa Nghệ An và nước bạn Lào có bước tiến sâu sắc hơn, tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, trao đổi thông tin, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương hai bên biên giới. Trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, để phát triển hơn nữa giao thương giữa hai bên biên giới cần thúc đẩy đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn qua cửa khẩu Thanh Thủy nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, kết nối giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar. Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật thương mại cho các cửa khẩu, biên giới Việt Nam - Lào nói chung và Nghệ An nói riêng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu Thanh Thủy, Thông Thụ, Tam Hợp... Đồng thời, tăng cường hỗ trợ kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư...

Việt Nam là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất vào Lào

Tháng 6-2015, Chính phủ Việt Nam và Lào ký kết Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước. Qua 4 năm thực hiện, hiệp định đã mang lại lợi ích lớn cho cả hai nước, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào; phát triển các cửa khẩu biên giới Việt - Lào, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo khu vực biên giới hai nước.

tvzx_13b
Người dân Lào thường xuyên qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo để mua bán tại chợ Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Bích Nguyên

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương hai nước Việt Nam và Lào thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm đến thị trường hai nước..., đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển thương mại cũng như giao lưu văn hóa giữa hai nước. Hiện nay, trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn và có 8 khu kinh tế cửa khẩu. Mạng lưới chợ biên giới cũng phát triển với hệ thống 36 chợ, tạo động lực cho các hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ và đầu tư. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất vào Lào (cùng Trung Quốc, Thái Lan). 

Tổng cộng các nhà đầu tư Việt Nam đã đăng ký 409 dự án với tổng vốn lên tới 4,1 tỷ USD (trong đó 3,9 tỷ USD là vốn đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam). Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống của nhân dân hai nước. Tại 10 tỉnh biên giới của Lào, đã có 110 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Việt Nam với tổng số vốn là 2,7 tỷ USD. Ông May Kham Kheua, Bí thư Thứ nhất, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam khẳng định, kết quả của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào thời gian qua đã hỗ trợ cho ngành thương mại và du lịch hai nước phát triển ngày càng đi lên. 

Năm 2018, giá trị thương mại giữa Việt Nam và Lào đạt được hơn 1 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Đến nửa đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Lào đạt hơn 347 triệu USD, tăng 15,62% so với cùng kỳ năm 2018. Ở chiều ngược lại, Lào cũng tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam.

Kết nối logistics và đầu tư cơ sở hạ tầng

Theo các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý, tiềm năng phát triển thương mại giữa Việt Nam và Lào còn rất nhiều dư địa có thể khai thác. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc trong việc phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào hiện nay là cách hiểu và thực hiện một số quy định của hiệp định còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông chưa đồng bộ, thủ tục tại các cửa khẩu còn nhiều bất cập khiến cho giao thương giữa hai nước gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, để thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam – Lào, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại các cửa khẩu. Bên cạnh việc ưu tiên bố trí nguồn vốn Nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng, cửa khẩu biên giới, các chợ biên giới theo quy hoạch đã được phê duyệt, cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy kết nối về hạ tầng logistics và khai thông các tuyến đường vận tải hàng hóa giữa Việt Nam - Lào và các nước trong khu vực.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO