Biên phòng - Thời gian qua, hoạt động của tội phạm mua bán người trên toàn quốc nói chung và trên các tuyến biên giới nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về an ninh trật tự, xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng của con người. Các đối tượng phạm tội câu kết với nhau, hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chúng triệt để lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường và xã hội, sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân… để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí ép buộc, khống chế để bán nạn nhân ra nước ngoài.
Thông qua các chuyên án, vụ án đấu tranh với tội phạm mua bán người của BĐBP và các lực lượng chức năng trong thời gian gần đây cho thấy, các đường dây mua bán người có tổ chức, hoạt động cả trong nội địa và trên các tuyến biên giới, xuyên quốc gia đang có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng. Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc diễn ra ngày càng phức tạp cả về số vụ, số đối tượng lẫn tính chất, thủ đoạn cũng như phạm vi và địa bàn hoạt động.
Ngoài tình trạng phụ nữ, trẻ em gái bị lừa bán vào các động mại dâm, nổi lên hiện nay là tình trạng chiếm đoạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, mua bán đàn ông để cưỡng bức lao động, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai... Gần đây còn xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng và đưa người sang Trung Quốc hoặc Campuchia, Thái Lan đẻ thuê.
Đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, trong đó, số đối tượng trên 30 tuổi chiếm đa số. Các đối tượng này hầu hết có kiến thức xã hội và thường là người thông thuộc địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, am hiểu phong tục, tập quán của người dân tộc, đặc biệt là phong tục tập quán người dân tộc Mông. Cùng với đó, nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay trở về Việt Nam cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân khác bán sang Trung Quốc, thậm chí có đối tượng còn lừa bán cả người thân trong gia đình. Chúng lợi dụng đặc điểm người dân khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân ở nhiều địa phương và lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất, nhập cảnh để lừa gạt nạn nhân đưa ra nước ngoài bán.
Bên cạnh đó, các đối tượng mua bán người còn lợi dụng triệt để mạng xã hội để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, sau đó lừa bán nạn nhân. Đặc biệt, gần đây, chúng còn dùng thủ đoạn giả danh các lực lượng chức năng cơ quan Nhà nước, Quân đội, Công an để lừa nạn nhân (dùng tên, hình ảnh đại diện trên Facebook, zalo của lực lượng Công an, Bộ đội để lừa gạt). Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng phong tục tập quán của người Mông để “bắt vợ” đưa sang Trung Quốc bán.
Đại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Tình hình tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng phạm tội thường lợi dụng hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế của một số phụ nữ, trẻ em để dụ dỗ, lừa gạt, sau đó mua bán ra nước ngoài vì nhiều mục đích khác nhau. Với loại tội phạm “ẩn” như tội phạm mua bán người, dự báo xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới tinh vi, xảo quyệt hơn.
Do vậy, để hạn chế tình trạng trên, lực lượng BĐBP đã và đang đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường điều tra, xác minh, đánh mạnh vào các đường dây, đặc biệt là các đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, BĐBP cũng phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, giúp họ đề cao cảnh giác, đồng thời tích cực tham gia phòng chống tội phạm mua bán người.
Từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 3.000 vụ án mua bán người với hơn 6.000 nạn nhân. Ước tính mỗi năm, có khoảng 900 nạn nhân bị mua bán, trong đó có 90% bị bán ra nước ngoài và 70% trong số đó bị bán sang Trung Quốc. Riêng từ năm 2018 đến nay, BĐBP đã phối hợp, đấu tranh thành công 14 chuyên án, phát hiện, xử lý 79 vụ/45 đối tượng, giải cứu 163 nạn nhân.
Lê Đồng